"Ôm rơm rặm bụng" và "Cái nhìn toàn diện"

30/12/2013 10:28

(Baonghean) - Bài viết “Xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Anh Sơn: Lợi hay hại?” của tác giả Hưng Châu đăng trên trang 1, Nhật báo ngày 18/12 được bình chọn tác phẩm hay của tuần 3 tháng 12/2013. Chuyên mục xin đăng một số bình phẩm về bài viết này.

1. “Ôm rơm rặm bụng”

Một bài báo hay, ngoài việc có những chi tiết “đắt”, điều tra cụ thể và công phu, phản ánh trung thực thì bài báo còn phải có tính dự báo và tác giả Hưng Châu đã làm được điều đó bằng cách chỉ ra được “Lợi hay hại?” khi xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Anh Sơn. Không chỉ trên báo Nghệ An mà trên nhiều ấn phẩm báo chí, việc có các bài báo mang tính dự báo như vậy không phải là nhiều, nếu không nói là rất hiếm. Có thể thấy, tác giả đã có sự phân tích chặt chẽ, đặc biệt là nắm khá rõ tình hình khi thực hiện bài viết này. Điều đó thể hiện từ việc cập nhật số liệu, đến sự phân tích kỹ và sâu sắc để trả lời cho câu hỏi trong thời điểm hiện nay cây trồng nào là cây trồng chủ đạo và cây nào đang là thế mạnh ở huyện Anh Sơn? Cây chè, đó là điều hiển nhiên vì từ lâu nhắc đến Anh Sơn là người ta đã biết đến những thương hiệu từ dân gian như chè Gay nổi tiếng, hay sau này có nhãn hiệu chè Hùng Sơn.

Cây mía cũng là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao và không có lẽ gì Anh Sơn không tiếp tục phát huy thế mạnh này khi có điều kiện thiên nhiên ưu đãi và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp. Đó là chưa nói, cây mía còn có khả năng thích ứng được với những vùng đất xấu, cằn cỗi. Ngoài ra, từ cái nhìn thực tế Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… cho thấy, nếu chăm sóc tốt, nếu giá mía ổn định thì cây mía sẽ là cây phát triển vững bền và là cây làm giàu cho người dân nông thôn. Điều này, càng có cơ sở khi thời điểm hiện nay, Công ty Mía đường Sông Lam đang từng bước khôi phục và thực sự “khát” nguyên liệu. Còn cây cao su, chẳng phải vô cớ khi mà Công ty Cao su Nghệ An triển khai dự án trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh, thì Anh Sơn là một trong những huyện đầu tiên được chọn triển khai.

Phân tích ba “ưu thế”, ba “tiềm năng” vẫn được coi là thế mạnh “chân kiềng” đó cũng để thấy được điều mà Anh Sơn “thiếu” bây giờ là thiếu đất, thiếu cơ chế, thiếu phương pháp, thiếu định hướng cụ thể chứ không phải là “bí” cây trồng. Lẽ nào, khi một huyện đang có nhiều cơ hội (đối với nhiều huyện khác trong tỉnh có nằm mơ cũng khó thấy) để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp như vậy, vẫn còn chưa khai thác hết, thì lại thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán vốn đã là thế mạnh lâu nay của huyện. Trong khi đó, cây sắn vừa không có tính ổn định, vừa tàn phá đất, lại vừa tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường… Đọc bài viết này, tôi lại nhớ lần nói chuyện với những cán bộ của xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, họ đã phàn nàn rằng: Đất Thạch Ngàn hiện nay bị người dân Anh Sơn sang thuê để trồng chè hết rồi và người Con Cuông đang làm thuê cho người Anh Sơn ngay trên đất của mình… Đang có cơ hội tốt như vậy, lẽ nào chính quyền huyện Anh Sơn không biết để phát huy mà lại còn “mang rơm” để “nặng bụng” nữa làm gì?.

2.Góp một cái nhìn toàn diện, một độc giả đánh giá cao bài viết này ở góc độ tính thời sự, cách tiếp cận vấn đề toàn diện và cách phân tích thấu đáo của tác giả Hưng Châu trong bài viết: “Xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Anh Sơn: Lợi hay hại?”.

Bài viết đã đề cập đến một vấn đề không chỉ cử tri mà cả các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng đang hết sức quan tâm. Vì vậy, sự xuất hiện đúng lúc của bài báo góp một cách nhìn toàn diện được – mất nếu thực hiện dự án xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Anh Sơn.

Phải khẳng định rằng, tác giả có một cái nhìn rất đầy đủ, toàn diện về quy hoạch, phát triển và những giá trị các đối tượng cây trồng đối với vấn đề phát triển kinh tế cho người dân và cho tỉnh. Vì thế, trước khi đưa ra quan điểm nên hay không nên xây dựng nhà máy thì tác giả đã phân tích rõ những tiềm năng, điều kiện và thực tế phát triển cây công nghiệp tại huyện Anh Sơn. Đối với 3 cây trồng chủ lực là mía, cao su và chè, Anh Sơn đang tập trung phát triển và bước đầu phát huy được hiệu quả kinh tế. Cho thấy đây là hướng đi đúng, bền vững để huyện có những chính sách và hoạch định cụ thể nhằm nâng cao đời sống cho người dân cũng như phát triển kinh tế của địa phương.

Đối với cây sắn, tác giả đã phân tích thấu đáo những ưu điểm và hạn chế trong thực tiễn, cũng như liên quan đến vấn đề quy hoạch chung của vùng và cả tỉnh. Với những viện dẫn, căn cứ, phân tích, chứng minh hết sức thuyết phục, tác giả đã cho người đọc một cái nhìn hết sức toàn diện và có thể xác định được “lợi hay hại?” khi xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Anh Sơn.

Người Xây Dựng