Rà soát tổng thể công trình dùng vốn trái phiếu CP

08/06/2013 14:56

Quốc hội đã dành cả ngày 7/6 tại hội trường để thảo luận về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012.



Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận chiều 7/6. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết hầu hết các đại biểu quốc hội đồng tình với việc Chính phủ, Quốc hội quyết định chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các lĩnh vực công trình dự án quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên phạm vi của cả nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần có rà soát tổng thể các công trình sử dụng trái phiếu Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo báo cáo số 196/BC-CP ngày 17-5-2013 của Chính phủ, trong giai đoạn 2006-2012, đã bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện 2.682 dự án với tổng mức đầu tư ban đầu là 409.415 tỷ đồng. Tính đến thời điểm giao kế hoạch năm 2012, các dự án nêu trên đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 684.794,5 tỷ đồng và đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 2.029 dự án đạt 70% trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế và giáo dục đào tạo.

Về cơ bản các bộ, ngành và địa phương đã chấp hành các quy định về sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các dự án hoàn thành phát huy hiệu quả đang được khai thác sử dụng góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là các địa phương khó khăn và vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh sự đồng tình với những kết quả đã đạt như báo cáo đã nêu các đại biểu cũng cho rằng, việc triển khai thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như việc điều chỉnh tăng mức đầu tư quá lớn ở hầu hết các dự án dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn, nhiều dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng giá, điều chỉnh yếu tố kỹ thuật, tăng quy mô chưa hợp lý, không đúng với quy định của pháp luật.

Việc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2006-2012 còn dàn trải; bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án và tổng mức đầu tư tăng nhanh, dẫn đến thiếu vốn; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực. Cơ chế phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể mà phân bổ theo dự án, dẫn tới chưa thực sự công bằng giữa các vùng, miền, giữa các địa phương, dễ tạo ra cơ chế “xin-cho;” nhiều dự án chưa bảo đảm tính cấp bách, cần thiết phải đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo mục tiêu ban đầu mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định.

Để sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ có hiệu quả, các đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Cạn), Nguyễn Thị Kim Tiến (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ, Quốc hội nên xem xét, ưu tiên phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng hoặc tăng tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 để tiếp tục đầu tư các dự án, công trình dở dang đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả cao. Nhất là ưu tiên cho các dự án đang bị cắt giảm, giãn hoãn tiến độ tại các địa phương, các tỉnh miền núi, biên giới, vùng đồng báo dân tộc thiểu số.

Cùng với việc thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra, quản lý sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền, đề nghị kiểm toán nhà nước trên cơ sở nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội hàng năm để lựa chọn chuyên đề kiểm toán toàn diện và gửi báo cáo kết quả kiểm toán để cung cấp căn cứ cho đại biểu Quốc hội, có thông tin để thảo luận kết quả giám sát chuyên đề tại kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) cho rằng, Quốc hội nên xem xét đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vào trong cân đối ngân sách Nhà nước để việc quản lý, sử dụng vốn này được chặt chẽ, có cơ sở pháp lý vững chắc và phản ánh đúng bản chất của nguồn vốn này.

Đại biểu Ly Kiều Vân (đoàn Quảng Trị), Nguyễn Hữu Đức (đoàn Bình Định) đề nghị, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thực chất trong việc rà soát, đánh giá xác định rõ danh mục các dự án đã được bố trí đủ vốn trái phiếu Chính phủ, đầu tư hoàn thành danh mục các dự án chưa được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để huy động nguồn khác và danh mục các dự án thực hiện phân kỳ đầu tư và đến điểm dừng kỹ thuật có đủ vốn và bảo đảm phát huy hiệu quả. Trên cơ sở đó sớm hình thành phương án bổ sung phù hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định với tinh thần đầu tư dứt điểm, không để lãng phí, thất thoát.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hữu Đức đề nghị thêm, nên ưu tiên sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2011-2015 khoảng hơn 7.500 tỷ đồng cho một số dự án đang triển khai thực hiện còn thiếu vốn và gắn với mục tiêu chính của chương trình này như đường trung tâm huyện, xã, bệnh viện huyện, các dự án công trình thuỷ lợi đang đầu tư dở dang kể cả những dự án công trình của cấp bộ ở trên địa phương.

Bày tỏ sự đồng tình với các đề nghị trên, đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đề nghị Quốc hội đưa vốn trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách nhà nước quản lý theo luật định. Quốc hội ban hành nghị quyết từng lĩnh vực này và rà soát tổng thể các công trình đã được sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời đối với công trình dở dang, ưu tiên kinh phí dự phòng để chống lãng phí.

Nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế trong việc bố trí nguồn vốn trái phiếu Chinh Chính phủ, Bộ trưởng Bộ kế hoạchvà Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết chương trình này hơi dài (khoảng 7 năm) nên tồn tại nhiều vấn đề. Chính phủ đã nhìn nhận được vấn đề này và có giải pháp quyết liệt để khắc phục.

“Từ năm 2003 đến nay, chương trình này đã góp phần quan trọng tạo nên thay đổi diện mạo từ thành thị đến nông thôn. Vì vậy, cần phải đánh giá đúng mức vấn đề này để có cái nhìn đúng cho giai đoạn tiếp theo.”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, tính đến hết năm 2011, tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh trong vốn Trái phiếu Chính phủ dành cho giao thông vận tải là 111.675 tỷ, tăng 44.448 tỷ so với ban đầu. Tăng chủ yếu do thay đổi thể chế, chính sách, giá nguyên vật liệu tăng, giải phóng mặt bằng, bổ sung một số hạng mục theo chỉ đạo của Chính phủ, xử lý kỹ thuật khi thi công….

Còn theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mức phê duyệt phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ cho ngành Y tế là 46.628 tỷ đồng cho 856 dự án. Trong đó có 845 dự án cho địa phương và 11 dự án cho Trung ương, nhưng thực cấp chỉ có 23.200 tỷ (đạt 49% của tổng số 46.628 tỷ được phê duyệt), chiếm 15% tổng số nguồn toàn bộ vốn Trái phiếu Chính phủ cho tất cả các hoạt động.

Bộ trưởng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tiếp tục bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình dang dở như vấn đề xây dựng cơ bản, trang thiết bị; tăng cường trạm y tế xã cho các huyện vùng sâu, vùng xa, đối với các công trình trọng điểm.../.


Theo (TTXVN) - L.T