Cách làm của Diễn Châu trong dồn điền đổi thửa

05/11/2013 21:50

(Baonghean) - Thực hiện Nghị quyết 26 NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Diễn Châu đã tiến hành rà soát lại các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chỉ tiêu giao thông thủy lợi nội đồng gắn với “Dồn điền, đổi thửa” theo tinh thần Chỉ thị 08 được chọn làm khâu đột phá.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới là quan điểm, mục tiêu của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã mời chuyên gia kinh tế, tư vấn giúp huyện về kinh nghiệm phát triển kinh tế, mở nhiều đợt tập huấn cho cán bộ các ngành, các xã. Trong công tác dồn điền, đổi thửa, đợt đầu Ban Thường vụ chọn 5 xã làm điểm, sau đó triển khai đồng loạt ra các xã còn lại. Qua gần 10 tháng triển khai, đã có 34/37 xã thực hiện công tác giao thông, thủy lợi gắn với "Dồn điền, đổi thửa". Từ bình quân 5 thửa/hộ, nay chỉ còn dưới 2 thửa/hộ, thửa nhỏ nhất là 500m2.

Đặc biệt, toàn huyện có hơn một trăm hộ đăng ký nhận một thửa và thuê thêm đất của các hộ khác tại các vùng quy hoạch khu kinh tế trang trại của các xã để xây dựng kinh tế trang trại, gia trại; từ đó, nhiều tổ, nhóm liên kết sản xuất nông nghiệp đã được hình thành... Hệ thống giao thông thủy lợi cũng được quy hoạch, bổ sung, đào đắp mới một cách cơ bản theo tiêu chí nông thôn mới. Nhân dân các xã trong toàn huyện đã tích cực hưởng ứng và tự nguyện góp mỗi khẩu bình quân 600.000 đồng. Điển hình như xã Diễn Tháp, từ nguồn đóng góp của dân, xã đã nâng cấp bê tông hóa toàn bộ đường giao thông khu dân cư và ngoài đồng ruộng, với tổng số gần 20km, triển khai xây dựng một nhà máy nước đủ phục vụ cho 1.500 hộ. Cùng với sự hỗ trợ của UBND tỉnh (3.000 tấn xi măng), xã phấn đấu đạt đơn vị nông thôn mới vào năm 2014.

Đón đầu chương trình dịch chuyển lao động nông nghiệp, nông thôn sang các ngành nghề khác, năm 2012, Huyện ủy đã mời và thu hút được 2 nhà máy may mặc, giải quyết việc làm ổn định cho 2.500 lao động. Hiện tại Huyện uỷ đang chỉ đạo tiếp tục kêu gọi một số nhà đầu tư, xây dựng thêm một số nhà máy như: Dệt may, công nghệ điện tử và một số ngành nghề dịch vụ khác nhằm thực hiện chủ trương "ly nông không ly hương".

Làm giao thông nội đồng ở Diễn Châu.
Làm giao thông nội đồng ở Diễn Châu.

Những kết quả trên là bước đột phá quan trọng làm cơ sở, nền tảng, tạo đà cho hướng làm ăn mới. Tuy nhiên, kết quả trên mới chỉ là bước đầu. Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế, xã hội từ nay đến hết nhiệm kỳ (năm 2015) trước mắt còn rất nhiều việc phải làm. Thời gian tới, huyện tập trung triển khai các đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các mô hình kinh tế trang trại, xây dựng cánh đồng liên kết, liên doanh sản xuất hàng hóa hiệu quả, bền vững, tăng thu nhập cho người nông dân. Rà soát lại các quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nhanh việc thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, phát huy hiệu quả các làng nghề và làng có nghề…

Mục tiêu đặt ra trong năm 2013 là phấn đấu hoàn thành việc làm giao thông, thủy lợi, gắn với dồn điền, đổi thửa. Để đạt được các mục tiêu trên, việc đầu tiên các cấp, các ngành phải tập trung quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, lấy giải pháp thực hiện Nghị quyết T.Ư4 và Chỉ thị 03 là khâu then chốt.

Bài, ảnh: Lê Văn Cầm (Bí thư Huyện ủy Diễn Châu)