Nậm Càn - Nỗi lo sau lũ

03/07/2013 10:40

Ngay sau cơn lũ cuối tháng 6 vừa qua, bà con nhân dân xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn nhanh chóng bước vào khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất. Cuộc sống bình yên đã trở lại với vùng núi cao này như nó vốn có. Tuy vậy, sau cơn lũ này lại lộ ra vấn đề đáng lo ngại ở Nậm Càn…

(Baonghean) - Ngay sau cơn lũ cuối tháng 6 vừa qua, bà con nhân dân xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn nhanh chóng bước vào khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất. Cuộc sống bình yên đã trở lại với vùng núi cao này như nó vốn có. Tuy vậy, sau cơn lũ này lại lộ ra vấn đề đáng lo ngại ở Nậm Càn…

Đã một tuần trôi qua nhưng người dân xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn vẫn chưa hết bàng hoàng, hoảng sợ mỗi khi nhớ lại cơn lũ quét hung hãn đã cuốn đi 2 mẹ con chị Lô Thị Huế (người xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương lên thuê ốt buôn bán ngay tại khe Nậm Càn) vào rạng sáng ngày 23/6. Ông Và Chí Cở, 70 tuổi, già làng bản Nậm Càn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã dẫn chúng tôi đến hiện trường nơi xảy ra vụ việc đau lòng nói trên. Chỉ cho chúng tôi xem những tảng đá to như nóc nhà không biết từ đâu lũ cuốn về, ông Và Chí Cở cho hay: Từ nhỏ đến bây giờ mới thấy hiện tượng lũ quét này xảy ra ở địa phương. Sức tàn phá của lũ ghê gớm quá khiến bà con ai cũng sợ hãi.

Khe Nậm Càn trước đây là một khe suối nhỏ nằm giữa khu vực bản Nậm Càn và bản mới Liên Sơn. Ở đây, hàng năm vẫn có rất đông khách du lịch tìm về du ngoạn, bơi lội. Thế mà bây giờ ngay trước mắt chúng tôi, khe đã thành một dòng thác, nước đổ từ trên cao xuống ào ào theo triền đá có độ dốc lớn. Con đập tràn trước đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là một hõm sâu; một phần đường giao thông của hai bản cũng bị sạt lở, trơ lại một vài tấm bê tông cùng vài cọng thép. Chiếc cầu sắt nhỏ bắc qua khe Nậm Càn ở sát ngay đập tràn và nơi gia đình chị Huế bị nạn cũng bị hư hỏng nặng, một phần mô cầu đã bị khoét rỗng chân.



Ông Và Lìa Nênh, Bí thư Đảng ủy xã kể lại chuyện cơn lũ quét tàn phá
khe Nậm Càn.

Lũ quét về bất ngờ làm hư hỏng toàn bộ hệ thống nước sạch sinh hoạt và canh tác của Nậm Càn; làm gãy 2 cột điện ở khu vực xã Lưu Kiền nên suốt một tuần sau lũ, Nậm Càn vẫn không có điện. Ông Vừ Chông Pó, Chủ tịch UBND xã Nậm Càn cho hay: Ngay sau khi lũ quét kéo về, Đảng ủy, UBND các ban, ngành, đoàn thể của xã đã phối hợp cùng cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Càn triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn - Qua đó đã cứu kịp thời cháu Lô Thị Thương (con gái chị Lương Thị Huế, 13 tuổi), tìm được thi thể chị Huế và con trai. Lũ rút, xã và đồn biên phòng nhanh chóng triển khai hoạt động khắc phục như dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa đường nước. Đến nay, đường nước bằng ống sắt trước đã được tháo ra, thay thế tạm vào đó là những đường ống bằng nhựa để kịp thời cho bà con có nước sinh hoạt.

Lũ đã đi qua nhưng dư âm khủng khiếp vẫn còn đó; nỗi lo sợ tình trạng mưa lũ gây sạt lở, mất nhà, mất tính mạng đang ám ảnh người dân, đặc biệt là những hộ dân ở trong khu vực nguy hiểm dưới chân núi Nậm Càn và phía bên trên khe Nậm Càn như gia đình anh Và Bá Xử, gia đình anh Và Nỏ Bì… Trong ngôi nhà mới hoàn thành còn thơm mùi gỗ, anh Và Bá Xử (26 tuổi), bản Liên Sơn chia sẻ: Thấy hậu quả do lũ quét gây ra, gia đình cũng sợ lắm; được cán bộ xã, chiến sỹ đồn biên phòng đến vận động di dời đi, nhưng giờ muốn chuyển đi thì chưa có điều kiện, nhà mới được Nhà nước hỗ trợ làm xong theo Chương trình 167.



Ngôi nhà của anh Và Bá Xử, Và Nỏ Bì nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao.

Thời tiết ở Kỳ Sơn, Tương Dương tương đồng như ở nước bạn Lào – bây giờ đang vào mùa mưa (từ tháng 5 – tháng 11); và cũng là vùng khí hậu nhạy cảm, mỗi khi ở đồng bằng có bão thì nơi này lại mưa to. Điều này đồng nghĩa, nguy cơ lũ ống, lũ quét thời gian tới vẫn rất cao. Tai họa có thể đổ ập lên gia đình Và Bá Xử và gia đình Và Nỏ Bì bất cứ lúc nào. Thượng tá Nguyễn Thế Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Càn cho rằng: Những biện pháp tuyên truyền cho người dân ở khu vực nguy hiểm di dời, lập barie ngăn cản người dân đi lại ở những điểm mất an toàn mà đồn và xã đang triển khai cũng chỉ mang tính tạm thời trước mắt. Còn lâu dài hơn cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành để giải quyết tận gốc…

Theo tìm hiểu của phóng viên thì có một vấn đề khác rất đáng quan tâm, đó là bà con nhân dân xã Nậm Càn nói riêng và nhiều nơi khác ở các huyện miền núi tỉnh ta nói chung vẫn chưa hề có nhận thức đầy đủ về nguyên nhân dẫn đến lũ quét, lũ ống. Họ không hề biết rằng chính những tập tục xấu như đốt rừng làm rẫy, du canh, du cư đang làm cho rừng mất dần đi, một phần làm mất đi cân bằng sinh thái, gây biến đổi khí hậu, thiên tai nhiều hơn. Ngay cả ông Vừ Chông Pó, Chủ tịch xã Nậm Càn vẫn cho rằng “lũ quét xảy ra là do mở đường tuần tra biên giới”.

Nậm Càn sau lũ, cuộc sống đã trở lại bình thường. Những diện tích đất canh tác ven sông ven suối bị đất đá vùi lấp nay đã được dọn sạch sẽ; cây cối lại mướt xanh; khu vực đập tràn khe Nậm Càn đang từng bước được sửa chữa; Và bà con nhân dân người Mông vốn chăm chỉ, siêng năng nơi đây lại cần mẫn canh tác, sản xuất. Song trong sự hồi sinh nhanh chóng đó vẫn thấy lấp ló những sự đe dọa, nỗi lo…


Chung - Hải - Triều