Chùa Ân Hậu đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh

17/11/2013 17:06

(Baonghean.vn) - Sáng 17/11, UBND xã Nghi Đức, TP Vinh long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Ân Hậu. Dự lễ có đại diện Sở VH-TT&DL; các sở, ban, ngành, đoàn thể và thành phố; Hội Phật giáo tỉnh cùng đông đảo phật tử, người dân trong vùng.

Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL trao Bằng công nhận Di tích lịch sử chùa Ân Hậu cho xã Nghi Đức, TP Vinh.
Đại diện Sở VH-TT&DL trao Bằng công nhận Di tích lịch sử chùa Ân Hậu cho xã Nghi Đức, TP Vinh.

Theo dân gian truyền lại, chùa Ân Hậu đã có bề dày lịch sử 700 năm, khởi nguồn ban đầu từ một nhũ mẫu của Hoàng đế Trần Duệ Tông. Sau khi rời kinh thành bà đã về quê cùng nhân dân địa phương xây dựng chùa Ân vào thế kỷ thứ XIII tại Làng Ơn, xã Ân Hậu, huyện Chân Phúc (nay thuộc xã Nghi Đức, TP Vinh). Đây cũng là nơi hai cận thần của Vua Trùng Quang Đế (đời Trần) là quan văn Trương Quốc Điển, quan võ Trần Văn Định lánh nạn vào chùa xuống tóc đi tiếp duyên nghiệp tu hành. Trong thời gian tu hành, hai nhà sư đã tận tâm cống hiến công sức, giúp dân nhiều việc, nhất là chữa bệnh cứu người. Hai nhà sư viên tịch, di thể được an táng tại chùa Ân.

Trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Ân Hậu là nơi hội họp của Chi bộ cộng sản Ân Hậu, cũng là nơi che chở cho các đảng viên cộng sản lui tới liên lạc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng về tại chùa Ân, họp mặt cốt cán chỉ đạo cao trào cách mạng 1930 - 1931.

Thượng tọa Thích Minh Trí, trụ trì chùa Ân Hậu trao quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nghi Đức
Thượng tọa Thích Minh Trí, trụ trì chùa Ân Hậu trao quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nghi Đức

Với giá trị văn hóa, lịch sử, đáp ứng lòng mong mỏi của các tăng ni, phật tử, ngày 27/10/2009, UBND tỉnh đã có quyết định phục hồi chùa Ân và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm Đại đức Thích Minh Trí về trụ trì chùa.

Ngày 19/7/2013, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận chùa Ân Hậu là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đây là niềm vinh dự lớn đối với địa phương, góp phần phát huy bản sắc văn hóa của quê hương, là nơi để hướng về nguồn cội, tri ân công đức các bậc tiền nhân; là địa chỉ du lịch tâm linh thu hút khách thập phương về vãn cảnh, lễ Phật.

Tin, ảnh: Phạm Ngân