"Lá chắn" đẩy lùi ma túy
(Baonghean) - Theo Kế hoạch số 581/KH-UBND-NC ngày 1/11/2013 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định của Bộ Công an phê duyệt Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”, đến hết năm 2015, tỉnh ta phấn đấu mỗi huyện, thành, thị giảm ít nhất 10% số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy so với năm 2012. Để thực hiện tốt các mục tiêu này, bên cạnh việc đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm ma túy, làm tốt công tác cai nghiện và giải quyết việc làm sau cai thì việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đóng vai trò quan trọng.
Là địa phương có bề dày truyền thống cách mạng, văn hóa, những năm qua, xã Tường Sơn (Anh Sơn) đã rất quan tâm đến công tác phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn môi trường văn hóa ở cộng đồng dân cư. Ông Nguyễn Hữu Vân - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ở 14 thôn, bản của xã, công tác phòng, chống tệ nạn ma túy được lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nội dung phòng, chống ma túy được đưa vào quy ước, hương ước thôn bản để mọi người dân nêu cao ý thức chấp hành.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục, xã đã chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao để tầng lớp thanh, thiếu niên vui chơi, sinh hoạt lành mạnh. Hiện nay, tất cả các thôn đều có đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền. Toàn xã có 14 CLB phòng, chống ma tuý, mại dâm và 8 CLB vị thành niên, thanh niên trẻ được duy trì sinh hoạt thường xuyên mỗi tháng 1 lần góp phần hạn chế, phòng ngừa tệ nạn ma tuý, mại dâm. Đến nay, xã có 8/14 thôn, bản đạt chuẩn văn hóa, 79,8% gia đình văn hoá”.
Thôn trưởng thôn 8, xã Tường Sơn, ông Nguyễn Bá Tùng cho biết: “Với 126 hộ dân và hơn 500 nhân khẩu, để giữ cho địa bàn sạch về ma túy, xác định phòng ngừa là cơ bản, chi bộ, ban cán sự xóm, ban công tác mặt trận xóm đã tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội đến từng hộ dân; đa dạng hóa nội dung tuyên truyền như tổ chức tọa đàm, giao lưu văn hóa, văn nghệ với các tiểu phẩm có nội dung phòng chống ma túy... Ngoài ra, còn vận động các đoàn thể như chi hội phụ nữ, chi hội cựu chiến binh, chi hội người cao tuổi, chi hội cựu giáo chức phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc giáo dục con cháu, người dân tránh xa má túy và các tệ nạn xã hội khác, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Nhờ đó, thôn nhiều năm liền giữ vững danh hiệu văn hóa, là thôn văn hóa điển hình của huyện Anh Sơn”.
Công an Quỳ Châu tuyên truyền phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy cho người dân xã Châu Tiến. Ảnh: Xuân Thống |
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xã Lĩnh Sơn là một trong những xã sạch về ma túy của huyện Anh Sơn. Anh Nguyễn Văn Thu – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Qua công tác tuyên truyền vận động, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về công tác phòng, chống ma túy nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Mô hình tổ tự quản đã được triển khai ở 14/14 thôn của xã, hoạt động rất hiệu quả, góp phần thúc đẩy phong trào giữ gìn trật tự xã hội, xây dựng gia đình văn hóa.
Đến nay, mỗi thôn thành lập từ 7 - 8 tổ tự quản, sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú, thiết thực: trao đổi kinh nghiệm làm ăn, phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước cũng như của địa phương; tổ chức hoà giải khi có mâu thuẫn xảy ra giữa các hộ trong tổ, trong mỗi gia đình; cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chưa ngoan… Đối với những trường hợp nghiện và nghi nghiện ma túy, các tổ tự quản phối hợp với ban công an xã, ban cán sự xóm tích cực vận động gia đình đưa đi cai nghiện và tìm cách giúp đỡ để họ có việc làm ổn định. Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã không phát sinh người nghiện ma túy mới, an ninh trật tự được giữ vững, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt”.
Còn tại huyện Nghĩa Đàn, các mô hình tự quản về an ninh trật tự, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống ma túy đã được duy trì và hoạt động khá hiệu quả, như 35 câu lạc bộ “Mái ấm gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội” của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, mô hình “Quản lý con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” tại xã Nghĩa Bình, Nghĩa Tân, Thị trấn Nghĩa Đàn, xã Nghĩa Liên, Nghĩa Thắng; mô hình “Giáo xứ không có tội phạm và tệ nạn xã hội” tại xã Nghĩa An và Nghĩa Lộc. Trong số này, mô hinh “Giáo xứ không có tội phạm và tệ nạn xã hội” tại xã Nghĩa An được Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội huyện đánh giá rất cao.
Nghĩa An là một xã vùng xa của huyện, có 12 xóm, trong đó 2 xóm có đồng bào theo đạo công giáo sinh sống với 298 hộ, 1.640 nhân khẩu (chiếm 23,03 % dân số toàn xã). Từ nhiều năm qua, với mục tiêu xây dựng xứ đạo không có người vi phạm pháp luật, không có người nghiện ma tuý, không tệ nạn xã hội, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể cấp xã đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng mục vụ giáo xứ tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia giữ gìn ANTT bằng nhiều hình thức; lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho các chức sắc, chức việc trong giáo xứ thông qua những cuộc họp giao ban quý, năm; gắn việc hành lễ, giảng đạo và truyền dạy giáo lý với vận động đồng bào "Sống tốt đời, đẹp đạo", "Sống phúc âm trong lòng dân tộc"; đồng thời tập trung vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt nội dung “3 không” (không tệ nạn xã hội, không ma tuý, không có người vi phạm pháp luật) mà hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ, ban cán sự xóm đã ký cam kết thực hiện. Hiện nay trong 2 xóm đạo đã có 17 tổ liên gia với phương châm hoạt động "tự quản về ANTT, giúp nhau trong cuộc sống, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần".
Ngoài ra, trong 2 xóm giáo này còn có 2 tổ an ninh nhân dân, thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác vào các dịp lễ, tết, phát hiện kịp thời những đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cùng với Hội đồng mục vụ, Linh mục quản xứ có biện pháp răn đe, giáo dục, ngăn chặn, loại trừ tệ nạn xã hội, tệ nạn ma tuý và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Nhờ đó, những năm qua trên địa bàn xã luôn giữ được sự ổn định về ANTT, không có người nghiện ma tuý, không có người vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có tệ nạn xã hội, bà con lương - giáo sống đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Theo ông Nguyễn Văn Lục – Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 6.810 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý; có 21/21 huyện, thành, thị và 346/480 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Dự báo các năm tới, tình hình tội phạm ma túy và người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi, công tác phòng chống tội phạm ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai còn gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đấu tranh với các loại tội phạm ma túy, xây dựng một môi trường văn hoá lành mạnh ở các phường, xã, các khu dân cư, với các việc làm thiết thực như giảm tỷ lệ đói nghèo, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, duy trì các hoạt động văn hóa – thể thao lành mạnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao trình độ quản lý bộ máy chính quyền… chính là biện pháp phòng, chống ma tuý hiệu quả và bền vững nhất. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay góp sức của cộng đồng để đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội.
Minh Quân