Sức lan tỏa của tiếng Thái - chữ Thái

03/09/2013 16:00

Đứng thứ 2 toàn tỉnh về tỷ lệ dân số (khoảng 10%, sau dân tộc Kinh), đồng bào dân tộc Thái ở Nghệ An còn lưu giữ được nhiều nét đẹp truyền thống mang đậm giá trị bản sắc, trong đó có tiếng nói và chữ viết. Thời gian gần đây, việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ dân tộc Thái gặp nhiều thuận lợi khi được các cấp, các ngành quan tâm. Đặc biệt là chủ trương phổ biến, truyền dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số...

(Baonghean) - Đứng thứ 2 toàn tỉnh về tỷ lệ dân số (khoảng 10%, sau dân tộc Kinh), đồng bào dân tộc Thái ở Nghệ An còn lưu giữ được nhiều nét đẹp truyền thống mang đậm giá trị bản sắc, trong đó có tiếng nói và chữ viết. Thời gian gần đây, việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ dân tộc Thái gặp nhiều thuận lợi khi được các cấp, các ngành quan tâm. Đặc biệt là chủ trương phổ biến, truyền dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số...

Những ngày hè, chúng tôi tìm đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Con Cuông, nơi đang tiến hành mở 2 lớp truyền dạy chữ Thái Lai Pao với tổng số 84 học viên do ông Vi Khăm Mun (Tương Dương) đứng lớp. Đối tượng truyền dạy chủ yếu là đội ngũ cán bộ và giáo viên trên địa bàn. Dù thời tiết khá nóng bức, các học viên vẫn chăm chú nghe giảng, miệt mài với từng nét chữ và hào hứng khi thực hiện những cuộc hội thoại. Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, chúng tôi hỏi chuyện chị Kha Thị Tím (Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện). Chị Tím chia sẻ: “Tôi là người Thái, từ nhỏ chỉ biết nói tiếng mẹ đẻ, còn chữ viết tôi chưa hề biết. Từ lâu, nghe nói dân tộc mình có chữ viết riêng, tôi thiết tha muốn học để biết nhưng chưa có cơ hội. Nay, huyện mở lớp, tôi đăng ký tham gia học vào ban đêm và các ngày nghỉ cuối tuần. Việc học chữ Thái giúp tôi nắm bắt được sự tinh tế, tài hoa của tổ tiên mình, giúp tôi hiểu sâu hơn về phong tục, tập quán cũng như đời sống văn hóa của dân tộc mình”.

Điều đáng nói là lớp học không chỉ có đội ngũ cán bộ, giáo viên người Thái tham gia mà còn thu hút không ít học viên là người dân tộc Kinh. Họ là những người thường xuyên tiếp xúc với bà con dân bản nên việc học tiếng Thái, chữ Thái thật sự hữu ích cho công việc của mình. Cô giáo Trần Thị Ngân (Trường Tiểu học Lục Dạ) cho biết: “Tôi dạy học ở đây khá lâu năm và nhận thấy nếu mình thông thạo tiếng nói, chữ viết của người Thái sẽ hết sức thuận lợi trong công tác. Vì thế, tôi đã tự học được khá nhiều vốn tiếng Thái. Dịp này, huyện mở lớp học chữ Thái, tôi đăng ký tham gia để hiểu biết thêm về văn hóa Thái và để làm tốt hơn công việc của mình”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Thủy (cán bộ Phòng Văn hóa Con Cuông) bộc bạch: “Ở Con Cuông, dân tộc Thái chiếm đa số nên việc biết tiếng nói, chữ viết của bà con là hết sức cần thiết cho công việc. Điều đó giúp mình hiểu sâu hơn những nét bản sắc của văn hóa Thái và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con”.



Lớp học chữ Thái Lai Pao ở Con Cuông.

Sau buổi học, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Vi Khăm Mun xung quanh vấn đề về chữ Thái nói riêng và văn hóa dân tộc Thái nói chung. Khoảng 6 năm về trước, cụ Lô Văn Thoại (Tương Dương) mở lớp truyền dạy chữ Thái Lai Pao đầu tiên. Lúc ấy, ông Mun là một trong những học trò xuất sắc. Ông thực sự bị cuốn hút bởi nét chữ của tổ tiên nên ngày đêm tìm hiểu và miệt mài luyện tập. Khóa học sau đó, ông Vi Khăm Mun trở thành giảng viên đứng lớp. Đến nay, ông đã tiến hành truyền dạy được 8 lớp chữ Thái Lai Pao với tổng số học viên lên tới hơn 300 người. Đối tượng truyền dạy khá đông đảo về thành phần, từ cán bộ, giáo viên, học sinh đến nông dân. Là một giáo viên nghỉ hưu, nay đã bước sang tuổi 70, ông Mun vẫn tâm huyết với chữ Thái Lai Pao và luôn hướng tới mục tiêu sưu tầm, khôi phục những câu chuyện cổ và tục ngữ, ca dao, đồng dao của người Thái.

Ông Mun chia sẻ: “Dân tộc Thái có nền văn hóa khá phát triển, gồm phong tục tập quán, văn hóa - văn nghệ, đời sống tâm linh. Trong đó, tiếng nói và chữ viết giữ vai trò quan trọng, ngoài chức năng giao tiếp còn có tác dụng lưu giữ tri thức của cộng đồng. Vì thế, bảo tồn, truyền dạy và phổ biến tiếng Thái, chữ Thái là việc làm hết sức có ý nghĩa không chỉ đối với cộng đồng người Thái mà còn góp phần khẳng định nền văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng”. Cần nói thêm rằng ngoài việc tham gia truyền dạy chữ Thái Lai Pao, ông Vi Khăm Mun còn dành thời gian sưu tầm, tập hợp các tác phẩm văn học dân gian (truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ...) của người Thái thành những công trình lớn. Những tác phẩm văn học dân gian được ông ghi lại bằng cả chữ quốc ngữ và chữ Thái Lai Pao. Đến nay ông đã hoàn thành được số lượng gần 10 công trình và từng đạt 3 giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Theo một số tư liệu, ở Việt Nam hiện có tới 8 bộ chữ Thái cổ đang tồn tại. Riêng ở địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 bộ chữ Thái cổ, bên cạnh chữ Thái hệ Lai Pao ở vùng Phủ Tương (cũ) còn có chữ thái hệ Lai Tay ở vùng Phủ Qùy (cũ). Cũng chừng 6 năm trước, chữ Thái Lai Tay bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh khi ông Lô Khánh Xuyên (Quế Phong) mở lớp truyền dạy cho con em trong bản và đội ngũ cán bộ, giáo viên xã Mường Nọc. Cùng thời điểm đó, CLB Chữ Thái xã Châu Cường (Qùy Hợp) được thành lập trên cơ sở tập hợp những người tâm huyết với văn hóa Thái. Mục tiêu đặt ra của các thành viên CLB là sưu tầm, tập hợp và bảo tồn những giá trị văn hóa mang tính bản sắc của dân tộc Thái, trong đó có việc truyền dạy chữ Thái Lai Tay. Đến nay, CLB đã tổ chức truyền dạy được 5 lớp chữ Thái với tổng số gần 150 học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Nói đến chữ Thái hệ Lai Tay, phải nhắc tới công lao của ông Sầm Văn Bình (Qùy Hợp). Ông Bình chính là “linh hồn” của CLB Chữ Thái xã Châu Cường. Cũng xuất phát từ niềm đam mê và sự tâm huyết với nét chữ tổ tiên, ông đã cố công sưu tầm, tìm hiểu và tự học cách viết chữ Thái. Từ đó, ông nhận thấy cốt cách, tâm hồn và đời sống văn hóa tinh thần trong từng nét chữ cổ nên quyết định truyền dạy và phổ biến rộng rãi cho tất cả mọi người. Có thể nói, Sầm Văn Bình là chuyên gia về chữ Thái Lai Tay. Qua từng lớp học, giáo án của ông càng được bổ sung hoàn chỉnh. Và trên cơ sở đó, bộ sách “Hướng dẫn học chữ Thái Lai Tay” (2 tập) được ra đời để phục vụ việc giảng dạy và học tập. Thời gian gần đây, Sầm Văn Bình đã thành công trong việc tiến hành vi tính hóa mẫu chữ Thái Lai Tay, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc truyền dạy, phổ biến, lưu trữ và in ấn.

Đồng bào dân tộc Thái chiếm khoảng 70% số lượng các dân tộc ít người ở Nghệ An, chủ yếu cư trú ở địa bàn các huyện miền núi, vùng cao. Hơn nữa, dân tộc Thái hiện đang lưu giữ được những giá trị văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc. Vì thế, việc phổ biến chữ Thái không chỉ có ý nghĩa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn giúp đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của mình.

Ý thức được vấn đề này, một số ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch truyền dạy, phổ biến tiếng Thái và chữ Thái. Anh Vi Mỹ Sơn - Trưởng phòng Chính sách (Ban Dân tộc) cho biết: “Từ đầu năm 2013 đến nay, chúng tôi đã phối hợp tổ chức được 14 lớp dạy tiếng Thái và chữ Thái cho đối tượng cán bộ, giáo viên, học sinh và những người yêu thích. Đây là việc làm có ý nghĩa trong việc triển khai thực hiện Quyết định 84 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số” do UBND tỉnh ban hành năm 2006”. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Ban Dân tộc nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy chữ Thái hệ Lai Tay ở huyện Qùy Hợp, Nghệ An” do UBND huyện Qùy Hợp chủ trì, ông Sầm Văn Bình làm chủ nhiệm.

Công trình được đánh giá cao thông qua hội thảo và thực tế. Vừa qua, chúng tôi có chuyến công tác ở Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Kỳ Sơn), Đại úy Vi Văn Trọng - Đồn phó cho biết: “Địa bàn Mỹ Lý dân tộc Thái chiếm đa số, nên trước mắt chúng tôi chú trọng phổ biến tiếng Thái cho anh em cán bộ, chiến sỹ để họ thuận lợi trong công tác. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, cử một số cán bộ trong đơn vị là người Thái chuẩn bị nội dung, chương trình để kịp triển khai vào tháng 9 năm nay. Đồng thời, phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương để nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn”. Cùng với đó, các sở, ban ngành như Dân vận, Giáo dục, Nội vụ, Công an đều có chương trình, kế hoạch riêng trong việc truyền dạy, phổ biến tiếng Thái và chữ Thái…

Ở cấp huyện, một số địa phương đã đưa nội dung bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái vào đề án Bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tiêu biểu có thể kể đến các huyện Qùy Hợp, Tương Dương, Con Cuông, Qùy Châu. Trong các dịp lễ hội truyền thống, Ban tổ chức thường đưa nội dung thi viết chữ Thái vào chương trình và thu hút được khá đông số lượng thí sinh tham gia. Đây là những địa bàn có đông đảo đồng bào Thái sinh sống nên cần quan tâm chỉ đạo để hướng tới mục tiêu người Thái phải biết nói tiếng Thái và viết chữ Thái. Làm được điều này sẽ góp phần khơi dậy niềm tự hào của đồng bào, tạo điều kiện để thực hiện tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trao đổi về vấn đề phổ biến tiếng Thái và chữ Thái, ông Vi Khăm Mun khẳng định: “Những năm gần đây, tỉnh ta đã mở được nhiều lớp chữ Thái nhưng chưa phổ biến rộng rãi. Tôi nghĩ chúng ta cần có sự thống nhất về giáo án, giáo trình để sớm đưa tiếng Thái và chữ Thái vào trường học. Bởi lẽ, từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2010/NĐ-CP, quy định về việc dạy và học tiếng nói-chữ viết các dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên”.


Bài, ảnh: CÔNG KIÊN