Bài 2: Cây pí đăng và những điệu khắp

28/11/2013 17:47

(Baonghean) - Chỉ với cái ống nứa nhỏ được dùi 4 lỗ bấm, một lưỡi gà để tạo âm thanh; đơn giản vậy mà nó đã ngân lên với những giai điệu thật tha thiết. Người Thái gọi là pí mũi (pí đăng) bởi trước đây nhạc cụ này dùng hơi từ mũi để thổi. Ngày này, các nghệ nhân vùng cao chỉ dùng hơi từ miệng để thổi pí...

(Baonghean) - Chỉ với cái ống nứa nhỏ được dùi 4 lỗ bấm, một lưỡi gà để tạo âm thanh; đơn giản vậy mà nó đã ngân lên với những giai điệu thật tha thiết. Người Thái gọi là pí mũi (pí đăng) bởi trước đây nhạc cụ này dùng hơi từ mũi để thổi. Ngày này, các nghệ nhân vùng cao chỉ dùng hơi từ miệng để thổi pí...

Cây pí đăng phổ biến nhất trong cộng đồng người Thái, nhóm Tày Thanh. Họ là chủ nhân của những làn điệu khắp nuột nà. Nhìn bề ngoài, nhạc cụ này rất đỗi thô mộc bởi nó đơn gian chỉ là một đoạn thân nứa. Và âm thanh cũng khá khiêm tốn, chỉ đủ để nghe trong phạm vi gian nhà sàn nhỏ vào những đêm thanh vắng.

Ông Lương Yên, trú bản Liên Đình (Chi Khê - Con Cuông), một CCB chống Mỹ từ thuở thiếu thời đã rất yêu tiếng pí đăng. Cây pí đăng theo ông lớn lên trong bản, rồi theo ông đi B năm 1967. Trở về bản làm cán bộ trong chính quyền cấp xã, cho đến khi về già ở rãy nuôi gà, thả cá, cây pí vẫn luôn kè kè bên.

Ông nói: "Cây pí đã là một phần cuộc sống của mình rồi." Ông say sưa kể về thời trai trẻ. Khi còn chưa biết cầm súng đi đánh giặc, ông vẫn cùng lũ trai bản vác pí, vác khèn đi khắp bản gần, bản xa ngồi thổi. Vào những đêm có trăng, rừng núi vắng lặng, gái bản thường khó ngủ bởi đêm rằm ánh trăng vằng vặc thường gợi một nỗi niềm khó tả, khiến trái tim con gái mới lớn thổn thức. Anh trai bản biết được điều này, không cần phải gõ cửa. Cứ ngồi tựa đầu cầu thang, thổi pí. Tiếng pí lúc ngâm lên cao vút, lúc thủ thỉ tâm tình róc rách như tiếng con suối chảy đã lấy đi nước mắt của cô gái qua nhiều đêm. Cho đến một ngày, không kìm nổi nỗi lòng, cô gái rón rén trốn cha mẹ dỡ cái liếp nứa đi ra. Chàng trai cả mừng, dắt tay người tình ra ngoài nhà tình tự dưới ánh trăng...

l Thổi pí đăng, hát khắp tại buổi sinh hoạt CLB Dân ca Thái ở bản Cằng (Môn Sơn - Con Cuông).
Thổi pí đăng, hát khắp tại buổi sinh hoạt CLB Dân ca Thái ở bản Cằng (Môn Sơn - Con Cuông).

"Thế hệ của mình, không chỉ có mình đâu nhé. Nhiều người đã lấy được vợ và sống với nhau đến bạc cả mái đầu, là nhờ cái pí đăng này đấy". Ông hào hứng kể với tôi vào một đêm có trăng, hai ông con ngồi đối ẩm trong căn chòi giữa rừng. Chuyện đã khá lâu, tôi chưa dám quên. Hôm ấy, trong căn chòi giữa rừng, ông Yên được sống lại cái không gian thời trai trẻ của mình. Dù tuổi đã cao tiếng pí thì chưa chịu già. Ông bảo: "Thổi cho thằng cháu nghe, để mày đừng quên đi tiếng pí đăng!".

TIN LIÊN QUAN

Ở nhiều làng bản vùng cao, thế hệ trung niên và cao niên, nhiều người vẫn biết sử dụng cũng như cách chế tác thứ nhạc cụ này. Cây nứa làm pí phải chọn vào mùa không bị mối mọt thường là vào cuối mùa Thu và mùa Đông. Khi ra Giêng, chồi rừng bắt đầu mọc thì không chọn nứa làm pí nữa. Đây cũng là kinh nghiệm chọn nứa, gỗ làm nhà cửa và những vật dụng gia đình. Cây nứa làm pí chỉ là những ống nhỏ đem về cắt đi một đốt còn đốt kế tiếp để nguyên rồi đem phơi trên giàn bếp. Khi cần làm pí thì đem xuống cắt đo và dùi. Theo kinh nghiệm của những nghệ nhân ở những CLB Dân ca Thái ở Con Cuông thì cách đo pí đăng dựa vào chu vi của thân nứa. Theo đó, khoảng cách từ đầu ống đến lưỡi gà cả pí bằng 2,5 lần chu vi cây nứa. Khoảng cách từ lưỡi gà đến lỗ bấm đầu tiên bằng 5 hoặc 6 lần, giữa các lỗ bấm là 1 lần và từ lỗ bấm cuối cùng (lỗ bấm thứ 4) đến đầu kia của ống nứa là 2,5 lần chu vi thân nứa. Trên đốt nứa, gần với miệng thổi, được dui mọt lỗ có bịt lá chuối hoặc lá dứa để làm lưỡi gà.

Cách thổi pí đăng, tưởng như thật đơn giản, chỉ cần ngậm đầu ống phải có gắn lưỡi gà rồi thổi, tay điều chỉnh giai điệu bằng các lỗ bấm. Tuy vậy, cách điều chỉnh hơi và điều khiển các lỗ bấm để tiếng nhạc lên bổng xuống trầm, không phải ai cũng làm đươc. Còn việc tập luyện các làn điệu cũng đòi hỏi ở người chơi pí một niềm đam mê nhất định...

Hiện nay, đang là “thoái trào” của những điệu khắp, cũng như cây pí đăng. Nó chỉ còn vang lên trong những cuộc sinh hoạt CLB Dân ca Thái, họa hoằn lắm là những ngày Tết. Chỉ e rằng, không bao lâu nữa những bậc cao niên trong bản về với mường trời, họ cũng sẽ mang theo cả tiếng pí, tiếng khèn và những làn điệu dân ca. Con cháu ngày nay không còn mấy ai biết yêu tiếng pí, tiếng khèn nữa. Buồn sao!

Hữu Vi