Khoảng trống!

21/10/2013 18:08

(Baonghean) - Thể thao, ngoài giúp rèn luyện sức khỏe, còn đóng vai trò là cầu nối để những người không may mắn trong cuộc sống như người khuyết tật có cơ hội được hòa nhập và thể hiện mình với xã hội. Thế nhưng, ở tỉnh ta, sân chơi dành cho đối tượng này chưa được quan tâm đúng mức…

Sinh năm 1999, em Hồ Văn Hoàn (xóm 6 xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu) bị khoèo chân từ nhỏ, việc đi lại khá khó khăn. Tuy vậy, ngoài thời gian đến trường và giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, Hoàn vẫn dành thời gian chơi cầu lông vào các buổi chiều ở sân nhà văn hóa xóm. Hoàn tâm sự: “Trước đây em rất thích bóng đá nhưng vì bị tật ở chân em chỉ có thể xem chứ không tham gia chơi cùng các bạn. Mấy năm nay, ở xóm có phong trào chơi cầu lông, em đến xem, chơi thử và rất hứng thú. Chơi cầu lông cần nhất sự khéo léo của tay, không đòi hỏi phải chạy nhảy nhiều như bóng đá nên em thấy rất phù hợp. Chơi cầu lông giúp em thấy vui hơn và tự tin hơn trong cuộc sống”.

Còn ở khối Phong Toàn (phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh), ai cũng biết đến bác Thái Khắc Hoàng (SN 1952), không chỉ vì bác là người tích cực trong các hoạt động xã hội mà còn bởi bác là một người khuyết tật tích cực tập luyện thể dục, thể thao. Là thương binh hạng 2/4, bị cụt một tay và bị khoèo chân nhưng nhiều năm qua, bác Hoàng vẫn luôn gắn bó với môn thể thao yêu thích là cầu lông. Từng là giáo viên của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, sau khi nghỉ hưu, bác là một trong những người đứng ra vận động thành lập Hội Người khuyết tập Thành phố Vinh (ra đời vào tháng 12/2012). Bên cạnh việc động viên, giúp đỡ và tạo cơ hội để người khuyết tật khắc phục khó khăn, vươn lên học văn hóa, học nghề và lao động sản xuất, bác Hoàng cùng các thành viên trong ban chấp hành hội và ban điều hành các câu lạc bộ động viên những người khuyết tật trên địa bàn thành phố tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, từ đó hòa nhập cộng đồng.

Bác Hoàng cho biết, nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của người khuyết tật trên địa bàn thành phố khá lớn và hiện nay đã xuất hiện nhiều tấm gương người khuyết tật tích cực tập luyện thể dục, thể thao để sống vui, sống khỏe như anh Trần Nguyên Phóng (SN 1952, trú ở khối Yên Toàn, phường Hà Huy Tập), cụt một chân nhưng vẫn thường xuyên chơi cầu lông; hay các anh Chu Vinh Đức (SN 1979, trú ở khối 13, phường Lê Lợi), Nguyễn Việt Hưng (SN 1981, trú ở xã Hưng Lộc), bị liệt chân vẫn chơi bóng bàn… Theo bác Hoàng, ngoài những môn như cờ tướng, cờ vua, ở những môn đòi hỏi thể lực và sự vận động như bóng bàn, cầu lông, đua xe lăn, đua xe đạp… rất khó khăn cho người khuyết tật trong tập luyện, thi đấu. Tuy nhiên, nếu thật sự đam mê và nỗ lực vượt khó thì thể thao sẽ mang đến cho người khuyết tật nhiều niềm vui trong cuộc sống, giúp họ xóa đi mặc cảm tật nguyền để sống có ích hơn.

Học sinh trường dạy nghề người tàn tật giao lưu thể thao với các sinh viên tình nguyện.
Học sinh trường dạy nghề người tàn tật giao lưu thể thao với các sinh viên tình nguyện.

Toàn tỉnh hiện có hơn 203.800 người khuyết tật. Bên cạnh các nhu cầu sinh kế như học nghề, giải quyết việc làm, nhiều người khuyết tật cũng có nhu cầu chơi thể thao để thư giãn sau những giờ học, giờ làm việc căng thẳng, rèn luyện thể lực, gặp gỡ, chia sẻ với những người đồng cảnh... Thế nhưng, sân chơi dành cho họ lại quá ít. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh được thành lập từ năm 2010, trong bối cảnh phong trào thể thao cho người khuyết tật ở các địa phương trong cả nước đã tương đối phát triển, nhưng từ đó đến nay, trong các bản kế hoạch hoạt động hàng năm của hội đều không có nội dung thể dục, thể thao.

Thiếu đi sự định hướng ở cấp trên, hội bảo trợ người tàn tật ở các huyện, thành, thị cũng chưa phát động được phong trào hay tổ chức được những hoạt động thể thao cho người tàn tật. Duy chỉ có Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quỳnh Lưu là tổ chức được một số hoạt động này. Bà Hồ Thị Tam – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Sau khi thành lập (tháng 10/2011), Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện đã phối hợp với trung tâm thể thao huyện lên kế hoạch tổ chức các giải đấu cho người khuyết tật, đề nghị hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi các xã, thị trấn khảo sát những người khuyết tật và trẻ mồ côi có năng khiếu, yêu thích môn bóng bàn, cờ tướng, tạo điều kiện cho họ luyện tập, nâng cao trình độ để tham gia thi đấu.

Tháng 11/2012, giải đấu thể thao đầu tiên dành cho người khuyết tật của huyện (và cũng là của tỉnh) đã được tổ chức với 3 môn cờ tướng, cầu lông và bóng bàn. Dù chỉ có 21 VĐV tham gia nhưng giải đấu đã diễn ra rất sôi nổi và khích lệ được tin thần hăng hái tập luyện thể thao trong những người khuyết tật trên địa bàn huyện”. Nhưng, đó là điểm sáng duy nhất trong phong trào thể dục, thể thao cho người khuyết tật ở tỉnh ta. Còn ở các địa phương khác, hoạt động thể dục, thể thao cho người khuyết tật hầu như chưa được quan tâm.

Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Hải Thanh – Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: “Tỉnh ta có số lượng người khuyết tật lớn, trong khi ngân sách chi thường xuyên cũng như nguồn kinh phí xã hội hóa cho các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật còn hạn chế nên không có kinh phí cho các hoạt động thể dục, thể thao dành cho người khuyết tật”. Còn về phía ngành thể thao, nhiều năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa có một văn bản chỉ đạo riêng liên quan đến hoạt động thể dục, thể thao cho người khuyết tật, thậm chí trong các văn bản chỉ đạo, báo cáo về phong trào thể thao quần chúng cũng không thấy dòng nào đề cập đến thể thao cho người khuyết tật và hiện chưa có CLB hoặc khu thể thao dành riêng cho người khuyết tật.

Duy chỉ có Trung tâm hoạt động người khuyết tật thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Thành phố Vinh (trên địa bàn xã Hưng Lộc, được khánh thành vào tháng 4/2012) là có sân cầu lông và đường chạy dành riêng cho người khuyết tật, nhưng do chưa được hoàn thiện, lại hạn chế trong khâu tổ chức và quản lý nên chưa thu hút được người khuyết tật đến tập luyện và hiện trở thành sân chơi cho những người dân xung quanh. Ngành thể thao cũng thiếu những cán bộ, HLV cho công tác hướng dẫn thể thao cho người khuyết tật. Và kinh phí là lý do được đưa ra để giải thích cho những hạn chế trên. Nhưng, trong số gần 30 tỉnh, thành trong cả nước thành lập được Hội thể thao người khuyết tật và tổ chức được các giải đấu dành cho người khuyết tật, có những tỉnh còn khó khăn về ngân sách hơn cả Nghệ An như Bắc Giang, Quảng Trị…

Thiết nghĩ, để người khuyết tật tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thể dục thể thao, từ đó tích cực hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong học tập, lao động sản xuất, hội bảo trợ người khuyết tật các cấp cần phối hợp với các ngành liên quan như TDTT, LĐ-TB&XH tích cực triển khai nhiều cuộc vận động, tổ chức các hoạt động với nội dung phong phú, tham mưu ban hành chủ trương, giải pháp đẩy mạnh các hoạt động TDTT cho người khuyết tật; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam, các tổ chức nhân đạo để thành lập các CLB thể thao người khuyết tật và tổ chức các giải đấu cho người khuyết tật.