Công tác dân vận và trách nhiệm của cơ quan chính quyền

15/10/2013 17:05

(Baonghean) - Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nội dung của nó là rất rộng lớn nhưng trọng tâm được xác định là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trách nhiệm dân vận là của cả hệ thống chính trị nhưng chủ yếu phải do các cơ quan nhà nước thực hiện.

Trên thực tế, quá trình thực hiện chức năng của mình, tự thân các cơ quan chính quyền đã triển khai khối lượng lớn về công tác dân vận; phần đông cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan chính quyền ý thức được trách nhiệm của mình đối với công tác vận động nhân dân và chính họ hàng ngày đang thực hiện công tác dân vận.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa nhận thức đến độ trách nhiệm đó mà thường nghĩ rằng, dân vận là việc của cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về công tác dân vận cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự thống nhất chung trong nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về trách nhiệm dân vận của các cơ quan chính quyền để từ đó từng tổ chức, cá nhân xác định rõ hơn, cụ thể hơn nhiệm vụ của mình đối với công tác vận động nhân dân.

Đồng thời, xác định rõ nội dung trọng tâm công tác vận động nhân dân là cơ sở để xác định trách nhiệm của từng tổ chức trong hệ thống, để từ đó có sự đầu tư đúng mức, đúng trọng điểm, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chung về dân vận.

Nghị quyết của Trung ương 7 nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, với rất nhiều nội dung về công tác vận động nhân dân, nội dung nào cũng quan trọng và liên quan mật thiết với nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ chúng ta thấy Trung ương đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đảm bảo chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bác Hồ nói “Thành công của Đảng là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”. Mà việc phát huy sức mạnh của nhân dân phải bắt từ dân chủ, gắn chăm lo lợi ích thiết thực của nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, những nội dung này phải được xem là trọng tâm, quan trọng hàng đầu của công tác vận động nhân dân.

Cán bộ xã Tam Hợp (Tương Dương) vận động bà con bản Phà Lõm xây dựng đời sống văn hóa. Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ xã Tam Hợp (Tương Dương) vận động bà con bản Phà Lõm xây dựng đời sống văn hóa. Ảnh: Thanh Lê

Mục tiêu công tác dân vận của Đảng nói chung là nhằm tạo lòng tin của dân với Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Trong khi đó, mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng hàng ngày lại chủ yếu thông qua chính quyền, biểu hiện qua quan hệ với chính quyền. Bởi vì hoạt động của chính quyền tự nó tác động trực tiếp, thường xuyên đến cuộc sống của nhân dân. Chính quyền xây dựng và ban hành được chính sách hợp lòng dân đồng thời tổ chức triển khai tốt các chính sách đó là yếu tố cơ bản để xây dựng niềm tin của nhân dân với chính quyền, với Đảng.

Ngược lại, việc chính quyền ban hành và thực hiện chủ trương kém, thiếu thực tế, ảnh hưởng đến lợi ích của dân chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng lòng tin của dân đối với chính quyền và đương nhiên, làm giảm lòng tin giữa nhân dân với Đảng. Yếu tố dân vận phải được cơ quan chức năng đưa vào ngay từ khâu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách. Chính sách đúng, sát thực tế, hợp lòng dân thì dễ triển khai, dễ vận động nhân dân thực hiện. Ngược lại, chính sách kém, không phù hợp lợi ích. Xét từ quan điểm công tác dân vận: “Động lực thúc đẩy phong trào của nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân” chúng ta càng thấy rõ vai trò của chính quyền các cấp trong công tác dân vận. Việc xây dựng, phát động các phong trào hành động cách mạng của nhân dân chỉ thành công khi nội dung, phương pháp thực hiện phong trào phải hướng mục tiêu chăm lo lợi ích thiết thực của nhân dân.

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; thực hiện xóa đói, giảm nghèo; chú trọng chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, chính sách ưu đãi người có công; điều hòa lợi ích giữa các thành phần trong xã hội, các vùng, miền có các lợi thế phát triển khác nhau. Những chủ trương, chính sách đó góp phần to lớn trong việc tạo đồng thuận xã hội, dân ơn Đảng và dân tin Đảng. Cùng với việc chăm lo lợi ích vật chất của nhân dân là việc Nhà nước ban hành và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cở sở ở xã, phường, thị trấn, ở cơ quan, doanh nghiệp… tạo cơ chế để nhân dân bàn bạc, tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, khơi dậy và phát huy tốt hơn sức mạnh của nhân dân. Tóm lại, xét cả về mục tiêu quan điểm và nội dung thì chính quyền có trách nhiệm rất lớn trong công tác dân vận và thực tế chính quyền các cấp đã thực hiện một khối lượng lớn về công tác dân vận.

Điều này là dễ hiểu nhưng không hẳn đã có nhận thức thống nhất. Không ít cán bộ trong các cơ quan chính quyền nhận thức chưa đầy đủ trách nhiệm này, có những người nhận thức được nhưng lại phó thác cho người khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 xác định “Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm vận động nhân dân. Xây dựng và thực hiện phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Các cơ quan chính quyền có trách nhiệm lớn trong công tác dân vận thì mỗi cán bộ, công chức của cơ quan chính quyền phải làm công tác dân vận, phải có trách nhiệm và thái độ ứng xử đúng mực với nhân dân, tôn trọng nhân dân. Công chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, ăn lương do Nhà nước trả, đó là tiền thuế do dân đóng góp, suy cho cùng là nhân dân bỏ tiền ra thuê mình để mình phục vụ lợi ích của nhân dân. Phải đấu tranh loại bỏ mọi suy nghĩ cho rằng công chức chính quyền làm việc như là để ban phát cho dân, từ đó nảy sinh tư tưởng hành động nhũng nhiễu, cửa quyền, sách nhiễu dân; tự biến nghĩa vụ công chức thành quyền lực để thu quyền lợi cho riêng mình. Phục vụ nhân dân không phải là khẩu hiệu tuyên truyền mà đó là (phần lớn) nhiệm vụ của chính quyền, của cán bộ, công chức trong cơ quan chính quyền. Đặc biệt, đối với cán bộ trong các cơ quan thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân thì công tác dân vận lại càng có ý nghĩa quan trọng.

Nguyễn Quang Tùng (Phó Bí thư Đảng ủy Khối CCQ tỉnh)