Cái cột mỡ hay củ cà rốt?

12/03/2014 17:46

(Baonghean) - Khi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng, hàng trăm nghìn tỷ đồng bị chôn chặt một chỗ, kéo theo bao hệ lụy cho nền kinh tế và tạo ra những áp lực nặng nề về mặt xã hội. Đã có nhiều đề xuất, kiến nghị Chính phủ ra tay giải cứu, tháo gỡ tình trạng này.

(Baonghean) - Khi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng, hàng trăm nghìn tỷ đồng bị chôn chặt một chỗ, kéo theo bao hệ lụy cho nền kinh tế và tạo ra những áp lực nặng nề về mặt xã hội. Đã có nhiều đề xuất, kiến nghị Chính phủ ra tay giải cứu, tháo gỡ tình trạng này.

Thế rồi gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản được tung ra. Thoạt đầu, các doanh nghiệp bất động sản và cả những người dân chưa có nhà ở đặt khá nhiều niềm tin và hy vọng vào gói tín dụng này có thể đem lại những đổi thay tích cực. Niềm mơ ước có một chỗ để “chui ra, chui vào” của không ít người có cơ hội trở thành hiện thực. Thế nhưng, niềm tin và hy vọng vào gói tiền khổng lồ đó ngày càng tụt giảm và cho đến nay trở thành một mối băn khoăn lớn cho rất nhiều người. Một câu hỏi đã được đặt ra và ngày càng lớn dần lên. Đó là, có hay không có gói “cứu trợ khủng” đó?

Câu hỏi đó hoàn toàn có lý. Vì cho đến nay, tất cả đều mới chỉ nghe phong phanh về nó mà chưa một ai được “thực mục sở thị” núi tiền đó. Lý giải về vấn đề này, những người có trách nhiệm và các cơ quan có liên quan cho rằng, không có chuyện dồn cả đống tiền đó lại một chỗ rồi chỉ chuyên cho người mua nhà đủ điều kiện theo quy định vay. Làm thế thì sẽ lãng phí vì không phải ngay một lúc giải ngân được hết nên phải để nằm trong các tổ chức tín dụng. Mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước. Chính phủ cam kết qua Ngân hàng Nhà nước, khi người dân đảm bảo các thủ tục mua nhà thì được giải ngân bằng cách Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho vay. Nhưng cho đến nay, chỉ mới có một phần rất nhỏ của “cái gói” đó được giải ngân theo kiểu nhỏ giọt.

Theo thông tin được đăng tải trên báo chí thì tính đến ngày 15/2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp với số tiền 1.466,5 tỷ đồng, các ngân hàng đã giải ngân cho 11 doanh nghiệp với số tiền là 536,5 tỷ đồng. Đối với hộ gia đình cá nhân, 5 ngân hàng đã cam kết cho vay 2.275 khách hàng cá nhân với số tiền là 821,3 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ 550,5 tỷ đồng. Mới đây, trong phiên thẩm tra về Luật Nhà ở, một Đại biểu quốc hội đã đánh giá tốc độ giải ngân trong thời gian qua là “quá thấp”. Còn một doanh nhân tính toán, với đà này thì phải mất cỡ khoảng 32 năm tương đương với gần nửa đời người mới giải ngân hết gói tiền đó.

Lý giải cho sự chậm trễ này, phía các ngân hàng cho biết: “Hầu như khách hàng vẫn chưa thể hoàn thiện hồ sơ vì vướng mắc ở những khâu xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện ở và mức thu nhập thấp”. Như vậy là sự khó khăn, chậm trễ trong việc giải ngân gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng rút cục lại được đẩy về phía người dân và chính quyền cấp cơ sở. Còn tất cả đều vô can. Chính vì sự loanh quanh, không rõ ràng về trách nhiệm và chủ thể dẫn đến sự bế tắc, chậm trễ việc giải ngân đã khiến không ít người nảy sinh suy nghĩ: gói tín dụng khổng lồ đó, thật ra là phần thưởng đặt trên cái cột mỡ để tạo động lực cho người leo để rồi leo hoài mà không tới. Hay đó là củ cà rốt treo trước miệng con lừa để nó luôn gắng sức bước về phía trước và kéo cả cỗ xe nặng đi theo. Có điều, “cỗ xe” bất động sản quá nặng nên sức ì rất lớn vì thế mà “củ cà rốt” dù rất to và rất ngon nhưng vẫn không đủ để dịch chuyển cỗ xe.

Rút cục thì gói tín dụng này là thật hay chỉ là cái cột mỡ hoặc củ cà rốt?

Duy Hương