Tùa trời bỏ bị
(Baonghean) - Bài viết "Sớm bàn giao đất cho dự án trồng cao su" của tác giả Quảng An đăng trên trang 4 nhật báo ngày 19/12 đã đưa ra một đề tài hay, nhiều người quan tâm trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, bài viết chưa giải quyết thấu đáo vấn đề đã đưa ra, đồng thời chưa đáp ứng cụ thể, đầy đủ thông tin mà độc giả cũng như những người trong cuộc mong đợi.
Dự án phát triển cây cao su tại Nghệ An được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đặt ra mục tiêu thực hiện. Được cụ thể hóa bằng Quyết định số 4183/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 19/9/2013 về việc phê duyệt Đề án Phát triển cao su tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 – 2015, phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 22.663 ha cao su. Đề án này chủ yếu đề cập đến việc tập trung đầu tư diện tích mới 14.220 ha bố trí ở 8 huyện thuộc tuyến đường QL48. Trong đó, riêng huyện Anh Sơn có tổng diện tích quy hoạch 2.600ha (hiện đã có 450ha), như vậy, cần trồng mới 2.150ha.
Trong bài viết, tác giả đề cập vấn đề cần sớm giải quyết những vướng mắc để bàn giao đất cho dự án trồng cao su tại huyện Anh Sơn. Điều quan trọng là từ cách đặt vấn đề của tác giả, người đọc mong muốn được biết, được giải đáp những thắc mắc xung quanh mấy nội dung chính: Nguyên nhân nào khiến người dân chưa đồng ý bàn giao đất; Trách nhiệm để xẩy ra những vướng mắc "dằng dai", chậm trễ này thuộc về ai. Kết cuộc, như chúng ta trông chờ là một giải pháp “có hậu” để "vẹn cả đôi đường" cho cây cao su bám rễ, vươn mầm?
Tuy nhiên, xin ngỏ lời rằng qua bài viết, người đọc có thể thấy tác giả đã chịu khó tìm hiểu, nắm bắt vấn đề từ huyện cho đến từng hộ dân. Nhiều số liệu, dẫn chứng được đưa ra. Thế nhưng dường như những tìm hiểu, tiếp cận này vẫn chưa được thấu đáo nên gây cảm giác hụt hẫng phía độc giả, kiểu "đem con bỏ chợ". Hoặc nói như bà con xứ Nghệ, thì "Không cho mần thầy thì khóc, cho mần rồi thì đọc nỏ ra". Cái "đọc nỏ ra" ở đây là chuyện sát sườn đến cuộc sống không chỉ một thế hệ người dân, cũng không nằm trong một nội hàm hẹp, mà là Mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh, là Đề án phát triển nhiều năm của UBND tỉnh lại bị xử lý non tay nên bà con ta thấy "Luẩn quẩn như ga đạp chạc tóc".
Theo bài viết, ở xã Phúc Sơn, Long Sơn... đã có hàng chục gia đình được nhận tiền đền bù của dự án và lao động được vào làm tại Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn, Nông trường Cao su 12/9 với mức lương tương đối cao. Cuộc sống của họ đã ổn định, khởi sắc. Cây cao su đã được trên 3 năm tuổi, cao trên 4 mét...Nói chung, bức tranh được vẽ ra rất hoàn hảo về hướng đi đúng đắn khi người dân thuận lòng làm đúng chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn 14 hộ dân chưa hoàn thành hồ sơ bồi thường? Trong khi đó, cho tới nay huyện Anh Sơn, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án đã bàn giao cho chủ đầu tư 1.936 ha/tổng số phải bàn giao 3.704 ha với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 14,1 tỷ đồng. Lý giải cho vấn đề này, tác giả đã trích dẫn một số ý kiến như: người dân chấp hành về mặt chủ trương, nhưng tiền hỗ trợ thuê đất 3,2 triệu đồng/ha (320 đồng/m2), đối với rừng trồng 50 triệu đồng/ha là chưa phù hợp. Ngoài ra, nếu giao đất thì dân không biết lấy gì để sống hoặc người dân không chịu trả đất, đề nghị tự chuyển đổi, tự trồng cao su. Kết cục của việc này là trong 2 ngày 18 và 19/11, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ huyện đã mời các hộ chưa thống nhất lên tổ chức kiểm đếm tại thực địa nhưng chỉ có duy nhất 1 hộ tham dự, 13 hộ còn lại không đến vì các lý do khác nhau.
Vấn đề được đưa ra là vậy, nhưng cách lý giải vẫn còn thiếu thuyết phục. Có thể xem lại một chút nguyên nhân dưới nhiều khía cạnh. Mới đây nhất, ngày 4 tháng 12, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2355/ QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển Kinh tế-Xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020. Trong danh mục các dự án ưu tiên của QĐ, Dự án trồng và chế biến cao su tại Anh Sơn được xếp thứ 2, chỉ sau Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tại Nghĩa Đàn. Nghĩa là sự ưu ái dành cho cây cao su ở Anh Sơn đã được phê chuẩn bằng quyết định của cấp Thủ tướng.
Vậy nguyên nhân do đâu? Phải chăng là do kết quả trồng cao su đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Mà nguồn cơn chính là do công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả; chính sách hỗ trợ trồng cao su còn nhiều bất cập; quy hoạch trồng cao su chậm được triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Công ty Cổ phần đầu tư phát triển cao su Nghệ An là doanh nghiệp tích cực trong thực hiện dự án trồng, phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, hiện công ty đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng trồng cao su tại huyện Anh Sơn, Thanh Chương; trong khi một số chính sách của tỉnh ban hành, chậm được sửa đổi nên không phù hợp với thực tế phát triển cây cao su mà công ty đang triển khai.
Chuyện là vậy, nhưng trách nhiệm cho vấn đề trên thuộc về ai? Trong bài viết, tác giả chỉ mới nói "Tuy nhiên, vì không nắm rõ chủ trương, cũng như vì một số lý do khác mà một số hộ dân chưa chịu hợp tác". Nhưng cũng chính tác giả lại khẳng định "Chủ trương chuyển đổi đất rừng cho dự án trồng cao su đã được đông đảo hộ dân đồng tình, nhanh chóng hoàn tất thủ tục bàn giao, nhận tiền đền bù". Có thể thấy, tác giả chưa chịu khó đào sâu, cuốc bẫm để phân tích câu chuyện. Ví như, vẫn còn một số vướng mắc trong GPMB, hoặc Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn cố tình không thanh lý đối với các hợp đồng liên doanh, liên kết, không bàn giao các trạm quản lý bảo vệ rừng nằm trong diện tích đất thu hồi. Tài sản là cây trồng đã được Hội đồng giải phóng mặt bằng kiểm đếm vẫn chưa được thẩm định phê duyệt. Các hội đồng giải phóng mặt bằng chưa có cơ sở lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ các công trình lâm nghiệp.
Thêm một vấn đề khác cần nói lại cho rõ, lần ngược trở lại ngày 13/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định số 55/QĐ-UBND.ĐC thu hồi 6.843,8h ha đất rừng sản xuất của Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn để giao cho UBND huyện quản lý. Trong số diện tích trên có 1.536,7 ha được giao cho nhân dân bản Cao Vều, xã Phúc Sơn để tổ chức sản xuất, diện tích đất còn lại được quy hoạch để trồng cao su. Trong phần diện tích đất thu hồi cho dự án trước đó có một số diện tích được Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn giao khoán cho các hộ dân theo Nghị định 01/CP và Nghị định 135/CP và liên doanh, liên kết với 8 doanh nghiệp khác. Căn cứ khoản 3, điều 20 của Nghị định 69/2009/NĐ-CP và khoản 4, điều 24 của Quyết định 04/2010/QĐ-UBND ngày 19/10/2010 của UBND tỉnh Nghệ An, thì các hộ nhận khoán nêu trên không thuộc diện được hưởng bồi thường về đất mà chỉ được nhận tiền hỗ trợ với mức bằng 40% giá đất bồi thường tính theo diện tích đất thu hồi. Các hộ nhận tiền với mức 320đ/m2 là tiền hỗ trợ về đất chứ không phải là bồi thường về đất. Như vậy là "Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên"
Một trong những nội dung quan trọng mà bài viết không giải quyết được, đó là giải pháp cho vấn đề này. Trong bài viết, vấn đề giải pháp được nhắc một cách rất “đãi bôi” theo kiểu "Đem con bỏ chợ" rằng: "UBND huyện Anh Sơn cần tiếp tục phối hợp với xã Phúc Sơn và Công ty cổ phần cao su tuyên truyền chủ trương của tỉnh về thực hiện dự án...về chế độ bồi thường...Về phía các hộ dân, các liên doanh liên kết cần hiểu đây là một chủ trương lớn của tỉnh...trong đó có quyền lợi của chính người dân". Thực ra, tác giả cần phân tích những giải pháp cho bài toán này một cách thấu đáo để người đọc và các bên có thể "Được lời như cởi tấm lòng".
Hiện nay, việc phát triển cây cao su tại Nghệ An vẫn tiếp tục được khẳng định là cây trồng nông lâm nghiệp lâu năm, có giá trị kinh tế và là một trong những cây trồng chủ đạo trong định hướng phát triển và chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Đây là quan điểm nhất quán được tỉnh Nghệ An thống nhất chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với mục tiêu đến năm 2015 đưa diện tích cây cao su của tỉnh đạt 22.663 ha. Bởi vậy, bài viết của tác giả Quảng An đã góp một tiếng nói để cùng tháo gỡ những vướng mắc hiện có, giúp cho cây cao su có chỗ đứng, giúp cho cuộc sống của người dân phát triển. Tuy nhiên, dù ý tưởng bài viết, vấn đề đặt ra ở “đầu bài” là hay, nhưng có cảm giác tác giả không “ôm nổi”, không đi đến cùng vấn đề, nên xin tặng tác giả một câu phương ngữ của bà con xứ Nghệ là "Nói tùa trời bốc vưa một nạm".
Người Xây Dựng