10% người Việt bị phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản

08/01/2014 17:05

Trên thế giới hiện có khoảng 600 triệu bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản.

Ở Việt Nam, số liệu từ các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc hai bệnh này vào khoảng từ 6-10%.

Hội chẩn điều trị cho bệnh nhân lao. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Hội chẩn điều trị cho bệnh nhân lao. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Như vậy, ước tính Việt Nam có khoảng 6-8 triệu bệnh nhân mắc hai bệnh lý về hô hấp này. Do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường, tỷ lệ mắc hai bệnh này có chiều hướng gia tăng.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết dự án "Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản" do Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế) tổ chức ngày 8/1.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên khẳng định bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản là hai bệnh lý hô hấp thường gặp nhất. Với chi phí điều trị tiêu tốn hàng chục nghìn tỷ đồng, hai căn bệnh này là gánh nặng lớn cho gia đình và toàn xã hội.

Trước thực trạng đáng lo ngại đó, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ đưa nội dung Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản vào Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2012-2015.

Thứ trưởng mong rằng thời gian tới, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính sẽ hỗ trợ cho dự án triển khai hiệu quả và tiếp tục đưa nội dung phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản và Chương trình mục tiêu quốc gia các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, đề nghị sở y tế các tỉnh có dự án phối hợp với Ban điều hành dự án ở trung ương triển khai kịp thời, hiệu quả và thống nhất các nội dung trong toàn dự án.

Sau ba năm thực hiện, dự án đã được triển khai tại 25 tỉnh, thành phố ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam; tổ chức khám sàng lọc cho hơn 1.000 người dân, phát hiện 823 bệnh nhân trong đó có 311 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 512 người bị hen phế quản.

Dự án cũng đã phối hợp với Hội hô hấp Hà Nội mở lớp đào tạo y khoa liên tục về kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp với 150 học viên; triển khai mạng lưới quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản trên địa bàn các địa phương tham gia dự án với hạt nhân là 42 phòng quản lý đặt tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện lao và bệnh phổi các tỉnh, thành phố...

Năm 2014, dự án tiếp tục duy trì hoạt động tại các tỉnh đã triển khai dự án; dự kiến sẽ mở rộng hoạt động đào tạo, hoàn thiện hoạt động của phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; duy trì khám sàng lọc hai căn bệnh này ở trung ương.../.

Theo TTXVN