Chợ đen mua bán thận ở Việt Nam

17/02/2014 17:26

Để đáp ứng nhu cầu về cấy, ghép tạng của người dân, một nhóm đối tượng đã bất chấp các quy định của pháp luật đứng ra tổ chức, môi giới, chắp nối giữa cung và cầu nhằm kiếm khoản tiền chênh lệch lớn.

Buôn bán nội tạng, ở Việt Nam: 150 triệu đồng/quả thận

Thực tế đi sâu mới biết, đằng sau đó thật lắm chiêu trò và khoản tiền chi cho môi giới lên tới hàng trăm triệu đồng. Vậy thị trường buôn bán nội tạng người ở Việt Nam có hay không? Có chuyện cơ quan chức năng hoàn toàn "bó tay" trước sự lộng hành của "cò"?!

Theo quy định của luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì chỉ những công dân đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tình nguyện hiến, có sự hoà hợp về sinh học và việc cho nội tạng không bị ảnh hưởng quá nhiều đến sức khoẻ mới được các cơ quan chức năng đồng ý, thực hiện cấy, ghép.

Để thực hiện đúng các quy định trên thì danh sách người có nhu cầu cấy, ghép mô tạng ngày càng tăng mà người hiến ngày càng ít. Thế là cái sự chênh lệch đó đang thành mảnh đất béo bở cho "cò" lộng hành.

Ngóng chờ sự sống...

Đến tận bây giờ, anh Nguyễn Thành Tâm (31 tuổi, trú tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc) vẫn chưa hoàn hồn khi nghĩ về bản thân. Do bị bệnh đau dạ dày nên anh phải tốn kém khá nhiều thời gian cũng như tiền của để mua các loại thuốc điều trị dứt điểm căn bệnh.

Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang thì qua quá trình thăm khám, kiểm tra sức khoẻ các bác sỹ cho biết anh Tâm bị suy thận cấp. Cơ thể có những triệu chứng phù, nề... nếu không điều trị gấp sẽ rất nguy hại tới sức khoẻ, tính mạng bản thân.

Trong hai năm ròng rã điều trị và chạy thận nhân tạo ở bệnh viện 108 đã duy trì sức khoẻ của anh đồng nghĩa với nó là tiền bạc, của nả trong nhà dần dần đội nón ra đi. Mặc dù sức khoẻ được duy trì, thế nhưng không thể kéo dài lâu nên bắt buộc phải kiếm thận thay thế.

Khu vực trước cổng bệnh viện thường là nơi diễn ra các hoạt động của
Khu vực trước cổng bệnh viện thường là nơi diễn ra các hoạt động của "cò" và khách.

Anh Tâm cho biết, người đầu tiên muốn cho quả thận đó là ba mẹ tôi nhưng các cụ đều cao tuổi (trên 70 tuổi), già yếu nên không đủ sức khoẻ để cho được.

Ngoài ra, tôi cũng có 2 anh chị đăng ký hiến tặng cho em, nhưng tất cả đều gầy yếu, các anh chị cứ nay ốm mai đau nên nhỡ lấy đi quả thận mà các anh chị ấy không đảm bảo sức khoẻ thì tội còn nặng hơn bởi vì mỗi anh chị vẫn đang rất nặng gánh gia đình, con cái chưa trưởng thành nên người làm em như tôi nghĩ sao cho đành.

Cực chẳng đã, người thân trong gia đình đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi, đăng ký hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chờ người cho thận nhưng đến nay mỏi mắt tìm kiếm vẫn chưa thấy đâu.

"Mới rồi, anh trai tôi lân la ở một bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội vô tình gặp một người ở Hà Nam tâm sự do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên muốn bán thận kiếm chút tiền để về quê trang trải nợ nần.

Thấy vậy, anh tôi xin số điện thoại liên lạc và hẹn người ta đến làm các thủ tục cần thiết để thực hiện ca ghép. Tuy nhiên, sau khi làm các xét nghiệm theo quy định của ngành y tế đã đâu vào đó nhưng khi về địa phương xin xác nhận tên người cho - nhận thì không ai dám đứng ra chứng nhận với lý do người cho nhận không cùng huyết thống, nếu cố tình làm sẽ vi phạm quy định của pháp luật. Tôi cứ nghĩ mình được cứu thoát, ai ngờ quy định của pháp luật là vậy, nên đành phải chờ đợi khi nào có người cho hợp pháp và các bệnh viện đã đăng ký gọi tên thì mới có thể làm được", anh Tâm nhấn mạnh.

Tương tự, chị Trần Thanh Nga (quê ở Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, cách đây hơn một năm tôi thấy cơ thể luôn đau yếu, huyết áp cao. Lo lắng về sức khỏe bản thân nên tôi đã tới bệnh viện khám thì được các bác sỹ cho biết tôi bị suy thận độ 4. Mặc dù được kê đơn thuốc và danh sách những món ăn phải kiêng khem nhưng sức khỏe của tôi ngày càng suy kiệt.

Lần tái khám mới đây, các bác sỹ của bệnh viện Thạch Thất khẳng định cần phải tìm thận thay thế. Nếu không làm sớm sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tính mạng. Do gia đình neo người, không ai có đủ sức khỏe để cho thận nên tôi đành tìm tới các bệnh viện đăng ký theo quy định nhưng càng ngóng chờ lại càng mất tăm.

Không chỉ vậy, bản thân tôi cũng đã đăng tải mọi thông tin để tìm người có khả năng cho mình quả thận tương thích nhưng không hiểu may rủi thế nào mà mấy người đồng ý cho nhưng khi làm các xét nghiệm người thì không đạt, người thì bị viêm gan B nên đến bây giờ tôi vẫn ngóng chờ sự may mắn sẽ đến với mình ở thời tương lai?!

"Cò" nội tạng phủ sóng khắp nơi

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế, hiện cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần ghép thận, 1.500 người cần ghép gan, 5.000 người cần ghép giác mạc, hàng nghìn người cần cấy ghép tế bào gốc... Tuy nhiên, số người được ghép hiện rất hạn chế do nguồn tạng thiếu trầm trọng, số người hiến tặng mô, tạng sau khi chết não mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Không chỉ một hai trường hợp trên, theo tìm hiểu của PV, được biết nhu cầu về cấy, ghép nội tạng người càng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, do những quy định của pháp luật người hiến tặng phải cùng huyết thống, có sức khỏe đảm bảo và được bác sỹ công nhận, mới được thực hiện khiến cho tỷ lệ thực hiện trên thực tế chỉ chiếm con số rất khiêm tốn.

Chính vì điều này đã dẫn đến sự xuất hiện thị trường ngầm về buôn bán nội tạng người. Tâm sự về việc này, anh Cấn Thành Văn (38 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, cách đây 3 năm, tôi bị bệnh viêm cầu thận thể nhẹ.

Sau quá trình điều trị thuốc men thấy cơ thể khỏe mạnh thành thử chủ quan không tới bệnh viện tái khám. Những tưởng bệnh tình của mình đã khỏe mạnh bình thường, ai ngờ cách đây hơn một năm thì sức khỏe bị suy giảm một cách nghiêm trọng, cơ thể xanh xao, các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu thường xuyên xuất hiện.

“Qua thăm khám ở một bệnh viện ở Hà Nội thì được các bác sỹ kết luận tôi bị suy thận độ 4 cần phải chạy thận nhân tạo và kiếm người cho thận gấp nhằm đảm bảo sức khỏe tính mạng bản thân. Mặc dù gia đình đông anh em thật nhưng không ai đủ can đảm cho thận thành thử tôi phải nhờ vả mọi nơi để có thể tìm cho mình quả thận.

Sau hơn mười ngày "bắn" thông tin, cuối cùng cũng có một người tên K. gọi điện thoại và giới thiệu có người nhà cần bán thận với mức giá là 200 triệu đồng để trả nợ, nếu đồng ý sẽ gặp mặt làm các thủ tục gấp. Mọi việc ngay sau đó diễn ra ổn thỏa và ca ghép được thực hiện thành công viên mãn với tài đạo diễn của K.. Mới đầu tôi cứ nghĩ K. là người nhà của bên bán thận, nhưng sau quá trình thỏa thuận mua bán thì tôi mới biết K. là một trong những đầu mối chắp nối thông tin.

Thế nhưng, điều tôi phục K. ở chỗ mọi thủ tục pháp lý cho đến tài quan hệ ngoại giao K. đều đứng ra đảm nhận và thực hiện theo đúng cam kết. Mặc dù giá cả cao hơn lúc đầu rất nhiều nhưng đến nay sức khỏe của tôi ổn định. Đặc biệt là trái thận được ghép theo các bác sỹ đánh giá có sự tương thích nhanh, hiệu quả là tôi mừng rồi”, anh Văn khẳng định.

Không kiếm được quả thận nhanh như anh Văn nhưng chị Nguyễn Thị Lệ Q. (quê ở TP. Hạ Long, Quảng Ninh) có được niềm vui không kém. Số là, trong một lần người nhà chị đến bệnh viện Việt Đức để đăng ký danh sách xin nhận ghép thận.

Sau khi hoàn thành các thủ tục, người nhà chị Q. ra phía trước cổng bệnh viện uống nước và vô tình gặp một người giới thiệu có nguồn cho thận. Nếu thật sự cần cứ cho số điện thoại để tiện liên lạc sau. Cứ nghĩ đó chỉ là lời nói vui, không ngờ khoảng 2 tháng sau người này gọi điện thông báo có người cho thận, chốt điểm hẹn đến để thỏa thuận và làm các thủ tục để thực hiện cấy, ghép.

Đến nay mọi việc diễn ra trôi chảy và chị Q. cũng đang trong quá trình hồi phục sức khỏe. Nhắc tới chuyện này, chị Q. tâm sự: "Ở đời chẳng biết thế nào, khi đăng ký theo quy định mãi không thấy người ta gọi điện nhưng ở ngoài thị trường thì cái gì cũng có. Chỉ cần đôi bên thuận mua vừa bán, mọi việc xử sự có tình có lý đều có thể diễn ra theo ý muốn?!".

Bán mạng sống cho cả gia đình được đổi đời?!

Thông tin một người đàn ông giàu có, làm chủ một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của nước ta bỏ ra cả trăm nghìn đô cho "cò" đi tìm người có gan hợp với mình để cấy ghép thay gan đã làm xã hội rúng động hơn khi biết thông tin ngoài lề rằng, người đàn ông giàu có đó mua hẳn mạng sống của thanh niên này bằng việc muốn có hẳn 2 lá gan để thay cho mình. Một khoản tiền lớn được đưa ra, giá trị tỷ đồng được trao đổi.

Người thanh niên nghèo này đồng ý hy sinh mạng sống của mình cho gia đình được đổi đời. Tin này làm người ta không bất ngờ bằng việc, sau khi cấy ghép gan được vài năm, người đàn ông giàu có này cũng chết vì bệnh gan nhưng thông tin được tiết lộ ra ngoài là chết vì đột quỵ. Thế mới biết, ở chúng ta đang tồn tại một thị trường mua bán nội tạng người ngầm với đầy đủ các hoạt động từ môi giới, mua bán, trao đổi đến cả mạng người mà cuộc trao đổi nào cũng đậm màu tiền bạc.

Theo Vietnam.net