Phú Sơn: Nuôi lợn Móng Cái cho hiệu quả cao

22/10/2013 16:19

(Baonghean) - Bằng nguồn vốn của Hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn từ Chương trình 135/CP, tháng 6/2012, Phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ thực hiện cấp phát giống lợn Móng Cái cho đồng bào các dân tộc ở xã Phú Sơn, với số lượng 48 con. Đến nay, hầu hết các gia đình được nhận lợn về nuôi đều phát huy hiệu quả...

Để lợn giống được cấp phát đúng đối tượng, trước khi thực hiện chương trình này, những xóm được nhận lợn phải tổ chức họp dân để bình bầu những hộ thuộc diện được nhận lợn. Sau khi các xóm thống nhất đối tượng được nhận lợn, huyện tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn nái, kèm theo đó mỗi hộ được hỗ trợ 1 con lợn nái Móng Cái có trọng lượng từ 15-20 kg. Trước khi cấp phát lợn cho người dân nuôi, cán bộ trạm thú y thực hiện tiêm phòng vắc xin các loại bệnh thường gặp ở lợn: tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, các hộ còn được hướng dẫn cách làm chuồng trại, cách phát hiện lợn động dục, phối giống, cách chăm sóc, nuôi dưỡng lợn nái giai đoạn đầu, giai đoạn mang thai, giai đoạn đẻ và nuôi con, cách chăm sóc lợn con và phòng trừ dịch bệnh thường gặp ở lợn.

Cán bộ xã và trưởng bản Môn Sơn thăm đàn lợn của gia đình bà Vi Thị Tư.
Cán bộ xã và trưởng bản Môn Sơn thăm đàn lợn của gia đình bà Vi Thị Tư.

Môn Sơn là xóm khó khăn nhất của xã Phú Sơn hiện nay, với 67% hộ nghèo, từ khi được hưởng lợn nái từ Chương trình 135/CP, những hộ dân ở đây chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Xóm trưởng Vi Văn Dục dẫn chúng tôi đi một vòng để kiểm tra đàn lợn, rồi cho biết: Tháng 6 năm ngoái, được huyện cấp cho 9 con lợn nái Móng Cái và 2 con bê lai sind. Trước khi nhận con giống về nuôi, xóm tổ chức họp và bình bầu những gia đình được nhận lợn. Sau hơn 1 năm nuôi, 100% số lợn nái đã sinh sản từ 1-2 lứa.

Tại chuồng trại của gia đình ông Lô Văn Nhân, chúng tôi thấy hệ thống chăn nuôi lợn mặc dù chưa được rộng, thoáng mát, nhưng cho thấy gia đình đã ý thức được với việc chăn nuôi lợn nái. Một ngăn dành để nhốt lợn mẹ, 1 ngăn thả đàn lợn con. Ông Nhân phấn khởi khoe: Nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước mà gia đình có con lợn nái để nuôi. Trước đây, gia đình thường mua lợn giống từ xuôi lên, khi mua nhìn rất đẹp, nhưng càng nuôi lợn càng xấu và chậm lớn, còn bị dịch bệnh chết. Con lợn nái này được gia đình nhận về nuôi cách đây hơn 1 năm, đáng lẽ đẻ được 2 lứa rồi, do lứa đầu bị hỏng, nên mới đẻ lứa thứ nhất được 11 con. Lần đầu tiên gia đình nuôi lợn nái, mà nuôi cũng dễ, sau khi lợn đẻ, cả lợn mẹ và lợn con đều khỏe. Dự tính, đàn lợn con này gia đình sẽ để lại 4 con để nuôi lợn thịt, số còn lại bán cho bà con trong xóm. Trước đây, mua giống lợn từ dưới xuôi lên, nào là dịch, nào không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với điều kiện khí hậu, chăm sóc, nên nhiều khi mất trắng hàng trăm nghìn đồng vì lợn.

Qua kiểm tra đánh giá, nhiều hộ nhận lợn nái Móng Cái ở xóm Môn Sơn thì lợn đều đã sinh sản được từ 1-2 lứa, mỗi lứa ít nhất 6 con. Xóm trưởng Vi Văn Dục phấn khởi nói: Từ khi được nhận lợn về nuôi và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn nái sinh sản, người dân được tiếp cận với KHKT mới về chăn nuôi lợn nái, chủ động tạo nguồn lợn giống sạch bệnh tại địa phương, đảm bảo nguồn cung cấp lợn giống tại chỗ ổn định, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập từ chăn nuôi. Hiện trong xóm hầu hết nhà nào cũng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, mỗi gia đình chỉ nuôi 1-3 con. Bà con ở đây coi vật nuôi là tài sản lớn trong gia đình, nên hết sức chăm sóc.

Mặc dù bà con nuôi lợn chủ yếu tận dụng nguồn rau sẵn có trong vườn, trộn với cám gạo… lợn chậm lớn, nhưng thịt ngon. Bên cạnh đó, các hộ trong xóm Môn Sơn còn tích cực chăn nuôi trâu, bò, đặc biệt là có tới 3/4 số hộ nuôi dê. Bà con ở đây nuôi dê bằng cách, làm chuồng nuôi nhốt, bà con không làm chuồng rộng, mà chỉ ít mét vuông, đủ để nuôi nhốt 2-4 con dê. Hàng ngày bà con vào rừng chặt những cành cây tự nhiên về treo lên cho dê ăn hàng ngày. Dê được giá, dễ bán, nên chăn nuôi dê là nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình.

Ông Nguyễn Hải Đông - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, cho biết: Được nhà nước cấp lợn nái cho bà con nuôi đã phần nào đáp ứng được mong muốn cải tiến kỹ thuật, cho người dân áp dụng vào chăn nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi nói chung và nuôi lợn nái nói riêng. Trong quá trình chăn nuôi, xã giao cho các ban phối hợp với các ban xóm kiểm tra đàn lợn thường xuyên, nên phần lớn hộ nào cũng có ý thức chăm sóc lợn. Những con lợn nái này sẽ góp phần quan trọng trong việc tự cung, tự cấp nguồn lợn giống để mở ra một hướng phát phiển chăn nuôi mới trên địa bàn...

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng