Hướng đi nào để Nam Phúc phát triển kinh tế ?

21/10/2013 16:42

(Baonghean) - Nam Phúc là xã khó khăn nhất của vùng 5 Nam, cũng là một trong những xã nghèo nhất của huyện Nam Đàn. Trong những năm qua, chính quyền và người dân nơi đây đang trăn trở tìm hướng đi, tìm mô hình kinh tế phù hợp để giúp người dân thoát nghèo nhưng vẫn chưa có kết quả.

Chúng tôi về xã Nam Phúc vào một ngày mưa tầm tã, dấu vết của trận lũ sau bão số 10 vẫn còn hằn trên từng bức tường rào, đường làng, ngõ xóm. Dọc đường đi, chỉ thấy những cánh đồng bạc phếch, nham nhở những vết bùn đất. Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Nằm ở vị trí địa lý đặc biệt, muốn đến Nam Phúc chỉ qua sông Lam bằng cầu Yên Xuân, đường này dành cho xe máy, xe thô sơ, bởi ô tô không thể qua lại, vì đây là cầu tàu đường sắt đã xuống cấp trầm trọng. Và một con đường nữa là phải lên Thị trấn Nam Đàn, theo Quốc lộ 15A đi xuống, giáp huyện Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh. Không chỉ cách trở về địa lý, Nam Phúc còn là rốn lũ, túi mưa của tỉnh Nghệ An vừa phải chịu cảnh lũ từ sông La và sông Lam. Nếu vùng Hương Sơn, Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh mưa lớn, xã Nam Phúc sẽ bị ngập, vùng thượng nguồn sông Lam có mưa, xã này cũng chìm trong biển nước. Mỗi năm, xã chịu 4 đến 5 trận lụt, nước thường lên rất nhanh, xuống lại chậm khiến người dân trong vùng xoay trở không kịp.

Cách đây hơn 10 năm, xã Nam Phúc nổi tiếng với nghề làm nón lá và lưới vó. Ngày đó, nguồn nguyên liệu tre, mét, tranh dồi dào từ các huyện Thanh Chương, Đô Lương và Đức Thọ, Hương Sơn (Hà Tĩnh) theo đò dọc đổ về Nam Phúc, giá rẻ nên người làm nón có việc làm và thu nhập ổn định. Nón Nam Phúc khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí một số công ty đã về đặt vấn đề để đưa những chiếc nón lá Nam Phúc đi xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nghề làm nón bắt đầu mai một dần bởi nguồn nguyên liệu như cọ, tranh, tre, nứa khan hiếm, người làm nghề muốn mua nguyên liệu phải đặt hàng với giá cao trong khi thị trường nón lá bắt đầu bị thu hẹp bởi sự cạnh tranh khốc liệt của các làng nghề nổi tiếng ở Quảng Bình, Huế, Hà Nội.

Bà Hồ Thị Chi chia sẻ: Để làm 1 chiếc nón phải mất hơn nửa ngày công, bán chỉ được khoảng 20 - 30 ngàn đồng, sau khi trừ chi phí đầu vào, mỗi chiếc chỉ lãi được 10 - 15 ngàn đồng. Tính ra, một thợ làm nón chỉ thu nhập vài chục ngàn đồng/ngày nên ai cũng bỏ nghề. Hiện nay, ở Nam Phúc không còn người dân nào làm nón. Cùng chung cảnh ngộ với nghề làm nón là nghề đan lưới vó. Trước đây, người dân Nam Phúc rất giỏi nghề đan vó, bán cho ngư dân Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhưng vì không chủ động được nguồn nguyên liệu, giá sản phẩm rẻ mạt, sản phẩm làm ra không có người mua nên người dân đều bỏ nghề. Hiện nay, cả xã chỉ còn duy nhất một cụ ông bị tàn tật là còn giữ nghề đan lưới vó.

Trụ sở làm việc kiêm nhà tránh lũ ở Nam Phúc - Nam Đàn.
Trụ sở làm việc kiêm nhà tránh lũ ở Nam Phúc - Nam Đàn.

Sau khi bỏ nghề đan nón và vó lưới, người dân Nam Phúc đã trăn trở tìm hướng đi trên chính đồng ruộng quê hương, nhưng kết quả không như mong muốn. Một số hộ mạnh dạn áp dụng mô hình cá – lúa, nhưng cứ sắp đến thời kỳ thu hoạch cá, nước lũ lại về, mất trắng; một số xóm người dân tìm cách đẩy mạnh chăn nuôi lợn hàng hóa nhưng vì đường sá cách trở, người dân không có vốn để nhập thức ăn gia súc, các tiểu thương cũng không mang thức ăn gia súc về tận xóm để bán cho dân như ở các vùng khác vì sợ lụt. Hiện nay, người dân toàn xã chỉ nuôi được 27 con lợn thịt, một con số quá khiêm tốn ở một xã thuần nông. Nếu như người dân một số địa phương đang dần chuyển đổi nhận thức, coi trọng sản xuất vụ đông, thường xuyên xen canh, gối vụ hợp lý, thì người dân xã Nam Phúc lại không mặn mà với vụ đông. “Vụ đông cũng là mùa lũ về, ngô chưa kịp lên mầm đã bị ngập, rau, hoa màu chỉ sau một trận mưa lớn là trôi nên bà con không dám sản xuất. Như năm nay, cánh đồng của Nam Phúc đã ngập đến 3 lần, người dân muốn sản xuất cũng chịu”, anh Nguyễn Văn Đức cho biết.

Trong vụ đông năm 2012, xã Nam Phúc chỉ gieo trồng được 60 ha gồm 35 ha ngô, 22 ha rau các loại và 3 ha khoai lang. Đầu vụ đông 2013, người dân đã gieo được 15 ha ngô nhưng ngô mới bén đã bị ngập hết. Trước khi sản xuất vụ đông, cán bộ nông nghiệp xã khuyến khích bà con chuyển đổi cây ngô sang trồng bí đỏ Đông Anh đang có giá cao trên thị trường, thuận lợi sản xuất ở một số khu vực đồng hoang, đất cao ráo. Nếu người dân trồng bí sẽ được hỗ trợ 50% tiền giống và phân bón. Tuy nhiên, vì chưa thấy được hiệu quả thực sự của cây bí nên người dân không mặn mà, kế hoạch chuyển đổi sang trồng bí đành bỏ dở. “Nam Phúc là xã thấp trũng nhất của huyện, chúng tôi cũng muốn xây dựng một số mô hình trên đồng ruộng để bà con học tập nhưng đến nay, chưa có mô hình nào hiệu quả. Các biện pháp xen canh, gối vụ, chuyển đổi diện tích lúa, ngô sang trồng rau màu như một số xã bên cạnh cũng không thể thực hiện được, tất cả chỉ vì lụt.”- Chị Trần Thị Hà, cán bộ nông nghiệp xã Nam Phúc cho biết.

Hiện nay, ở xã có 3 hộ đã mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi lợn kết hợp cá và vịt gồm: hộ anh Dương Văn Lý, Hoàng Viết Lộc và Phan Văn Khoa. Tuy nhiên, vì thời tiết quá khắc nghiệt nên trang trại cũng chỉ hoạt động theo mùa vụ, hiệu quả không cao. Cả hai đợt lụt vừa qua, 3 trang trại trên đều bị ngập nước, toàn bộ cá trong ao mất trắng hoàn toàn. “Muốn làm trang trại ở Nam Phúc phải đầu tư rất nhiều vốn để đắp đê bao kiên cố, phải thuê máy móc về đắp bờ vùng, bờ thửa, rất tốn kém nhưng cũng không chắc chắn, bởi nếu gặp lũ thì nước lút cả mái nhà chứ đừng nói là đê bao trên ruộng”, một hộ dân ở xóm 5, xã Nam Phúc cho biết.

Hiện nay, mô hình kinh tế phù hợp nhất với người dân xã Nam Phúc là chăn nuôi trâu bò sinh sản và trâu, bò vỗ béo. Đây được xem là vật nuôi phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay, bởi diện tích đồng cỏ trũng khá lớn có thể tận dụng để nuôi trâu, bò. Trâu, bò là loại hàng hóa dễ tiêu thụ, hiệu quả kinh tế cao. Gặp mưa lũ, người dân có thể chủ động ứng phó bằng cách tiêu thụ trước khi lũ về hoặc mang đi gửi ở nơi cao ráo. Hiện nay, đàn trâu, bò của xã Nam Phúc lên đến gần 1.000 con và đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, số tiền hàng chục triệu đồng để mua một con trâu, bò không phải hộ dân nào cũng có, cùng với đó các loại dịch bệnh thường xuyên xuất hiện sau mỗi đợt lũ lụt nên mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc xuất khẩu lao động cũng được xem là hướng đi phù hợp của người dân, hiện có gần 100 thanh niên trong xã đang làm việc ở các thị trường nước ngoài, hàng năm gửi một lượng ngoại tệ lớn về địa phương. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động không phải ai muốn đi cũng được và không phải ai đi được cũng có tiền mang về, bởi nhiều thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Trung Đông đang bị đóng băng, thị trường Ăngola chưa phải là thị trường chính thống, lại có quá nhiều cạm bẫy…

Nói đến hướng đi để Nam Phúc thoát nghèo, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Đạo thở dài: Xã có 700 hộ dân, hầu hết đều sản xuất nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo lên đến 14,5 %, thu nhập bình quân chỉ khoảng 12 triệu đồng/người/năm, thấp nhất huyện Nam Đàn. Mong muốn lớn nhất của xã và cũng là mong muốn chung của người dân 5 Nam là có một cây cầu bắc qua sông Lam đoạn gần cầu Yên Xuân để kết nối vùng trũng này với khu vực phát triển của huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn. Bên cạnh đó, chính quyền xã và người dân trong xã cũng rất muốn các nhà khoa học, các doanh nghiệp tâm huyết vào cuộc, để nghiên cứu, tìm ra những giống cây, con, những mô hình kinh tế hiệu quả.

Bài, ảnh: Nguyên Khoa