Gian nan sự học ở Mỹ Lý

23/08/2013 21:44

(Baonghean) - Những ngày đầu năm học mới, chúng tôi ngược rừng lên với xã vùng biên Mỹ Lý (Kỳ Sơn) - nơi đầu nguồn của dòng Nậm Nơn. Đời sống kinh tế - xã hội nơi đây có nhiều khởi sắc, sự học được chăm lo, nhưng tại các ngôi trường giáo viên và học sinh vẫn phải đối diện với nhiều gian nan, vất vả.

(Baonghean) - Những ngày đầu năm học mới, chúng tôi ngược rừng lên với xã vùng biên Mỹ Lý (Kỳ Sơn) - nơi đầu nguồn của dòng Nậm Nơn. Đời sống kinh tế - xã hội nơi đây có nhiều khởi sắc, sự học được chăm lo, nhưng tại các ngôi trường giáo viên và học sinh vẫn phải đối diện với nhiều gian nan, vất vả.

Chòng chành “đường” đến trường.

Sáng sớm tinh mơ, tại bến đò bản Xiềng Tắm, trung tâm xã Mỹ Lý đã có hàng chục chiếc thuyền máy chở học sinh cập bến. Mùa này, dòng Nậm Nơn cuồn cuộn chảy với vô số xoáy nước và những đợt sóng ào ạt. Từ xa, trông những con thuyền giống như những chiếc lá mong manh giữa dòng nước xiết. Mỗi chiếc thuyền chở 7-10 học sinh đến từ các bản: Cha Nga, Xốp Dương, Nhọt Lợt, Piêng Pèn, Phà Chiếng, Huồi Pén và Yên Hòa.

Đây là những bản nằm dọc đầu nguồn sông Nậm Nơn, cách trung tâm xã hàng chục cây số, việc đi lại hết sức khó khăn. Hầu hết học sinh đến trường đều phải đi thuyền máy và thuê nhà trọ để ở. Vừa đặt chân lên bờ, anh Lữ Văn Tuấn thở phào chia sẻ: “Tôi ở bản Cha Nga, cách đây hơn 30 cây số. Bình thường, tôi để các con tự bơi thuyền đến lớp nhưng đang mùa mưa lũ, thuyền phải vượt qua những con thác rất hung dữ và nguy hiểm nên tôi phải trực tiếp đưa chúng đi”.

Để chứng kiến những khó khăn, vất vả trên con đường đến trường của học sinh Mỹ Lý, chúng tôi quyết định thuê một chiếc xuống máy ngược dòng Nậm Nơn. Thuyền vượt qua những xoáy nước ùn ùn, đè lên những con sóng đang sôi réo để tiến lên phía trước. Có những đoạn nước xiết đẩy mũi thuyền quay ngang, có đoạn mũi thuyền chồm lên để vượt qua đỉnh sóng. Ngược dòng được chừng 10 km, đi qua bản Yên Hòa và Xằng Trên, đến một con thác dài, nước réo ầm ầm, vô số những con sóng trắng xóa, người lái thuyền khuyên, tốt nhất là lên bờ men theo mép núi để vượt qua. Nếu tiếp tục ngược dòng, sẽ phải vượt qua nhiều con thác hung dữ hơn nữa. Lúc này, mây kéo về đen kịt báo hiệu sắp có mưa lớn, chúng tôi đành phải quay thuyền trở về bản Xiềng Tắm.

Ông Kha Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết, do địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối và rừng núi, đường bộ lại chưa được đầu tư xây dựng, hiện tại xã có hơn 50% học sinh THCS phải đi học bằng thuyền máy. Năm 2011, UBND tỉnh và Sở Giao thông - Vận tải đã phê duyệt dự án xây dựng công trình cầu treo qua sông Nậm Nơn tại bản Yên Hòa để giải quyết nhu cầu đi lại cho bà con một số bản, nhưng đến nay công trình vẫn chưa được thi công. Để đảm bảo an toàn cho những chuyến đò ngang qua bản Yên Hòa, mới đây UBND huyện Kỳ Sơn đồng ý đầu tư xây dựng hệ thống dây cáp và ròng rọc. Thực ra, đây chỉ là giải pháp tạm thời và chỉ đảm bảo an toàn trong điều kiện thời tiết và dòng chảy bình thường. Thời điểm mùa mưa, lũ thượng nguồn xuất hiện đột ngột, với cường độ mạnh thì việc dùng dây cáp, ròng rọc để giữ và đưa thuyền qua sẽ hết sức mạo hiểm.

Chênh vênh phòng trọ học

Thầy Nguyễn Trọng Kiều - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Lý cho biết: Năm học này trường có 12 lớp với tổng số 257/388 học sinh thuộc diện ở bán trú. Trong đó, 162 em ở các bản Cha Nga, Nhọt Lợt, Piêng Pèn và Xốp Dương phải ở lại thường xuyên. Còn học sinh các bản Yên Hòa, Xằng Trên có thể sáng đi, chiều về. Hiện tại, trường không những gặp khó khăn về quỹ đất và không có kinh phí để xây dựng nhà bán trú cho học sinh mà trường lớp, nhà công vụ cũng đã xuống cấp nặng. Các phòng học và nhà công vụ đều được lợp mái tôn, thưng gỗ theo Chương trình 135, xây dựng từ khoảng 15 năm trước.

Theo thời gian, nhiều hạng mục đã bị hư hỏng, xuống cấp, thậm chí chân cột đã bị mục, cửa sổ bị gãy đổ, nền nhà bị bong tróc. Đặc biệt, có 2 phòng học nằm sát ta-luy dương, hầu hết cửa sổ và các tấm ván thưng đều đã mục nát, dưới nền bùn đất nhão nhoét. Theo giải thích của thầy Kiều, phía dưới 2 phòng học này có mạch nước ngầm thường xuyên ùn lên làm cho phòng học và các trang thiết bị nhanh xuống cấp và hư hỏng. Tuy vậy, trước mắt nhà trường vẫn phải sử dụng 2 phòng học này.



Phòng học Trường THCS Bán trú Mỹ Lý đã xuống cấp.

Tại nhà ông Vi Văn Quyển (bản Xiềng Tắm) - nơi có gần 10 căn phòng cho học sinh thuê trọ. Dãy phòng trọ được lợp bằng tôn và thưng gỗ, mỗi căn phòng rộng chừng 6m2, đủ để đặt tấm phản làm nơi tá túc của 3-5 em học sinh. Cất sách vở, các em ra khu bếp chuẩn bị bữa ăn. Hầu hết thức ăn đã được bố mẹ chuẩn bị sẵn từ đầu tuần, trong đó món măng rừng là phổ biến nhất. Tiếp tục tìm đến dãy nhà trọ gần 20 phòng nằm chênh vênh bên bờ sông. Ở khu bếp, các em đang nhóm lửa, tiếng cười nói rộn ràng. Vi Thị Thu vừa nấu cơm vừa tước măng cho biết: “Nhà em ở bản Cha Nga, thường 2 tuần mới về nhà một lần. Có khi mưa gió không về được, hết gạo và thức ăn phải mượn tiền thầy cô mua gạo, lên rừng hái măng về ăn. Năm nay em lên lớp 7, đã ở trọ được 1 năm nên quen rồi, không thấy vất vả nữa”.



Các em học sinh chuẩn bị bữa cơm trưa.

Căn phòng trọ của em Lô Thị Hương (lớp 9A) khá nhỏ bé, thiếu ánh sáng nhưng sách vở, đồ đạc được xếp đặt rất ngăn nắp. Lúc các bạn đang hí húi chuẩn bị bữa cơm sau gian bếp thì Hương vẫn cặm cụi với sách vở. Hỏi chuyện, Hương chia sẻ: “Nhà em ở bản Piêng Pèn, cách đây khoảng 20 cây số, phải đi bằng thuyền nên thường 2 tuần em mới về 1 lần. Nếu gặp thuyền chở khách chỉ mất 20.000 đồng/chuyến, nếu không phải rủ các bạn cùng bản thuê riêng 1 chuyến mất khoảng 100.000 đồng/người”. Hương ở trọ cùng 1 người chị họ và 1 người em ruột năm nay lên lớp 7, số tiền thuê phòng là 2 triệu đồng/năm học.

Cũng như các bạn khác ở xa, hàng tuần chị em Hương mang theo gạo, thức ăn (măng rừng, bầu, bí) dùng cho cả tuần. Nếu cuối tuần không về được, bố mẹ sẽ gửi xuống. Qua thầy Nguyễn Trọng Kiều được biết, tuy cuộc sống ở trọ thiếu thốn và vất vả đủ bề nhưng Lô Thị Hương vẫn rất chăm chỉ và có ý thức học hành. Hỏi về ước mơ, Hương trả lời khá tự tin: “Em sẽ phấn đấu trở thành cô giáo, vì bản em còn nghèo lắm, có nhiều người chưa biết chữ. Sau này em sẽ đem cái chữ trở về để góp phần nhỏ giúp bản làng, quê hương thoát khỏi đói nghèo”.

Bữa cơm trưa bắt đầu. Trên mâm chỉ có nồi cơm trắng đặt bên bát canh măng. Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Trọng Kiều chia sẻ: “Để các em ở trọ ngoài như thế này, chúng tôi thật sự không yên tâm, việc quản lý gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhưng trước mắt chưa có cách nào hơn. Mong các cấp chính quyền và ban, ngành liên quan tạo điều kiên giúp đỡ học sinh Mỹ Lý có được nơi ăn, chốn ở tập trung để việc học hành của các em được thuận lợi hơn!”.


Công Kiên