Cần có những chính sách đầu tư dài hạn
(Baonghean) - Phát triển kinh tế biển là một trong những nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, lĩnh vực này tuy đã đạt được những kết quả khả quan song vẫn còn rất nhiều hạn chế và đang cần được sự đầu tư, hỗ trợ để phát triển một cách tương xứng.
(Baonghean) - Phát triển kinh tế biển là một trong những nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, lĩnh vực này tuy đã đạt được những kết quả khả quan song vẫn còn rất nhiều hạn chế và đang cần được sự đầu tư, hỗ trợ để phát triển một cách tương xứng.
Kết quả của sự nỗ lực
Nếu so với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ thì Nghệ An là một tỉnh có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển. Vùng biển có hải phận rộng 4.230 hải lý vuông, bờ biển dài 82 km từ Cửa Hội (Thị xã Cửa Lò) đến Quỳnh Lập (Thị xã Hoàng Mai). Biển Nghệ An là nơi tập trung nhiều loài hải sản có giá trị cao, phong phú. Vùng ven biển thuộc 6 huyện, thị, gồm: TP Vinh, Thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai. Là vùng có nhiều bến cảng, cửa lạch: Cảng Cửa Lò, 3 cảng cá, gồm: Cửa Hội (Thị xã Cửa Lò), Lạch Vạn (Diễn Châu), Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) và 4 bến cá, gồm: Nghi Thủy, Nghi Tân (Thị xã Cửa Lò), Lạch Cờn, Lạch Thơi (Sơn Hải, Quỳnh Lưu). Đây là vùng kinh tế năng động có tiềm năng phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và phát triển du lịch thương mại.
Bên cạnh đó, Nghệ An có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông, hạ tầng, lao động, nguyên liệu, cộng với việc Nghệ An được Chính phủ chọn là trung tâm kinh tế, chính trị Bắc miền Trung. Trong đó, có Khu kinh tế Đông Nam với hệ thống khu công nghiệp, khu chế xuất, khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng, khu đô thị, dịch vụ... Sự phong phú, đa dạng của các loại hình sản xuất trong KKT Đông Nam sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có nhiều sự lựa chọn để đầu tư loại hình kinh doanh phù hợp với thế mạnh của mình.
Phát triển kinh tế biển trong những năm qua là lĩnh vực quan trọng được tỉnh quan tâm và đạt được nhiều kết quả tốt. Trong đó, ngành khai thác thủy hải sản ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 4.000 phương tiện khai thác hải sản, trong đó có trên 1.100 phương tiện có công suất trên 90CV. Sản lượng khai thác ngày một tăng lên và trong đó có nhiều sản phẩm có giá trị. 10 tháng đầu năm 2013, sản lượng khai thác ước đạt 65.000 tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2012.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân tại các huyện ven biển đã mạnh dạn vay vốn đóng mới, cải hoán tàu có công suất lớn để chuyển đổi nghề, vươn khơi bám biển. Nhiều địa phương đang đẩy mạnh phát triển ngành khai thác trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thúc đẩy các ngành, nghề khác phát triển.
Ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai) cho biết: Đối với Quỳnh Phương, ngành khai thác hải sản là ngành có vị trí quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất của địa phương. Toàn phường hiện có 640 phương tiện, trong đó có 181 phương tiện có công suất trên 90CV. Toàn phường đã hình thành được 22 tổ hợp liên kết cùng khai thác và hỗ trợ nhau trên biển. Nhiều phương tiện của ngư dân tham gia trong những vùng đánh cá chung, vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa giữ gìn an ninh, quốc phòng.
Thu hoạch tôm tại Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu). |
Khai thác, đánh bắt phát triển đã kéo theo ngành chế biến hải sản phát triển và ngày càng đóng một vai trò lớn trong đời sống của người dân. Tại các địa phương như: Quỳnh Phương, Quỳnh Dị (Thị xã Hoàng Mai), Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), Diễn Bích, Diễn Ngọc (Diễn Châu), Nghi Tân, Nghi Thủy, Cửa Hội (Cửa Lò)..., dịch vụ chế biến hải sản ngày càng nở rộ và phát triển mạnh. Sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng và có giá trị cao với công nghệ, thiết bị hiện đại. Hệ thống chế biến hải sản nhân dân phát triển mạnh với hàng loạt cơ sở cấp đông, chế biến bột cá, sản xuất nước mắm. Nhiều làng nghề chế biến hải sản ở các địa phương như Quỳnh Dị, Diễn Bích, Cửa Hội mỗi năm sản xuất được khoảng 25 triệu lít nước mắm chất lượng. Nhiều sản phảm đã vượt ra khỏi thị trường trong tỉnh, trong nước để đến với những đối tượng khách hàng khó tính, có tiềm năng. Sản phẩm của người dân đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc... Các cơ sở chế biến hải sản đã giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và kéo theo các ngành nghề dịch vụ, thương mại phát triển. 10 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh xuất khẩu được gần 15.000 tấn thủy sản.
Đánh giá sự nỗ lực, mạnh dạn đầu tư sản xuất của người dân có lẽ phải nhắc đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Từ mô hình nuôi quảng canh, đối tượng chủ yếu là tôm sú thì đến đầu năm 2000, Nghệ An được đánh giá là vùng nuôi trồng thâm canh lớn, đối tượng tôm thẻ chân trắng có hiệu quả kinh tế cao. Tổng diện tích nuôi tôm của toàn tỉnh đạt 1.700 ha, trong đó có 2 địa phương phát triển mạnh là Quỳnh Lưu và Hoàng Mai. Hiện nay, ao đầm của người dân đã được đầu tư xây dựng kiên cố bằng xi măng, hệ thống điện, máy đã đầy đủ. Hàng trăm hộ “phất” lên nhờ nghề nuôi tôm và nhiều địa phương đã xây dựng, quy hoạch được những vùng nuôi thâm canh có diện tích lớn.
Ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp) cho biết: Trong những năm gần đây, cùng với sự đầu tư của Nhà nước và người nuôi tôm, hệ thống ao đầm nuôi tôm được xây dựng kiên cố, hiện đại và đáp ứng tốt tình hình sản xuất. Cùng với đó là hệ thống các trại ương gièo được mở rộng và thu hút nhiều doanh nghiệp cùng tham gia vào đầu tư. Sản lượng tôm thâm canh của toàn tỉnh trung bình đạt khoảng 7.000 tấn, có những năm đạt trên 9.000 tấn, giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Cùng với đó, sản lượng nuôi trồng nước ngọt hằng năm đạt trên 30.000 tấn, giúp nâng cao đời sống cho hàng ngàn hộ dân tại nhiều địa phương.
Còn nhiều hạn chế
Những kết quả trên là sự cố gắng của người dân, nỗ lực của các cấp chính quyền, ban ngành chuyên môn. Tuy nhiên, trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm sự của các ngư dân bám biển thấy rằng, họ đang còn gặp rất nhiều khó khăn cần được các cấp, các ngành giúp đỡ. Điều người dân lo lắng nhất chính là nơi tránh trú, neo đậu mỗi khi gió bão ập về. Tại nhiều địa phương, hệ thống cảng tránh trú bão chưa được xây dựng, hoàn thiện nên hiện tượng tàu bị chìm, va đập gây hư hỏng là điều xảy ra hằng ngày. Khi có bão, hàng trăm tàu thuyền công suất lớn ở Cửa Hội, Cửa Lò phải “tháo chạy” lên khu vực gần cầu Bến Thủy để tránh bão. Luồng lạch thì bồi lắng đang kìm hãm sự ra khơi của ngư dân. Như tại huyện Diễn Châu, do lạch Vạn bị bồi lắng nên ngư dân không dám đóng tàu có công suất trên 125CV.
Tại phường Nghi Thủy, do bất cập trong việc xây cầu cảng nên mỗi khi tàu thuyền về, ngư dân phải thuê thuyền nhỏ ra tăng bo đưa cá lên bờ bán. Sự phát triển quá nhanh của các phương tiện khai thác đã bộc lộ những hạn chế, thiếu thốn của dịch vụ hậu cần tại các cảng cá, bến cá. Tất cả các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh đều đã rơi vào tình trạng quá tải, xuống cấp, cầu cảng ngắn nên các tàu phải đợi, tranh giành nhau nếu muốn vào cảng sớm để bán cá được giá. Hệ thống dịch vụ như xăng, đá lạnh, nước sạch, điện, kho bảo quản... thiếu trầm trọng nên kìm hãm sự phát triển của nghề và làm giảm sút chất lượng sản phẩm.
Ngư dân phường Nghi Thủy (TX. Cửa Lò) vá lưới chuẩn bị cho chuyến vươn khơi. |
Nỗ lực, cố gắng là thế nhưng trong vòng 2 năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản vẫn thất thu lớn do dịch bệnh, thiên tai tàn phá. Năm 2012, toàn tỉnh có hơn 200 ha tôm bị nhiễm dịch do Hội chứng hoại tử gan tụy. Ngành chuyên môn đã thực hiện nhiều giải pháp phòng chống bệnh, UBND tỉnh đã cấp 38 tấn Clorin để dập dịch song dịch bệnh vẫn gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm. Sản lượng nuôi tôm toàn tỉnh năm 2012 chỉ đạt 4.900 tấn, bằng 80% so với kế hoạch.
Bước sang năm 2013, người nuôi tôm phải “khóc ròng” khi hàng trăm ha nuôi tôm trôi theo dòng nước lũ sau khi hồ Vực Mấu xả lũ vào đầu tháng 10. Hàng trăm tỷ đồng của người nông dân trôi ra sông, ra biển trong sự tiếc nuối khi có nhiều đầm tôm đã đến thời kỳ thu hoạch. Khó khăn chồng chất khó khăn khi người dân không biết lấy đâu ra vốn để khôi phục sản xuất, nợ ngân hàng và công ty thức ăn đang treo lơ lửng trên đầu. Mỗi khi đến thời điểm cho vụ nuôi mới, vấn đề quản lý chất lượng con giống được đặt ra và quan tâm đặc biệt. Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/2012/CT-UBND ngày 5/1/2012 nhưng việc quản lý, kiểm dịch chất lượng tôm giống còn gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn còn lỏng lẻo, sự chấp hành của người dân chưa cao... Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng vùng nuôi còn nhiều bất cập như hệ thống kênh lấy, thoát nước còn dùng chung, môi trường bị ô nhiễm... đã khiến cho công tác nuôi trồng gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù kinh tế biển đóng một vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh nhưng nhận thức về kinh tế biển, vai trò của biển về kinh tế cũng như an ninh, quốc phòng của các cấp, các ngành và nhân dân chưa thật đầy đủ. Chính vì thế, những năm qua, sự đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế biển còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Từ đây, hiệu quả mang lại còn thấp, chưa được khai thác triệt để, nhất là đối với khai thác hải sản xa bờ, công nghiệp đóng tàu, phát triển rừng ngập mặn và các hoạt động dịch vụ khai thác liên quan đến biển, ven biển còn phát triển chậm và đầu tư chưa đúng mức. Hoạt động dịch vụ chế biến còn manh mún, nhỏ lẻ, thương hiệu yếu, chưa bền vững. Tuy giá trị xuất khẩu có tăng nhưng tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp nhỏ, chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Những hạn chế đó đã khiến cho đời sống của người dân vùng ven biển còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, trong thời gian tới, để phát triển kinh tế biển một cách bền vững, các cấp, ngành cần đầu tư, mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất giống tập trung để chủ động về giống cho nhu cầu sản xuất, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghề cá, kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền công suất lớn. Bên cạnh đó, việc đầu tư chiều sâu ở các cơ sở chế biến đã có và xây dựng mô hình áp dụng quy trình quản lý hiện đại, nâng cao chất lượng, từng bước hình thành các trung tâm chế biến thủy sản. Cùng với đó, xúc tiến, vận động và tạo môi trường thuận lợi để kêu gọi các dự án đầu tư vào kinh tế biển để phát huy hết những tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Phạm Bằng