Về Trung Cần...
Đâu cứ phải liệt vào miệt u linh hay đất thần kinh mới đậm mạch nguồn văn vật; và, dẫu hôm nay đời sống người dân còn nặng sinh kế nơi thôn dã thuần hậu, thì vẫn hiển hiện nếp sinh hoạt, ý thức gìn giữ những di sản văn hóa - tinh thần tiền nhân để lại, tạo nên sức mời gọi khách xa đến không ngờ. Ấy là muốn nói đến miền quê Nam Trung (Nam Đàn) nơi hạ lưu Lam giang lưu luyến phù sa...
Chiều muộn lơ mơ nắng ngày vãn đông. Nhưng một nẻo bên sông này vẫn không là vẻ la đà, trầm mặc. Chợ Rồng lao xao bán mua, đường đi đang tươi mới màu nâng cấp, mở rộng. Tiếng loa phóng thanh phát chủ trương phấn đấu mùa vụ dịp cuối năm của xã rộn rã khắp mọi nẻo thôn. Dẫn chúng tôi đến thăm đình Trung Cần, chị Lê Thị Hoa – cán bộ Trung tâm TTVH huyện Nam Đàn khẳng định: “Nam Trung là một địa phương nếu được phát huy tốt các di tích hiện có gắn truyền thống hiếu học, cách mạng, thì sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn trong hệ thống điểm đến cho du lịch ở huyện Nam Đàn...”. Ngay sau cuộc thoại di động của chị Hoa, đã thấy ông thủ từ giữ đình Nguyễn Văn Tuất, 68 tuổi, ngụ ngay xóm 8 nơi đình Trung Cần được dựng lên hơn 220 năm trước (1782), nhanh nhẹn có mặt. Kính cẩn mở cánh cửa đình, ông Tuất hồ hởi: “Bà con Nam Trung đang rất phấn khởi khi mới rồi có đoàn dự án nước ngoài về khảo sát để đầu tư trùng tu lại đình”.
Toàn cảnh đình Trung Cần ở xã Nam Trung (Nam Đàn). |
Nói về giá trị kiến trúc, đình Trung Cần với “nghệ thuật kiến trúc đạt đến độ tinh xảo” được coi là một trong những ngôi đình cổ lớn và đẹp nhất cả nước còn nguyên vẹn khuôn viên và cổng tam quan. Đình có cả hậu cung làm nơi thờ các vị thành hoàng và các bậc danh nho lập đình, nay ngày sóc vọng vẫn dày hương khói tâm linh của bà con thôn mạc. Đời ông Tuất vốn gắn bó với đình từ thuở hoa niên. Đối với lớp người lớn lên, nhận biết ngày giành chính quyền năm 1945, thì đình Trung Cần thực vẫn là điểm hội họp đậm chất sinh hoạt làng xã Việt truyền thống. Đình cũng là nơi ông Tuất theo học vỡ lòng, lớn lên chút là sinh Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên... Ông Tuất nhớ lại: “Năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đình còn được chọn là nơi quản thúc một đoàn tù binh người Pháp. Mùa lũ năm ấy, khi nước dâng làm trôi hết đồ tế khí trong đình, thì toán lính Pháp được huy động giúp dân chạy lũ đấy. Họ khỏe lắm, có tù binh còn cõng hẳn cả một con bê lên chạn cho dân... Trong chiến tranh chống Mỹ, cũng có một vài cơ quan Trung ương và tỉnh sơ tán về đóng tại đây một thời gian. Nhưng vui nhất là đầu những năm 1960, đình Trung Cần là trạm giao liên cho bộ đội Nam tiến; đình đêm đêm rộn ràng tiếng hát quân dân”.
Tôi mê mẩn dưới những bộ vì kèo, bành tứ trụ, những bức hoành phi bằng gỗ quý được chạm khắc hoa văn tinh xảo, có cái uy nghi của rồng phượng, có phong nhã của phong vân, có cái thanh bình của cảnh nông tang miền phù sa bãi bờ... Chị Hoa cho biết chi tiết thú vị là, đình làng do chính những người thợ mộc tài hoa của làng Trung Cần xưa xây dựng. Thảo nào nay người 9/14 xóm của xã Nam Trung nằm trên đất làng Trung Cần xưa vẫn nổi tiếng tay thợ nề và mộc, lập nhiều tổ thợ đi làm ăn xa tận nước bạn Lào. Hơn 200 năm, trải mấy đời người, đình nay có phần xuống cấp nhưng vẫn uy nghi nơi thôn mạc, trước đình là những gốc xà cừ to lớn tuổi sánh ngang ông thủ từ Nguyễn Văn Tuất, đã kịp sần sùi cổ thụ, tán vươn xanh điểm vẻ cổ kính cho khung cảnh đình làng.
Phỏng trước đình Trung Cần trước cũng có có cây đa, bến nước? Sách không ghi và người cao tuổi nhất ở Trung Cần nay cũng chưa từng nghe chuyện đó. Nhưng trước “vật đổi” chừng trăm năm trước, đình còn có nhánh sông tha thướt chảy qua. Sông này được phù sa bồi dần lên thành bãi; và hẳn cái hữu tình thủy tụ còn được chứng tích bởi khu mộ rêu phong nằm trên đồng Giã Rào trước đình của vị thành hoàng đầu tiên được thờ ở đình và cũng là bậc khai khoa cho đất Trung Cần: Tiến sỹ, danh tướng với nhiều võ công hiển hách thời Lê Trung Hưng – ông Tống Tất Thắng (cái chết của Tống Tất Thắng và sự ra đi sau đó của gia đình và tất cả con cháu họ hàng của ông khỏi mảnh đất Trung Cần đang là một vấn đề tồn nghi được chép lại trong các Tộc phả của các chi họ Tống ở Nghệ - Tĩnh, nhưng vẫn có thể khẳng định Trung Cần là mảnh đất quê hương, là nơi sinh ra Tống Tất Thắng với rất nhiều di tích vẫn còn được lưu giữ liên quan đến ông).
Xê xế bên đình Trung Cần là Khu tưởng niệm cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn – một người con xuất sắc của xã Nam Trung. Khu tưởng niệm được xây cất khang trang với quy hoạch, kiến trức đậm nét cổ kính trong có nhiều tư liệu từ năm 2012, nay cũng đã trở thành điểm tham quan, nơi giáo dục truyền thống cánh mạng rất ý nghĩa. Ông Hồ Văn Liên, 71 tuổi, người thợ nề bình thường nhưng cẩn trọng tham gia xây mộ Bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh từ năm 1983, nhớ lại ngày mà người của Ban Dự án xây dựng Khu tưởng niệm cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn về tìm gặp ông ở xóm 7, xã Nam Trung, ngay lập tức “đề bạt” ông làm trưởng ban thi công và sau khi khu tưởng niệm hoàn thành ông được giao luôn làm người bảo vệ, hương khói tại đây, âu cũng là phần thưởng từ lòng ngưỡng mộ, kính trọng của ông từ bé đến khi lớn lên, với các vị tiền nhân cách mạng vậy. Ông Liên cho hay: “Khu tượng niệm của bác Trần Quốc Hoàn hiện đang được nhiều khách về thăm đình Trung Cần quan tâm, và coi như là một điểm không thể không ghé qua bởi nét đẹp kiến trúc, những tư liệu dày dặn và ý nghĩ văn hóa của nó”...
Trở ra chợ Rồng, ngược lên vùng Dương Liễu xưa, nay cùng thuộc Nam Trung. “Quan Trung Cần, dân Dương Liễu” là câu phương ngữ ám chỉ người làng Trung Cần có truyền thống hiếu học, dân làng Dương Liễu có chí “nổi can qua”, tiếp nối bằng tinh thần yêu nước vùng lên theo Đảng đấu tranh sau này. Đây chính là làng quê của đồng chí Nguyễn Tiềm, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên (hy sinh năm 21 tuổi, khi đang là Ủy viên BTV Xứ ủy Trung kỳ phụ trách công tác tuyên truyền). Hiện ngôi nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Tiềm chính là ngôi nhà nguyên bản cũ trên vườn nhà nơi đồng chí sinh ra.
Ông Nguyễn Văn Tý (Nam Trung - Nam Đàn) giới thiệu về căn buồng đồng chí Nguyễn Tiềm thường tổ chức họp bí mật. |
Chị Lê Thị Hoa cho hay, ngôi nhà và bức tường bao sân xuyến hoa và khu vườn với những cây trồng lưu niên được khôi phục gần như nguyên bản. Tôi bước vào nếp cổng xây lợp ngói, theo lối đi với hai hàng chè tàu cắt xén gọn ghẽ, mường tượng những ngày tuổi trẻ đấu tranh cách mạng của người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên, đã bao lần in dấu chân đi về ngôi nhà này, hội họp cùng đồng chí của mình trong căn buồng nhỏ ở ngôi nhà lim 5 gian ấy. Cũng ngay tại đây, cụ Nguyễn Chính – Hội trưởng Hội Ái hữu Nam Trung, thân phụ đồng chí Nguyễn Tiềm, đã quyết định bán đi 50 mẫu ruộng lấy 4 vạn đồng bạc Đông Dương để đồng chí Nguyễn Tiềm đưa cho tổ chức mua máy in tài liệu, truyền đơn... Ông Nguyễn Văn Tý – con cháu dòng họ Nguyễn Dương Liễu nay được giao trông coi nhà lưu niệm, cho biết, con cháu trong dòng họ nay ở làng còn khoảng 2 chục hộ, những người đi ra noi gương học hành, cánh mạng của cha anh, đều làm ăn, công tác thành đạt, có rất nhiều người là cán bộ, sỹ quan quân đội cao cấp...
Trong ánh chiều nhạt nơi vuông sân khung cảnh cũ, tôi đã được nghe người thân của đồng chí Nguyễn Tiềm kể về thuở hoa niên cũng như những câu chuyện liên quan đến cuộc đời hoạt động của đồng chí, mà nếu như không có người em trai là ông Nguyễn Nhật Phổ (tức Lý Thiện Tuấn), vốn là bạn thân của cố Bộ trưởng Trần Quốc Quốc Hoàn đi tìm trong những kho hồ sơ tối mật, thì chưa chắc hậu thế hôm nay có được những hiểu biết đầy đủ, tự hào về đồng chí Nguyễn Tiềm. Nhưng thôi, xin được dành cho đọc giả một ngày về với Nam Trung, thăm đình Trung Cần, thăm dày dặn những di tích ở đây, và thong thả uống bát nước chè xanh, nếm thức trái trong vườn nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Tiềm để tiếp tục nghe nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến cuộc đời đấu tranh cách mạng oanh liệt của đồng chí...
Theo các bộ chính sử thì ngót 2000 năm trước, vùng đất Nam Trung còn có tên là Trang Cần Cung thuộc xã Nam Hoa Thượng, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương. Đến đầu thế kỷ XIX, Trang Cần Cung được tách khỏi xã Nam Hoa Thượng thành xã Trung Cần và vẫn thuộc tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương. Cuối thế kỷ XIX, tổng Nam Hoa đổi thành tổng Nam Kim, xã Trung Cần vẫn thuộc tổng Nam Kim, huyện Thanh Chương. Năm 1910, tổng Nam Kim được chuyển sang thuộc vào huyện Nam Đàn. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, hai xã Trung Cần và Dương Liễu được hợp nhất lại thành xã Nam Trung ngày nay.
Đình Trung Cần gắn với công đức của 3 bậc tiền nhân dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần, là bố con, ông cháu đỗ đệ tam giáp Tiến sỹ đời Lê Trung Hưng; gồm cụ Nguyễn Trọng Thường đỗ đệ tam giáp Tiến sỹ năm 1712 (bia văn miếu Quốc Tử Giám); con trai thứ của cụ Thường là Nguyễn Trọng Đương (Đang) đỗ đệ tam giáp tiến sỹ năm 1769; cháu đích tôn của cụ Thường là Nguyễn Đường (Nguyễn Trọng Đường) đỗ đệ tam giáp Tiến sỹ năm 1779...