Bài 1: Những người ươm mầm tri thức

19/11/2013 09:44

(Baonghean) - Đến với giáo dục vùng cao bao giờ cũng là hành trình gian khó và để lại nhiều cảm xúc. Trong những ngày trung tuần tháng 11, chúng tôi thực hiện một chuyến đi đến các điểm trường xa xôi của miền Tây xứ Nghệ. Ở những địa danh nghe qua đã thấy “tít mù xa” như Phà Lõm, Huồi Phuôn, Huồi Phó... có người giáo viên miền xuôi cắm bản vẫn ngày đêm miệt mài ươm mầm con chữ. Sự có mặt của họ đã trở thành điểm tựa của niềm tin, hy vọng.

Được sự giới thiệu của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tương Dương, chúng tôi tìm đến nhà cô giáo Đặng Thị Anh ở xã Tam Thái. Thật tình cờ, lúc chúng tôi đến, cô giáo Anh cùng bố mẹ đang bàn bạc với thợ mộc để sửa sang lại ngôi nhà đã cũ. Ngôi nhà nằm sát Quốc lộ 7, thấp trũng hẳn so với mặt đường xung quanh nên quanh năm ẩm thấp, chưa mưa đã lội. Nhẹ trao cho chúng tôi ly nước mát, cô Anh cười bảo: “Đắn đo, ao ước mãi mới quyết định sửa nhà đấy. Sửa sang lại để ông bà ở cho cao ráo, năm sau cũng đưa cu con ra đây để ông bà tiện chăm sóc.” Nói đoạn, cô nhiệt tình mời chúng tôi sáng sớm mai cùng đi với cô vào Trường Mầm non Tam Hợp, điểm trường Phà Lõm- nơi cô đang công tác, “để cảm nhận thực tế”.

Thầy giáo Lộc Đình Họa - người đã hơn 30 năm cắm bản, hiện đang công tác tại bản Phà Lõm (Tam Hợp - Tương Dương).
Thầy giáo Lộc Đình Họa - người đã hơn 30 năm cắm bản, hiện đang công tác tại bản Phà Lõm (Tam Hợp - Tương Dương).

TIN LIÊN QUAN

Đúng hẹn, 4h sáng, lúc chúng tôi đến. Bếp lửa trong gian bếp nhà cô Anh đã ấm nồng. Vội vàng hâm lại nồi thức ăn, nhanh tay xới cơm dằn vào cặp lồng, cô Anh chia sẻ: “Trường mình dạy cách đây 40km, để đến kịp giờ dạy phải dậy sớm thế này, chuẩn bị thức ăn trưa cho cả ba người rồi lỉnh kỉnh giáo cụ dạy học nữa. Mà 40km đường này “ghê gớm” lắm nhà báo ạ!”

Thế rồi cuối cùng, cái cung đường “ghê gớm” ấy đã hiện ra trước mắt. Trong ánh sáng lờ mờ chưa tỏ mặt người, đèn pha xe dẫu đã bật vẫn không thể rọi sáng quá 1m, chúng tôi căng hết mọi giác quan, bám theo tiếng xe của cô giáo Anh để định hướng đường. Một bên vực thẳm, một bên dốc cao, cung đường gập ghềnh hình sin và liên tục là những khúc cua như thử thách người cầm lái. 5 năm nay, cô giáo Đặng Thị Anh đã trải qua hàng ngàn chuyến đi hiểm nguy như thế để đến trường. Không nhớ nổi những lần trượt ngã, những lần xe máy xoay ngang giữa đường không theo ý người điều khiển, hành trình đến với 30 học trò là con em đồng bào dân tộc Mông quả không dễ dàng.

Cô giáo Đặng Thị Anh là một trong số hơn 200 giáo viên mầm non huyện Tương Dương cắm bản, vượt lên những gian khó, thiếu thốn để cõng chữ lên non. Vợ chồng cô dựng một ngôi nhà tạm, cách điểm trường mầm non Phà Lõm gần 10km. Cứ mỗi cuối tuần, cô về thăm nhà chính của mình ở Tam Thái - nơi bố mẹ và em trai cô đang ở, để rồi sáng sớm đầu tuần sau lại vội vã trở vào với công việc và gia đình nhỏ của mình. 6 giờ 30 phút sáng, màn sương dày đặc vẫn mịt mù đất trời Tam Hợp. Từ xa đã nghe thấy tiếng khóc ngặt của trẻ con vọng đến. Cô giáo Anh vừa tránh bãi đá cuội trơn nhẫy giữa đường, vừa gấp gáp tăng ga. “Là tiếng thằng cu con mình khóc nhớ mẹ!”- cô vội bảo.

Lúc chúng tôi đến nơi, anh Minh - chồng cô đã bế cậu con trai An Huy đứng chờ trước cửa. Bé con nhác thấy bóng mẹ đã uồm người sang đòi bế, dụi dụi khuôn mặt nhòe nước mắt vào ngực mẹ tìm hơi sữa. Anh Minh buồn rầu bảo vợ: “Con khóc cả đêm, em ạ…”.

Chỉ kịp nựng con vài câu, thơm vội lên mắt lên môi, cô giáo Đặng Thị Anh nghẹn ngào trao đứa con thơ vừa dứt hơi sữa mẹ, quay lưng, phóng xe đi vội vàng bởi nếu ở lại thêm chút nữa, nỗi xót con sẽ cồn cào rát bỏng. Cô còn 30 đứa trẻ dân tộc Mông đang chờ ở trường…

Điểm trường nằm giữa bản, xung quanh là những nếp nhà sàn đơn sơ của người dân, thế nhưng luôn rộn tiếng cười, tiếng hát, tiếng trẻ ngọng ngịu líu lo. Đã từ lâu, sự hiện diện của những ngôi trường đã trở thành biểu tượng của niềm tin, hy vọng và ước mơ. Phà Lõm là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, với những đặc trưng về ngôn ngữ, phong tục tập quán rất riêng. Để người dân của bản chấp nhận mình như một phần của cuộc sống thường ngày, các giáo viên nơi đây đã phải trải qua một quá trình dân vận vô cùng gian khó. Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Hợp chia sẻ: “Những ngày đầu nhận công tác tại Tam Hợp, tôi và 14 giáo viên khác băn khoăn lo lắng lắm. Lo vì đồng bào dân tộc Mông có tập quán sinh hoạt và suy nghĩ có phần bảo thủ, băn khoăn vì nghĩ cách làm sao để gần gũi, tâm tình để bà con nghe và hiểu, từ đó làm theo. Nhưng rồi mọi chuyện cũng suôn sẻ, bởi tất cả giáo viên nơi đây đều thực hiện ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân bản, và nhẹ nhàng thuyết phục, cuối cùng các điểm trường mầm non trên địa bàn Tam Hợp đều có sĩ số ổn định, 100% trẻ được đến trường đúng tuổi.”

Cô Nguyễn Thị Thu Hà cũng là một điển hình tiêu biểu của giáo viên cắm bản. Quê nhà ở mảnh đất Con Cuông nhưng cô Hà đã trải qua 13 năm giảng dạy ở Trường Mầm non Yên Na, Tương Dương. 13 năm đằng đẵng, biết bao đứa trẻ đồng bào các dân tộc đã được đôi bàn tay người giáo viên ấy ẵm bồng, ru ngủ. Nụ cười luôn thường trực trên môi và khi dỗ trẻ thì ngọt ngào lắm. Cô Hà may mắn hơn nhiều giáo viên cắm bản khác khi có một hậu phương vững chắc. “13 năm tôi ở Yên Na, chồng tôi cũng xách đồ nghề sửa xe vào gần trường tôi dạy để mở tiệm, giờ tôi chuyển về Tam Hợp, anh cũng lỉnh kỉnh vào theo. Anh chưa một lời kêu ca hay bảo vợ chuyển nghề mà lúc nào cũng động viên tôi hoàn thành nhiệm vụ” - cô Hà tâm sự, mắt ánh lên niềm tự hào khó giấu.

Những câu chuyện, những cuộc đời của người giáo viên miệt mài với nghiệp gieo chữ vùng cao cứ dày lên trong suốt cuộc hành trình của chúng tôi. Cô Kha Thị Tý – giáo viên Trường Tiểu học Tam Hợp, điểm trường Phà Lõm cũng là người con của mảnh đất Tương Dương, nhưng duyên phận đã gắn kết cô với người con trai quê hương Xuân Trường, Nam Định. Gần chục năm nay, cái khoảng cách hơn 300km từ miền quê chiêm trũng - nơi có người chồng và hai cô con gái thương yêu ngày đêm trông ngóng đến bản Phà Lõm - nơi cô Kha Thị Tý miệt mài với nghiệp gieo chữ vùng cao cứ vời vợi theo năm tháng.

Một năm chỉ được đôi lần, sắp xếp công việc chuyên môn, cô Tý mới xin vài ngày phép để ngược ra Bắc thăm chồng, thăm con. Căn phòng tạm bợ, đơn sơ chỉ có chiếc máy tính cũ là nổi bật hơn cả, cũng là vật dụng để kết nối liên lạc, giúp cô cảm thấy gần gũi hơn với gia đình. Nhưng tất cả vẫn không đủ quen thuộc để lấp đầy nỗi nhớ cồn cào về một mái ấm đủ đầy. Cô Tý tâm sự: “Nghề đã thành nghiệp rồi, cứ công tác đến ngày về hưu thì về với con thôi. Gian khó lắm nhưng tôi quen rồi, những lúc nỗi nhớ nhà cuộn lên, ý chí lung lay thì lại nghĩ đến ánh mắt học trò, nó ngây thơ và thèm khát con chữ lắm. Thế là lại thương, lại bám trường, bám trò!”

Mỗi giáo viên cắm bản có riêng một câu chuyện khác nhau, mà câu chuyện nào cũng nặng nỗi niềm, cũng day dứt và xót xa. Rời Tương Dương, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với miền rẻo cao Kỳ Sơn. Ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn cho biết: “Trên địa bàn huyện có 1.200 giáo viên cắm bản ở 167 điểm trường. Những năm qua, Đảng và Nhà nước, ngành giáo dục đã có nhiều chính sách quan tâm hơn đến đời sống của giáo viên, tạo điều kiện về cơ sở vật chất dạy và học… Nhìn chung môi trường sinh hoạt và giảng dạy của giáo viên vùng sâu, vùng xa đã có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn còn đó những khó khăn”.

Với 16 giáo viên Trường Tiểu học Keng Đu I, điểm trường Huồi Phuôn, dãy nhà nội trú tạm bợ được thưng bằng bạt và gỗ tạp đã trở thành mái ấm thứ 2 của họ. Chống chọi qua bao cơn gió khắc nghiệt của Keng Đu, dãy nội trú giáo viên đã thiếu trước, hụt sau. Những tấm bạt bạc màu, những mảnh gỗ ghép tạm nay đã mối mọt lung lay cả. Thời điểm chúng tôi đến, giáo viên nơi đây đang trở thành những người thợ mộc bất đắc dĩ, tu sửa lại dãy nhà để đón một mùa đông đã cận kề. Thầy Võ Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Keng Đu I vừa đi vừa tâm sự chân thành: “7 năm trước khi tôi lên cắm bản chưa được như thế này đâu, bây giờ nhờ chủ trương chính sách của Nhà nước đã có nhiều thay đổi, cùng sự quan tâm của ngành giáo dục cũng như hiệu ứng lan tỏa của toàn xã hội nên cuộc sống của giáo viên nội trú tốt hơn trước nhiều lắm rồi. Giáo viên yên tâm, vững lòng để hoàn thành tốt công tác giảng dạy. Gần 100% cán bộ giáo viên ở Huồi Phuôn đều biết nói tiếng đồng bào đấy!”

Ở Keng Đu, trên mảnh đất xa xôi này, nhiều thầy cô giáo đã tạo dựng một mái ấm nhỏ bé của riêng mình. Niềm hạnh phúc lứa đôi giản dị dìu họ đi qua biết bao gian khó. Dẫu cuộc sống vẫn còn những thiếu thốn, và nỗi buồn nhớ con thơ phải gửi ông bà ngoại dưới xuôi chưa lúc nào nguôi quên, nhưng vợ chồng thầy Phan Tuấn Anh và cô Nguyễn Thị Hương cũng tạm hài lòng với cuộc sống êm đềm của mình. Bên bếp lửa ấm nồng, cô Hương tâm sự: “Hai vợ chồng làm công tác tư tưởng rồi, thông suốt rồi, cứ yên tâm mà công tác thôi. Ai cũng muốn chọn nơi thuận tiện, nhẹ nhàng thì những nơi xa xôi này biết trông vào đâu. Phải tự hào về cái nghiệp của mình chứ!”

Quả thực, như thông điệp “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” trong bài hát “Một rừng cây, một đời người”. Với những giáo viên vùng cao, họ đã không chọn việc nhẹ nhàng. Với họ, kết thúc một ngày miệt mài với phấn trắng bảng đen, họ mới thực sự có khoảng không gian cho cuộc sống của riêng mình. Đêm ở Huồi Phuôn thật nhiều xúc cảm. Khi chúng tôi có mặt ở đây, các thầy cô giáo đang chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Thầy Lô Văn Lương thật khéo tay đàn, cô Y Xồng có giọng hát ngọt ngào… Không ai đếm được đã có bao nhiêu đêm Huồi Phuôn cứ lặng lẽ trôi đi trong tiếng hát, tiếng đàn ấy, và cả những nỗi niềm, những sẻ chia, những niềm vui và nỗi buồn cứ thế qua đi…

Năm nào cũng vậy, ngày 20/11 đến với giáo viên vùng cao thật nhẹ nhàng, giản dị. Một sân khấu dã chiến sẽ được dựng lên ngoài sân trường, và những tiết mục cây nhà lá vườn của giáo viên, học sinh và đồng bào bản làng cứ thế ngân vang. “Có khi hát múa đến 2 - 3 giờ sáng ấy chứ!”- Thầy Lô Văn Lương cười bảo. Giản dị thế thôi mà niềm vui và hạnh phúc vẫn long lanh trong đáy mắt, bởi với những người giáo viên miền xuôi cắm bản, cái tình nặng sâu với bản làng, với con chữ vùng cao đã giúp họ vững lòng tin vào nghiệp “trồng người”.

Đào Tuấn - Phương Chi