Bản nghèo hiếu học

19/12/2013 18:51

(Baonghean) - Nằm cách trung tâm huyện Quỳ Châu gần 40 km, bản Cướm, xã Diên Lãm nằm gọn ghẽ dưới chân dãy Pù Hốc. Bản nghèo “nổi tiếng” với 4 không: không đường, không điện, không chợ búa và không sóng điện thoại, giờ đã lùi vào quá vãng. Bản Cướm của hôm nay đang dần khởi sắc, nhất là về tinh thần hiếu học của bà con dân bản.

Với những người lần đầu đến Diên Lãm mùa này, hẳn khó có thể chuẩn bị tâm lý trước về cung đường đèo gập khuỷu tay và những con dốc mù sương như thách thức người cầm lái. Thế cũng đã là một sự đổi thay lắm, bởi những năm trước, để vào đến Diên Lãm - xã xa xôi nhất của huyện Quỳ Châu, chỉ có 20km đường nhựa, còn hơn nửa chặng đường sau đó là đường đất và đá cuội trơn nhẫy. Giờ đây, đường đã được trải thảm nhựa phẳng lì. Vượt qua cổng trời Pù Sén mịt mờ sương giăng, chúng tôi vào đến trung tâm xã Diên Lãm và phải hơn 7 km đường núi nữa mới đến bản Cướm - bản xa xôi nhất của xã, nghĩa là xa nhất của huyện Quỳ Châu.

Ở Diên Lãm, tên các bản đều được đặt theo các điển cố, điển tích về con người và sự vật, thiên nhiên. Như bản Cướm, theo cách giải nghĩa của các bậc cao niên, thuở mới khai bản lập làng, quanh khu vực này có rất nhiều cây song, cây mây mà đồng bào dân tộc Thái gọi là cây cướm. Định danh của bản có từ thuở xa xưa ấy, và sau này, trở thành định danh của một mảnh đất nghèo. Ruộng ít, gia súc gia cầm ít, thu nhập chính phụ thuộc vào đi rừng lượm củi, bẻ măng, hái nấm… bà con dân bản quanh năm thiếu đói triền miên.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh bản, ông Nguyễn Như Hóa - Bí thư Chi bộ bản Cướm tâm sự: “Bản Cướm là bản thuần Thái, bà con nhìn chung tính cách nhẹ nhàng, hiền hậu, mỗi tội nghèo đói quá. Những năm trước, một năm mất vài tháng ăn rau rừng, củ chuối thay cơm vì tính ra trên đầu người thì ruộng chưa đầy 100m2. Hai năm trở lại đây thì khá thấy rõ, nhờ chính sách hỗ trợ giống cây, con của Nhà nước và hướng dẫn chăn nuôi, trồng keo… nên thu nhập tăng lên”. Đi trên những con đường núi gập ghềnh quanh bản, không khó để nhận thấy những ngôi nhà sàn đã được xây cất đàng hoàng, ánh lửa đã ấm sực lên trong gian nhà được thưng vách chắc chắn. Và vui mừng biết bao khi thấy trong những ngôi nhà ấy, những tấm giấy khen học sinh giỏi, học sinh tiên tiến… của con em được treo cao trang trọng ở chính giữa ngôi nhà.

Gia đình anh Quang Văn Phong - chị Vi Thị Hương là một gia đình như thế. Khi chúng tôi đến thăm, gia đình anh chị đang ngồi trò chuyện thân mật với cán bộ dân vận của xã. Thấy khách đến hàn huyên về chuyện học của con em dân bản, chị Hương cười tươi, chỉ sang anh Nguyễn Văn Thước - cán bộ dân vận đang ngồi kế bên: “Nhờ vào cán bộ cả, cán bộ chỉ cho thấy nhiều ý sáng. Phải cho con đi học, có cái chữ mới thoát nghèo được. Cứ như đời ông, đời cha nó thì khổ mãi thôi!” Nói đoạn, anh chị lục tìm sổ liên lạc của hai cháu: Quang Thị Hằng và Quang Thị Thu để “khoe” với chúng tôi về thành tích học tập của hai con. Trong cuốn sổ liên lạc của Trường Tiểu học Diên Lãm, điểm trường bản Cướm, Hằng và Thu nhận được rất nhiều khen ngợi từ phía các thầy, cô. Nào là chăm ngoan, siêng năng, chịu khó tiếp thu, nào là sạch sẽ, lễ phép… Hằng năm nay học lớp 2, còn em Thu vừa bước vào lớp 1. Hai chị em trứng gà, trứng vịt dắt tay nhau đi học mỗi sáng, mang theo bữa trưa đến trường để theo hai buổi học đúng giờ.

Dường như với anh chị Phong - Hương, câu chuyện cho con đến trường là câu chuyện đáng tự hào và nhiều niềm vui nhất. Ở bản Cướm, gia đình anh chị là gia đình được nhiều người nể phục, bởi ngoài việc chăm sóc tốt cho con việc ăn, việc học, anh chị còn được xem là gia đình tiến bộ khi kiên quyết quan điểm không sinh con thứ 3, dẫu đang trong cảnh con một bề là gái. Không ngần ngại nói lên suy nghĩ của mình, anh Quang Văn Phong thẳng thắn: “Vợ chồng mình không sinh con nữa để tập trung nuôi hai đứa ăn học cho tốt thôi. Ai nói gì cũng mặc kệ, vì con nào cũng là con mình cả mà, phải nuôi con học đến cùng. Học để làm cán bộ, không học thì như đời mình đây chỉ biết vào rừng chặt củi thôi!”

Anh chị còn kể, có những lúc trong nhà hết gạo ăn, phải chạy vạy vay mượn trong bản được bát nếp để dành thổi xôi cho con mang đến trường. “Đi học chữ vất vả lắm mà, phải cho con ăn no bụng mới học giỏi được. Bố mẹ ở nhà ăn gì cũng được mà!”- chị Hương nhỏ nhẹ nói.

Cách nhà anh Phong - chị Hương không xa là Trường Tiểu học Diên Lãm và Trường Mầm non Diên Lãm, điểm trường bản Cướm. Chúng tôi đến thăm điểm trường đúng lúc các cháu vừa được nghỉ để ăn bữa trưa. Điểm Trường Mầm non bản Cướm có 25 cháu. 25 mầm non lũn cũn, mắt sáng trong veo, thấy người lạ đến chơi cứ ngơ ngác nhìn theo mãi. Các cháu là con em của các gia đình trong bản Cướm và bản Na Luộc, cách trường vài ba cây số. Hoàn cảnh các gia đình đều gặp khó khăn, nhưng 100% trẻ được đến trường và theo học đều đặn.

Mô hình bán trú dân nuôi ở điểm Trường Mầm non bản Cướm.
Mô hình bán trú dân nuôi ở điểm Trường Mầm non bản Cướm.

Cô giáo Lữ Thị Đào - giáo viên chủ nhiệm tâm sự: “13 năm dạy ở điểm trường này, tôi thấy ý thức của bà con dân bản về việc học của con cái đang ngày được nâng lên rõ rệt. Trước đây thầy, cô phải đi từng nhà vận động, các cháu đi học bữa được bữa không, nhưng giờ thì các cháu được bố mẹ đưa đến tận trường, chỉ trừ khi mưa to rét đậm quá mới cho các cháu nghỉ một bữa. Cứ nhìn bữa trưa của trẻ ở trường là biết được sự quan tâm của phụ huynh với việc học của con thế nào”. Ngồi quanh hai dãy bàn nhựa, 25 đứa trẻ mầm non ngồi xắn từng thìa xôi, vụng về gắp từng miếng trứng, miếng thịt ăn một cách ngon lành. Ăn xong, trẻ biết để bát thìa của mình vào chậu để lát nữa cô giáo sẽ rửa sạch, rồi tự giác lại rửa tay bằng xà bông. Cái quy trình ấy chỉ diễn ra trong vỏn vẹn chục phút đồng hồ, nhưng để tạo thành nếp quen là cả một quãng thời gian dài đấu tranh với tư tưởng, quan điểm lạc hậu của bà con dân bản.

Bên cạnh điểm trường mầm non là điểm Trường Tiểu học bản Cướm. Ngôi trường yên ắng bởi đang vào giờ nghỉ, 23 học sinh ngồi gọn trong lòng chiếu trải giữa lớp học để dùng bữa trưa. Thầy Hà Thanh Diệu và cô Vi Thị Nhung là hai giáo viên gắn bó với điểm trường này đã gần chục năm nay. Khi được thầy cô giới thiệu có các cô chú đến thăm, em Trương Văn Thấm (8 tuổi) nhanh nhẹn kéo ghế “Mời các cô chú ngồi ạ!”. Thấm là lớp trưởng lớp 2C do thầy Hà Thanh Diệu làm chủ nhiệm. 8 tuổi nhưng Thấm chững chạc lắm, hẳn là vì cái “chức” lớp trưởng rèn cho em ý thức tự quản và tự tin. Nhà Thấm ở bản Na Luộc, cách trường 4 km. 5h sáng mỗi ngày, Thấm cùng các bạn trong bản đi bộ, băng qua biết bao con đường ngoằn nghèo quanh núi để đến trường. Dù xa và đi bộ thì mệt lắm, nhưng Thấm chưa bỏ một bữa học nào. “Em không bỏ học đâu, đến trường vui lắm mà. Các thầy, cô ai cũng thương em, cho em sách vở, áo quần… Ở nhà, bố mẹ cũng bảo em đi học thôi, không phải vào rừng kiếm củi nữa đâu” - Thấm trò chuyện hồn nhiên.

Em Trương Văn Thấm làm bài tập chuẩn bị cho giờ học buổi chiều.
Em Trương Văn Thấm làm bài tập chuẩn bị cho giờ học buổi chiều.

Ở bản Cướm, những đứa trẻ hiếu học như Thấm không phải là hiếm. Chúng gửi gắm niềm tin và ước mơ vào ngôi trường như một biểu tượng của tương lai sáng rỡ. Một tương lai mà ở đó, chính những đứa trẻ sẽ viết lên cuộc sống khác cho bản thân chúng, khi mà ánh sáng của sự học đã thắp sáng bản làng xa xôi của mảnh đất Quỳ Châu này. Nhưng có được thành quả ấy, phải kể đến một hành trình dài mà ở đó, lòng nhẫn nại và yêu nghề mến trẻ là hành trang thiết thân nhất của những người làm công tác giáo dục Quỳ Châu.

Khi được hỏi về những học sinh của bản Cướm, cô Võ Thị Lộc - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Quỳ Châu chia sẻ đầy xúc cảm: “Quan điểm của chúng tôi về công tác giáo dục ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt như bản Cướm là phải đi vào tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương, phải yêu trò như con em mình, từ đó mới thay đổi được nhận thức của bà con về việc cho trẻ đến trường. Mỗi ngày đến trường nhất định phải là một ngày vui!” Niềm vui ấy cũng lan tỏa trong chúng tôi khi được biết, điểm Trường Mầm non bản Cướm được kiên cố hóa như hôm nay, với đủ các giáo cụ dạy và học, sân chơi ngoài trời cho trẻ… một phần có sự chung tay đóng góp của phụ huynh học sinh. Bản nghèo chốn xa xôi ấy như đang gần lại bởi nhịp cầu hiếu học.

Phương Chi