Một cuộc đình công không đáng có

22/07/2013 17:58

(Baonghean) - Cuộc đình công tự phát của gần 2.800 công nhân Công ty may Prex Vinh (Hàn Quốc) đóng tại địa bàn xã Lạc Sơn (Đô Lương) xẩy ra vào ngày 17/7 vừa qua lại thêm một lần cảnh báo về việc sử dụng lao động Việt Nam trong các công ty nước ngoài.

Để giải quyết vụ việc, lãnh đạo huyện Đô Lương đã thành lập đoàn công tác do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu cùng đại diện Công an huyện, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Liên đoàn Lao động huyện đã làm việc với Ban Giám đốc Công ty may Prex Vinh.

Sáng 19/7, đoàn cán bộ của UBND tỉnh do đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã về làm việc với UBND huyện Đô Lương và Công ty may Prex Vinh. Buổi làm việc đã cơ bản thống nhất hướng giải quyết 9 nội dung yêu cầu của công nhân với Công ty. Mặc dù cuộc đình công xẩy ra trong thời gian ngắn, chưa gây hậu quả gì nghiêm trọng cho Công ty nhưng dư luận cho rằng để xẩy ra cuộc đình công này là điều đáng tiếc.

Cách đây hơn một tuần lễ, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Nghệ An được tổ chức long trọng tại Thủ đô Hà Nội trong niềm phấn khởi thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên, mở ra triển vọng mới trong thu hút đầu tư Hàn Quốc vào Nghệ An. Hiện nay, Hàn Quốc là nước đứng đầu về số dự án đầu tư vào Nghệ An với 11 dự án, tổng vốn đầu tư gần 61 triệu USD.

Công ty may Prex Vinh có số vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất của Tập đoàn KIDO Hàn Quốc, với 2 phân xưởng may có 36/48 chuyền may đã đi vào hoạt động, năm 2012 xuất khẩu trên 200 ngàn sản phẩm may mặc cao cấp trị giá tương đương gần 1 triệu USD. Công ty đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động của huyện Đô Lương và các huyện lân cận, nhiều con em Nghệ An làm ăn ở ngoài tỉnh cũng đã về làm việc tại Công ty. Trong bối cảnh có nhiều triển vọng như vậy mà để xẩy ra cuộc đình công như vừa qua là điều thật đáng tiếc.

Từ cuộc đình công trên đây, lãnh đạo Công ty Prex Vinh phải xem lại cách sử dụng lao động và thái độ đối xử với người lao động. Hầu hết công nhân vào làm việc tại Công ty đều là lao động phổ thông ở nông thôn, chưa được đào tạo nghề, chưa quen với tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật chưa nghiêm, cách ứng xử có thể cứng nhắc. Bởi vậy, Công ty cần đào tạo nghề, rèn luyện ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp cho họ, đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, không được đối xử thiếu văn hóa với công nhân, vừa gây bức xúc vừa làm xấu đi hình ảnh nhà đầu tư.

Về phía người lao động Nghệ An làm việc trong Công ty cũng phải xem xét lại chính mình. Đòi hỏi quyền lợi là yêu cầu chính đáng của người lao động, nhưng đi đôi với quyền lợi phải làm tròn nghĩa vụ đối với Công ty theo hợp đồng lao động. Là những lao động xuất thân từ nông dân, phải biết rõ hạn chế của mình để rèn luyện tác phong trong môi trường công nhân. Phải nỗ lực học hỏi để nâng cao tay nghề, chấp hành nghiêm kỷ luật lao động từ những hành vi nhỏ nhất để rèn luyện tác phong công nghiệp. Là người Nghệ, mỗi công nhân phải biết tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương mình để trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được có hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Đối với gia đình và chính quyền địa phương, đừng nghĩ rằng đưa được con em vào làm việc trong nhà máy là yên tâm mà phải tiếp tục giáo dục để con em mình trở thành những công nhân lành nghề và có phẩm chất văn hóa cao.

Sau cuộc đình công, mọi vấn đề trong quan hệ lao động chắc sẽ được giải quyết ổn thỏa, nhưng dù sao đây cũng là cuộc đình công không đáng có. Để xẩy ra cuộc đình công này, từ chủ sử dụng lao động đến các cơ quan quản lý của địa phương và người lao động đều có lỗi. Mong rằng, những cuộc đình công không đáng có như vậy đừng tiếp tục xẩy ra.


Trần Hồng Cơ