Nam Sudan đối mặt với nguy cơ nội chiến
(Baonghean) - Trong thời điểm này, Nam Sudan đang đứng trước nguy cơ nội chiến và một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, khi giao tranh giữa quân đội chính phủ và các nhóm vũ trang bùng phát mạnh. Vậy là sau 2 năm rưỡi tách khỏi Sudan để trở thành quốc gia độc lập, Nam Sudan vẫn là một đất nước nghèo đói và bất ổn do xung đột sắc tộc và tranh giành quyền lực. Đây thực sự là bài toán không dễ giải quyết đối với quốc gia non trẻ nhất thế giới này.
(Baonghean) - Trong thời điểm này, Nam Sudan đang đứng trước nguy cơ nội chiến và một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, khi giao tranh giữa quân đội chính phủ và các nhóm vũ trang bùng phát mạnh. Vậy là sau 2 năm rưỡi tách khỏi Sudan để trở thành quốc gia độc lập, Nam Sudan vẫn là một đất nước nghèo đói và bất ổn do xung đột sắc tộc và tranh giành quyền lực. Đây thực sự là bài toán không dễ giải quyết đối với quốc gia non trẻ nhất thế giới này.
ình hình xung đột tại Nam Sudan leo thang nghiêm trọng trong những ngày trở lại đây khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Đã có ít nhất 500 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua. Khi các nhóm vũ trang chiếm giữ được một số địa bàn trọng yếu tại Nam Sudan như các bang Jonglei, Unity… tình hình giao tranh càng trở nên dữ dội hơn, bởi quân đội chính phủ đang tăng cường lực lượng nhằm giành lại quyền kiểm soát các khu vực này.
Quân chính phủ Nam Sudan. Ảnh: Reuters |
Nguyên nhân của tình trạng hiện nay là do mâu thuẫn phe phái và sắc tộc đã âm ỉ từ lâu. Hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã quyết định giải tán Nội các và cách chức Phó Tổng thống Riek Machar với lý do ông này công khai chỉ trích chính phủ và bị cáo buộc có âm mưu đảo chính. Quyết định này đã châm ngòi cho xung đột giữa hai nhóm binh sỹ - một thuộc bộ tộc Dinka trung thành với Tổng thống Salva Kiir và một thuộc bộ tộc Nuer của cựu Phó Tổng thống Riek Machar. Và hậu quả là Nam Sudan rơi vào tình trạng an ninh mất kiểm soát. Nhiều nước như Mỹ, Anh, Đức… đã cử máy bay tới sơ tán công dân khỏi Nam Sudan, song các máy bay này cũng đang trở thành mục tiêu bị tấn công. Đơn cử như 1 máy bay của Mỹ hôm 21/12 đã bị trúng đạn làm 4 binh sĩ Mỹ bị thương. Thậm chí căn cứ của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan cũng bị tấn công vào hôm 19/12.
Rõ ràng, Nam Sudan đang đứng trước một bài toán khó bởi câu chuyện mâu thuẫn sắc tộc và tranh giành quyền lực không dễ được giải quyết trong “một sớm một chiều”. Song nếu tình trạng bạo lực tiếp diễn, Nam Sudan sẽ rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu. Nhìn lại thời điểm cách đây gần 2 năm rưỡi, khi Nam Sudan tách khỏi Sudan để trở thành một quốc gia độc lập, người dân Nam Sudan những tưởng đã chấm dứt được 2 thập kỷ chiến tranh, song dường như họ chỉ bước từ “thảm kịch” này sang một “thảm kịch” khác mà ở đó vẫn là xung đột và đổ máu.
Phải thừa nhận rằng hai năm rưỡi là khoảng thời gian quá ngắn ngủi để làm nên sự đổi thay tại một quốc gia non trẻ như Nam Sudan. Cho tới nay, Nam Sudan vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, với nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ, trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào “người láng giềng trung chuyển” là Sudan. Khó khăn về kinh tế cộng với các mối bất hòa về chính trị sẽ trở thành hai gọng kìm siết chặt, khiến Nam Sudan khó “gượng dậy” trên chặng đường đầy chông gai nhằm ổn định an ninh và xây dựng đất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, con đường duy nhất giúp quốc gia này chấm dứt xung đột vẫn là tìm kiếm cơ hội hòa giải dân tộc. Có lẽ chính quyền Nam Sudan cũng nhận thức rõ điều này, nên Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir mới tuyên bố: ông nhất trí tham dự một cuộc “đối thoại vô điều kiện” với phe chống chính phủ. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc và Mỹ cũng đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình nhằm ổn định tình hình tại quốc gia Đông Phi này. Các nước láng giềng của Nam Sudan như Uganda, Kenia, Etiopia… cũng đã đề xuất vai trò trung gian hòa giải để tránh cho cuộc khủng hoảng tại Nam Sudan lan rộng ra toàn khu vực. Những điều này thực sự mở ra cơ hội để các phe phái tại Nam Sudan ngồi vào bàn đàm phán, chấm dứt sự thù địch. Quan trọng là các phe phái tại Nam Sudan có chớp được thời cơ để thoát ra khỏi cái bóng của nội chiến hay không!
Vũ Thu Hà