Cách nào chấm dứt nạn hối lộ?

11/11/2013 19:22

(Baonghean) - Một trong những nguyên nhân làm tăng giá hàng hóa, đưa đến hậu quả là giảm sút sức cạnh tranh của hàng nội so với hàng ngoại chính là nạn hoa hồng, lại quả, tham nhũng, hối lộ ở nước ta hiện nay.

Theo khảo sát của Cục Phòng chống tham nhũng (thuộc Thanh tra Chính phủ) công bố ngày 30/10/2013 thì có tới 80% các doanh nghiệp phải chi các khoản tiền hối lộ để đối phó với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn của cán bộ công chức nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Công bố của Cục Chống tham nhũng cũng cho biết, có tới 86% doanh nghiệp khi bị sách nhiễu đã tìm cách thuyết phục bằng lý lẽ, nhưng đáng buồn thay, lý lẽ không khuất phục được sự tham lam của kẻ vòi tiền.

Một số doanh nghiệp đã chọn cách nhờ cơ quan pháp luật can thiệp, nhưng pháp luật cũng chỉ giải quyết được nhiều nhất là 13% số vụ việc, còn đa phần thì vẫn phải chấp nhận giải quyết sự việc bằng con đường hoa hồng, lại quả, hối lộ. Số tiền các doanh nghiệp chi cho việc hối lộ quan chức gọi là khoản chi phí không chính thức, rất tốn kém, trong đó có cả khoản tiền chi cho các giám đốc gọi là “phần hoa hồng khi ký hợp đồng với các đối tác”. Giá thành hàng hóa cứ thế mà đội lên! Sức cạnh tranh của hàng hóa cứ thế mà đi xuống! Các doanh nghiệp luôn bên bờ vực khó khăn, không loại trừ nguy cơ phá sản! Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào loại trừ tận gốc nạn hoa hồng, lại quả, hối lộ… để đưa lại sức sống cho các doanh nghiệp?

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB), cũng đã giúp chúng ta “khảo sát các vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam dưới góc nhìn của các doanh nghiệp”. Khảo sát của WB lần này không nói chung chung về tệ nạn hối lộ mà đã đi sâu tìm hiểu thực tế để chỉ rõ ra ai đưa hối lộ, ai nhận hối lộ với chứng cứ rõ ràng và địa chỉ rất cụ thể.

Theo đó, có 5 ngành tham nhũng nhiều nhất bị WB chỉ ra là ngành Thuế, Tài chính, Ngân hàng, Kho bạc và Hải quan. Đặc biệt, khảo sát của WB còn cho thấy, trong nhóm các cơ quan đứng đầu về sự nhũng nhiễu gây khó dễ cho các doanh nghiệp thì trước tiên phải kể là Kế hoạch Đầu tư, lần lượt tiếp theo là Ngân hàng, Kho bạc, Tài chính, Thuế, Hải quan, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khu vực… trong đó, ngành Kế hoạch Đầu tư là ngành các doanh nghiệp phải đưa hối lộ nhiều nhất.

Tệ nạn hoa hồng, quà biếu, hối lộ không chỉ các doanh nghiệp, mà cả xã hội, có thể nói là toàn dân ta đang phải chịu đựng và khổ sở vì các hệ lụy của nó. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đại ý rằng, bây giờ động vào việc gì cũng phải tiền, không có tiền để bôi trơn là không xong! Nạn tiêu cực tham nhũng, hối lộ ở nước ta đã ở mức báo động khẩn cấp!

Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cũng như công bố của Cục Phòng chống tham nhũng, đã chỉ ra các cách thức, các địa chỉ cụ thể, các trọng điểm tiêu cực nhất trong việc nhũng nhiễu, hạch sách và ăn hối lộ. Hy vọng từ đây, các doanh nghiệp sẽ có biện pháp hữu hiệu để đối phó với tệ nạn tham nhũng hối lộ và mong rằng, các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, góp phần cùng doanh nghiệp, cùng toàn dân đối mặt với tệ nạn này một cách có hiệu quả hơn…

Thạch Quỳ