Bài 8: Họ Lang và chuyện "lệ làng"

21/07/2013 18:06

Họ Lang xuất hiện trong cộng đồng người Thái Nghệ An từ khi nào, chưa ai biết chắc chắn. Người ta chỉ biết dòng họ này cư trú phổ biến ở Quỳ Châu, Quế Phong, một số huyện vùng cao khác và từng có nhiều người là chức sắc địa phương trong xã hội phong kiến. Sau này, họ Lang cũng như họ Lo Kăm (họ Sầm) vì một lí do nào đó được chia thành nhiều nhánh, gồm các họ Hủn Vi, Hủn Quang... -->> Bài 7: Sau truyền thuyết về dòng họ Ngân

> Bài 7: Sau truyền thuyết về dòng họ Ngân

Cùng với họ Sầm (Ló Cắm) xuất hiện đầu tiên ở miền Tây Nghệ An, chủ yếu ở các huyện miền núi Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong và một số huyện vùng cao khác. Theo câu truyền miệng của người xưa “Hủn Vi, Ló Cắm, Hủn Quang mèn néo táy Do” (Hủn Vi, Hủn Quang, Ló Cắm là họ của người Thái). Thời kỳ phong kiến, họ Lang là chủ đất, về sau gọi là địa chủ. Chủ đất (chậu đin) không đồng nghĩa với bóc lột, cướp bóc. Họ thừa kế đất đai do tổ tiên khai phá, qua nhiều thế hệ mà thành chủ đất.

Chúng tôi tìm đến các cụ hiểu biết tương đối có hệ thống và đầy đủ về họ Lang, được ông Lang Văn Ngọ ở xã Cắm Muộn, Lang Văn Đầu (Hủn Quang Đầu) ở xã Quang Phong, huyện Quế Phong và ông Lang Sơn Hán (Châu Hạnh, Quỳ Châu) là giáo viên dạy chữ Thái cổ và còn lưu giữ nhiều văn từ, sử sách Thái cổ, gia phả và biết phong thuỷ Thái về coi ngày, chọn giờ, dựng nhà, gả chồng… Các cụ cho biết: Từ xa xưa, mỗi vùng có một chủ đất cai quản. Đất đó do tổ tiên của họ đến khai phá đầu tiên và canh tác, cư trú, họ khoanh vùng quản lý đất đai. Ở Quỳ Châu, vùng đất và ruộng nước Tồng Ké (Châu Hạnh) do Quan Ké cai quản nên mang tên vị chủ đất này.

Ở Quế Phong, họ Lang chủ yếu cư trú ở Tiền Phong, Cắm Muôn và Quang Phong (Cắm Muộn cũ) Mường Nọc, Thông Thụ và Đồng Văn. Họ Lang cư trú và cai quản đất đai ở các vùng này. Về kinh tế họ Lang (Hủn Vi và Hủn Quang) với họ Sầm khấm khá hơn các tộc họ khác, do đó trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ nhiều gia đình họ Lang sớm giác ngộ cách mạng và trực tiếp tham gia cách mạng, nuôi giấu cán bộ và quân đội trong nhà mình, giúp đỡ cán bộ hoạt động cách mạng.

Trong dòng họ này, có một số người tiêu biểu: ông Lang Văn Hoa (Phỏ Cà) là Chủ tịch MTTQ huyện Quỳ Châu; anh Văn Ỏn, nguyên cán bộ Ban miền Tây Nghệ An; Lang Văn Chuyển, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An; ông Lang Văn Chanh (giáo Chanh); Lang Văn O (giáo O) thầy giáo dạy Pháp ngữ và quốc ngữ; ông Lang Viết Đình (Hủn Vi Đình), Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Họ Lang ở Quang Phong (Quế Phong) còn có ông Hủn Quang Kình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; ông Lang Văn Quốc, Bí Thư kiêm Chủ tịch xã Cắm Muộn (cũ), người có công cùng đồng chí mình xây dựng chi bộ xã Cắm Muộn đầu tiên.

Ngày xưa họ Lang tự ban hành luật tục (nay gọi là hương ước). Ngày trước, trong xã hội được gọi nôm na là lệ làng để quản lý xã hội. Vùng đất nào thuộc ai quản lý đều do chủ đất đó ban hành luật tục, và mọi người đều phải chấp nhận và tuân thủ. Khi săn được thú rừng, đều phải đưa đùi trước đến cống nạp cho chủ đất ở đó. Con gái lấy chồng, họ nhà trai phải có mâm cơm về cho bố mẹ nhà gái. Thủ tục cưới xưa hỏi vợ phải qua 12 lần cau, mỗi tháng phải đi hỏi một lần, lễ vật ăn hỏi phải chẵn, không mang lẻ. Lễ lần cuối cùng 12 liền trầu, 12 xâu cau (mỗi xâu 12 miếng), cơm lam, thịt chua, cá chua, họ mọc, bánh chưng… tiền cưới (bạc nén, vàng, bạc hào) đến làm rễ đón dâu về.



Lễ cưới làm vía cho cô dâu.

Từ lễ hỏi thứ 4 được gia đình nhà gái giới thiệu ông mối cho nhà trai và được ông mối bắc cầu, mọi giao dịch được ông mối lo, thưa chuyện thay cho hai họ.



Cỏ Cào cho người qua đời.

Đàn ông họ Lang khi qua đời, phải có cây hoa (cỏ cào) được dựng bằng cây gỗ hoặc tre, đục thành 9 thang và dùng vải, tơ, lụa nhuộm đủ các mầu khác nhau kết thành cây hoa. Người ta sẽ mang theo cây hoa ra nghĩa địa để biểu thị sự giàu có của dòng họ và tưởng nhớ công ơn, hiếu thảo, tỏ lòng thành kính với người quá cố!


Mạnh Hùng (MTTQ huyện Quế Phong)