Hình ảnh đẹp trên khán đài Sappro Dome
(Baonghean) - “Tự hào”; “xúc động”; “Hãnh diện” “người hùng của bóng đá Việt Nam”... và rất nhiều mỹ từ khác đã được dùng chia sẻ rộng rãi trên mạng Internet với tốc độ chóng mặt trong trận đấu giữa CLB Consadole Sapporo với đội JEF United cuối tuần qua khi mà tiền đạo Lê Công Vinh được vào sân thay người chỉ vọn vẹn 9 phút cuối trận. Một cảm xúc khó tả đối với người hâm mộ quê nhà pha chút tự hào dòng máu Lạc Hồng…
Kể từ trận chung kết SEA game 25 năm 2009 tại sân vận động Quốc gia Lào giữa đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Malaysia thì hình ảnh các khán đài được nhuộm một màu đỏ rực rỡ khi các cổ động viên đã giơ cao hình ảnh Quốc kỳ Việt Nam. Gần 4 năm sau hình ảnh đó lại được tái hiện tại Giải bóng đá chuyên nghiệp hạng nhì Nhật Bản, nơi có cầu thủ Việt Nam duy nhất Lê Công Vinh thi đấu. Hình ảnh đẹp này là do những cổ động viên Việt Nam đang sinh sống học tập tại Nhật Bản và lan sang cả những khán giả Nhật Bản cổ vũ cho tiền đạo gốc Quỳnh Lưu này.
Một góc khán đài sân Sapporo Dome – sân nhà của CLB Consadole Sapporo được phủ kín Quốc kỳ Việt Nam. Ảnh: Internet. |
Kể từ khi xuất ngoại thì Lê Công Vinh cũng chỉ ghi được 2 bàn thắng cho CLB Consadole Sapporo tại giải nhà nghề Nhật Bản J-League 2, và trước trận đấu với đội bóng JEF United tiền đạo mang áo số 19 này còn bị chấn thương cổ chân vừa bình phục. Vì thế, khả năng được ra sân là không cao, và đội bóng nhà nghề Nhật Bản luôn có nhiều cầu thủ xuất sắc khác khỏe mạnh thay thế. Nhưng một lần nữa Công Vinh được HLV trưởng Keiichi Zaizen ưu ái cho vào sân 9 phút đồng hồ. Theo các con số thống kê của CLB Consadole Sapporo công bố chính thức trên Website chính thức của họ, đó là khi có Công Vinh trong đội hình đã thuzzz hút được lượng khán giả không nhỏ từ những Việt kiều mà còn mở rộng sang cả khán giả Nhật Bản. Là một CLB chuyên nghiệp tiên tiến nên họ đã đo được giá trị hình ảnh Công Vinh mang lợi về mặt kinh tế không hề nhỏ. Tất cả các gian hàng bán đồ lưu niệm, áo đấu mang số 19 của Công Vinh tại sân Sapporo Dome luôn trong tình trạng “cháy hàng” và quan trọng hơn giá trị hình ảnh của Công Vinh đã mang lại hợp đồng tài trợ giá trị lớn với Tập đoàn Sumimoto – khi phương hướng kinh doanh của tập đoàn này đẩy mạnh phát triển ở các nước Đông Nam Á.
Trao đổi qua mail, tiền đạo Lê Công Vinh cho hay: “Trước trận đấu tôi đã được lãnh đạo CLB mời tham dự một festival trực tiếp dạy kỹ năng bóng đá cho trẻ em ở Tokyo, hay tham dự lễ ký hợp đồng tài trợ của đội bóng với Tập đoàn Sumimoto. Tôi biết lãnh đạo đội bóng họ đã tổ chức phát vé (giấy mời) miễn phí đến cho nhiều người Việt Nam trong khu vực đến xem trận bóng đá, song tôi rất bất ngờ khi CLB còn tổ chức in và phát luôn cả Cờ đỏ sao vàng (Quốc kỳ) Việt Nam cho các CĐV khi họ vào sân. Vì thế, khi được ra sân thi đấu, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và xúc động khi nhìn lên khu vực khán đài”.
Trong khi đó tại Việt Nam đã dậy sóng cảm xúc với những bài viết, những lời bình đầy rẫy trên các diễn đàn, các trang mạng cá nhân như Facebook, Twitter,.. Ngay như ở Hội CĐV SLNA – đội bóng chủ quản của tiền đạo Lê Công Vinh hiện nay, các thành viên cũng thể hiện tình cảm hãnh diện tự hào với một cảm xúc khó tả. Anh Thái Doãn Duyên (Phụ trách Hội CĐV SLNA tại khu vực phía Bắc) cho biết: “Về hình ảnh CLB Sapporo tổ chức cho cổ động viên (có cả người Nhật và người Việt Nam) giơ cao quốc kỳ Việt Nam trên khán đài: Thứ nhất cho thấy họ rất đề cao và muốn tôn vinh những hình ảnh đẹp, hình tượng đẹp khi Công Vinh được gọi là “Người hùng Việt Nam” khi gia nhập bóng đá Nhật Bản.
Thứ hai, tính thống nhất và chuyên nghiệp trong tổ chức bóng đá, tổ chức cổ vũ bóng đá của người Nhật là rất cao. Không phải là cờ Nhật, cờ CLB Sapporo mà là cờ Việt Nam, và phần lớn CĐV đều chung một hành động thống nhất. Thứ ba, cách làm bóng đá của Sapporo nói riêng và của người Nhật nói chung rất đáng để chúng ta học hỏi. Khi họ chưa có nguồn thu, họ sống nhờ vào sự quyên góp của CĐV và NHM. Khi họ có hình ảnh, họ tự thương mại hóa hoạt động bóng đá của mình để tìm kiếm nguồn thu. Và đặc biệt là khi họ có nhà tài trợ (Sumitomo), họ thực hiện đúng và xuất sắc những cam kết của mình đối với nhà tài trợ!”. Một CĐV có nickname “Khổng Minh” lại viết: “Đã đến lúc SLNA phải làm kinh tế dựa vào bóng đá, Hãy học tập CLB Sapporo”.
Đại Nghĩa