Dễ tìm việc dịp cuối năm

18/12/2013 16:56

(Baonghean) - Gần đến dịp tết, lượng người tìm về các thành phố lớn để tìm việc ngày một tăng. Đây cũng là thời điểm nhiều công trình đang vào giai đoạn hoàn thành, nhiều đơn hàng cần hoàn thành để bàn giao nên số doanh nghiệp đang có nhu cầu tìm lao động ngày càng đông…

(Baonghean) - Gần đến dịp tết, lượng người tìm về các thành phố lớn để tìm việc ngày một tăng. Đây cũng là thời điểm nhiều công trình đang vào giai đoạn hoàn thành, nhiều đơn hàng cần hoàn thành để bàn giao nên số doanh nghiệp đang có nhu cầu tìm lao động ngày càng đông…

Người cần việc

Những ngày bình thường khu vực ngã 6, vườn hoa Cửa Nam, vườn hoa Tam Giác là 3 địa điểm chính để người lao động tập trung tìm việc. Tuy nhiên, vào thời điểm này, “chợ lao động” tập trung nhiều nơi như cầu Cửa Tiền, khu vực Cửa Nam trên đường Trần Hưng Đạo, khu vực cầu Kênh Bắc… Lượng lao động đổ xô ồ ạt vào dịp cuối năm là điều đã được báo trước, bởi đây là thời điểm “nước rút”, người dân thì muốn tranh thủ kiếm thêm thu nhập để có tiền tiêu Tết; người sử dụng lao động thì muốn đẩy nhanh tiến độ để kịp giao đơn hàng đúng tiến độ. Nhiều nơi, thanh niên trong xóm vắng dần vào dịp cuối năm vì kéo nhau lên thành phố kiếm việc…

Đều đặn 6h30 phút sáng anh Q, nhà ở C8 Quang Trung, có mặt ở khu vực “chợ lao động” Tam Giác vườn hoa để gia nhập vào đội quân lao động tự do. Ở đây anh gần như là người “ngoại đạo” bởi có hộ khẩu ở nội thành, còn đa phần là người thuộc khu vực Hưng Đông, Hưng Nguyên và một số huyện khác. “Ngoại đạo” còn là bởi, trong số này anh là người có số phận đặc biệt nhất với thâm niên 13 năm nghiện ma túy. Không có công việc ổn định, may mắn nhất cho Q là nhà sát với khu vực chợ lao động nên gia đình sắm cho một cái xe máy để hàng ngày anh chạy xe ôm, khi nào có người cần thuê lao động thì anh tăng ca làm cùng các anh em khác. Công việc này, theo anh tuy thu nhập bữa ít bữa nhiều nhưng nếu chăm chỉ thì mỗi tháng cũng có thể kiếm được 3 – 4 triệu đồng. Riêng những ngày cuối năm, lượng thu nhập nhiều hơn, bởi đây là thời điểm các gia đình tập trung dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa. Thế nên mỗi ngày có thể kiếm được từ 200.000 – 300.000 đồng. Nói về cái Tết đang gần kề, anh chia sẻ: “Làm bố nhưng chưa bao giờ tôi cho con một cái Tết bình yên. Gần 2 năm nay, sau khi ra trại, nhờ uống thuốc Menthadone đều đặn nên tôi đã dứt hẳn với ma túy. Nay chỉ hi vọng chăm chỉ làm việc để kiếm thêm tiền, sắm cho gia đình một cái Tết thật đầy đủ”.

Lao động bốc vác  ở chợ Vinh. Ảnh: Hoàng Hảo
Lao động bốc vác ở chợ Vinh. Ảnh: Hoàng Hảo

Cả xóm Mai Lộc, xã Hưng Đông (Thành phố Vinh) có đến hàng trăm người gia nhập vào lực lượng lao động cửu vạn ở thành phố. Thời điểm này, xóm vắng tanh vì hầu như ngoài trẻ con và người già chẳng có mấy ai ở nhà. Chị Nguyễn Thị Lan, người đã làm nghề cửu vạn hơn 20 năm, còn chồng làm thợ xây. Ba đứa con của chị không học hành đến nơi đến chốn, không có công việc ổn định cũng tham gia đội quân này. Theo kinh nghiệm làm việc lâu năm của mình, chị cho biết: “Gọi là nghề tự do nhưng cũng có mùa cả em ạ. Đông nhất là mùa xây dựng từ tháng 5 – tháng 10, bởi đây là thời điểm các công trình khởi công nhiều. Ngoài ra là dịp sát Tết, lúc này các gia đình có nhu cầu dọn dẹp nhiều. Nếu may mắn, gặp được ông chủ thoáng thì một ngày lau dọn cũng có thể được trả 300.000 đồng…”.

Việc cần người

Hơn 1 tiếng đồng hồ vòng từ ngã ba vườn hoa Tam Giác đến khu vực ngã 6 rồi vòng lên vườn hoa Cửa Nam có thể thấy khách cần người lao động khá đông. Trong đó, dịch vụ ăn khách nhất vẫn là dọn dẹp, cọ rửa sàn nhà, lau kính sau khi đã hoàn thiện nhà. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã bắt đầu trang hoàng lại nhà cửa nên thuê 1-2 lao động đến để quét sơn, quét ve… Một số chủ khác cần người để đóng gói hàng hóa, vận chuyển hàng vào Nam. Đến cơ sở sản xuất hoa lụa Nga Thắng trên đường Trần Bình Trọng (phường Đông Vĩnh, Thành phố Vinh) có hơn 10 lao động đang làm việc, trong đó gần một nửa là lao động chủ nhà vừa tuyển được từ sàn giao dịch việc làm thành phố tổ chức cuối tháng 11. Nói về nhu cầu lao động ngày cuối năm, chị Nguyễn Thị Anh Nga, chủ cơ sở cho biết: Ngoài làm hoa lụa thì cuối năm gia đình nhận rất nhiều hàng đặt là các bức trướng mừng thọ thế nên lượng công việc nhiều gấp 3, gấp 4 ngày thường. Tuy lao động chỉ làm những việc đơn giản như lắp vít, làm khung tranh nhưng vì thường xuyên phải tăng ca, khối lượng công việc khá nhiều nên nếu chăm chỉ, làm năng suất cao thì mỗi tháng được trả từ 3.000.000 đồng – 4.000.000 đồng…

Không chỉ riêng cơ sở sản xuất hoa lụa Nga Thắng mà nhiều công ty khác cũng tìm đến sàn giao dịch việc làm thành phố để đăng nhu cầu tuyển dụng lao động cuối năm, trong đó các đơn hàng tuyển lao động phổ thông khá đông. Đọc bảng thông báo tuyển dụng, đáng chú ý có đơn hàng của Công ty cổ phần Xây dựng điện Vinexco 2 đang cần 10 lao động phổ thông làm việc tại Thành phố Vinh; khách sạn Mường Thanh (Diễn Châu) cũng đang tuyển nhân viên lễ tân, nhân viên kỹ thuật bếp; Công ty cổ phần dịch vụ Bảo vệ vệ sỹ Bảo An cần tuyển 15 nhân viên bảo vệ, Công ty cổ phần may Minh Anh, Công ty Ausdoor cũng đang cần gấp công nhân…

Ông Dương Xuân Phúc, Phó phòng thông tin thị trường cho rằng: Cuối năm bao giờ đơn hàng tìm việc cũng nhiều hơn các thời điểm khác, thứ nhất là bởi hầu hết các công ty phải tổng lực sản xuất hàng phục vụ cho nhu cầu tăng cao vào dịp Tết. Hơn nữa, nhiều đơn vị muốn tìm lao động gắn bó lâu dài họ cũng chọn thời điểm này vì chỉ những người thực sự có nhu cầu tìm việc mới đến sàn giao dịch việc làm vào những ngày cuối năm… Riêng tại sàn giao dịch việc làm Thành phố Vinh, những tháng trước mỗi phiên giao dịch chỉ có từ 8 – 10 đơn vị đến nhờ đăng nhu cầu tuyển dụng thì thời điểm này có từ 12 – 15 đơn vị. Ngoài các đơn hàng trong tỉnh thì các đơn hàng ngoài tỉnh và các đơn hàng nước ngoài cũng khá nhiều.

Ông Nguyễn Dư Khương, Trưởng phòng Cung ứng giới thiệu việc làm – Trung tâm Giới thiệu việc làm Nghệ An cho biết: Hiện đơn vị có đơn hàng tuyển gần 1.000 lao động đi làm việc theo diện chính ngạch ở Lào với mức lương từ 10 – 12 triệu đồng/tháng. Trước đó, lao động có một tháng thử việc tại Thủy lợi Ngàn Trươi (Vũ Quang, Hà Tĩnh) là 180.000 đồng/ngày, nhưng hiện chỉ tuyển dụng được khoảng 60 người… Ở Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển thanh niên thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An, thời gian qua có rất nhiều đơn hàng của các công ty như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty Thăng Long SIX, Công ty Trách nhiệm Công nghiệp Brother (Hải Dương), Công ty Liên Việt, nhưng việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn dù đơn vị đã về tận các xã để thông báo, tư vấn…

Theo ông Nguyễn Văn Đông - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển thanh niên thì có nhiều nguyên nhân khiến việc tuyển dụng lao động hiện nay trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, trong đó nguyên nhân chính vẫn là mức lương, điều kiện ăn, ở. Hiện, trung bình một công nhân làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp ngoại tỉnh có mức thu nhập trung bình từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Nhưng chi phí đó nếu trừ đi các khoản sinh hoạt như nhà trọ, ăn uống thì chẳng còn lại là bao, rồi tiền tàu xe mỗi lần đi về. Thế nên người lao động muốn làm gần nhà, tuy thu nhập có thấp hơn nhưng họ không mất các chi phí phát sinh.

Những tín hiệu trên cũng cho thấy thị trường lao động cuối năm đã bắt đầu “ấm” lên sau hơn 2 năm ảm đạm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Tổng hợp của phòng Lao động – Việc Làm – Tiền Lương – Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ&TB-XH) cho thấy, trong năm 2013, toàn tỉnh Nghệ An đã giải quyết việc làm cho gần 36.000 đối tượng, trong đó có hơn 11.000 lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài, trên 10.000 lao động đi làm việc ngoại tỉnh còn lại là làm việc tại các doanh nghiệp liên doanh, lắp ráp điện tử và một số khách sạn, đơn vị kinh doanh dịch vụ trong tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề việc làm cho người lao động trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn do hiện tại trên địa bàn chưa có nhiều khu công nghiệp lớn, việc phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp, làng nghề còn nhỏ lẻ, manh mún. Công tác chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng và ngành diễn ra chậm, hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người lao động để tạo việc làm mới hoặc tự tạo việc làm còn hạn chế, nhất là hệ thống thông tin thị trường lao động. Quy mô dân số và nguồn lao động lớn cũng là áp lực đối với vấn đề giải quyết việc làm. Mỗi năm toàn tỉnh có từ 3 - 3,2 vạn lao động mới, nhưng các cơ sở sản xuất, các đơn vị không phát triển tương xứng với nguồn lực lao động…

Xác định rõ giải quyết việc làm cho lao động là vấn đề bức xúc, thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp để tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới, hỗ trợ và khuyến khích người lao động học nghề, tự tạo việc làm, xuất khẩu lao động như: Trích lập Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm địa phương từ ngân sách tỉnh với mức 2,5-3 tỷ đồng/năm; thành lập mới và đầu tư nâng cấp hệ thống trường dạy nghề, các trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp tại các vùng và các huyện, thành, thị, nâng cao năng lực các cơ sở giới thiệu việc làm; ban hành chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động, hỗ trợ học nghề, chính sách khuyến khích thu hút và đào tạo nghề cho lao động trong các khu công nghiệp của tỉnh; liên kết các chương trình đầu tư phát triển kinh tế với giải quyết việc làm, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng đến các biện pháp, chính sách nhằm duy trì và mở rộng các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, các tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế, tìm kiếm các thị trường ngoại tỉnh…

Mỹ Hà