Tiếp nối chí nguyện ông cha

14/08/2013 19:20

Trong những năm gần đây, cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, “sự phục hưng” của các dòng họ ở Nghi Lộc diễn ra rất mạnh mẽ: Đã nhìn thấy những cụ già cơm đùm cơm nắm đi tìm họ; con cháu từ các nơi về xin nhận tiên tổ, có nhiều nhà thờ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, quốc gia. Các dòng họ đã và đang ra sức giáo dục con cháu gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.

(Baonghean) - Trong những năm gần đây, cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, “sự phục hưng” của các dòng họ ở Nghi Lộc diễn ra rất mạnh mẽ: Đã nhìn thấy những cụ già cơm đùm cơm nắm đi tìm họ; con cháu từ các nơi về xin nhận tiên tổ, có nhiều nhà thờ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, quốc gia. Các dòng họ đã và đang ra sức giáo dục con cháu gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Ngày 19/7/2013 vừa qua là một ngày vui đối với con cháu dòng họ Nguyễn Đình chi 5 ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc khi mộ và nhà thờ Thái bảo Thượng trụ Quốc Sài Quận Công Nguyễn Kế Sài (ông tổ của dòng họ) được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Dòng họ Nguyễn Đình chi 5 hiện có khoảng 10.300 con cháu (đời thứ 18,19,20,21) thì có tới 4.000 - 5.000 người từ mọi miền Tổ quốc, thậm chí ở nước ngoài tập trung về. Có nhiều người về trước đó khoảng 3-4 ngày để góp của, góp công cho ngày vui được trọn vẹn. Ngày lễ trọng, bằng Di tích lịch sử quốc gia được con cháu rước từ sân vận động xã về nhà thờ, đoàn rước kéo dài hơn 1 km; cờ xí rực rỡ, chiêng, trống rộn ràng, ai cũng tươi cười mừng vui.

Trong lễ rước, chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Đường, 80 tuổi, về từ Hà Nội, tuy sức khỏe yếu lắm rồi, nhưng ông vẫn quyết tâm chống gậy “hành quân” theo đám trẻ múa lân. Bởi ông cho rằng: Trước tổ tiên ai cũng như ai. Người già phải hiếu lễ như thế mới làm gương cho con cháu “Đạo làm người chữ hiếu đứng đầu. Cây có gốc mới xanh cành tươi ngọn/nước có nguồn mới bể cả sông sâu”.



Con cháu dòng họ Nguyễn Đình - chi 5 rước Bằng Di tích lịch sử quốc gia
Mộ và Nhà thờ Nguyễn Kế Sài

Ông Đường giới thiệu về lịch sử dòng họ mình: Thái bảo Thượng trụ Quốc Sài Quận Công Nguyễn Kế Sài là con trai thứ 5 trong tổng số 16 người con trai của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí. Sinh thời, ông cùng cha và anh mình có công đưa vua Lê Thánh Tông lên ngôi, đánh dẹp quân Chiêm Thành, trấn thủ Nghệ An và sau đó là đất Thuận Hóa, ngoài ra, ông còn cùng anh cả là Nguyễn Sư Hồi có công chiêu dân, khai phá mở rộng diện tích và cải tạo đất đai hoang hóa nhiễm mặn ven biển của huyện Châu Phúc, phủ Đức Quang, đặc biệt là Thượng Xá - vùng đất nằm sát Cửa Lò ngày nay. Những năm cuối đời, Thái bảo Thượng trụ Quốc Sài Quận Công Nguyễn Kế Sài về ở hẳn tại Thượng Xá, trực tiếp giám sát bố phòng 12 cửa biển (từ Thanh Hóa đến Quảng Bình), mở trường học và xây dựng chợ Sơn.

Ông có 9 người con trai, trong đó số đông là tước hầu, một số người được phong đến quận công, quốc công, thái bảo, thái úy, từ đó hình thành nên 9 chi dòng họ Nguyễn Đình trong cả nước. Trong suốt quá trình phát triển, dòng họ Nguyễn Đình chi 5 là dòng họ chủ yếu phát triển về võ nghiệp. Trong thời kỳ phong kiến có 8 vị được phong tước Công, 44 vị được phong tước Hầu, 20 vị được phong tước Bá.

Tìm hiểu được biết: Dòng họ Nguyễn Đình chi 5 là một dòng họ có nhiều nhân vật “đột xuất” (ở tỉnh ta có khoảng 30 - 40 dòng họ như vậy). Văn hóa của dòng họ Nguyễn Đình chi 5 chính là tinh thần yêu nước nồng nàn hết lòng vì sự ấm no của nhân dân. Tinh thần này được xây dựng nên từ tấm gương của ông tổ Cương Quốc công Nguyễn Xí, Nguyễn Kế Sài… Theo lời giới thiệu của ông Đương, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Đình Tư, Phó Chánh quản tộc dòng họ Nguyễn Đình chi 5.

Ông Tư khẳng định: “Truyền thống của dòng họ luôn được giữ vững. Noi gương ông cha đã có hàng nghìn người tham gia cách mạng, nhiều người phát triển sự nghiệp bằng con đường học tập, nghiên cứu khoa học, tích cực lao động sản xuất để phát triển đất nước, quê hương. Dòng họ luôn giáo dục con cháu: Dù ở cương vị nào, làm bất cứ ngành nghề gì cũng phải luôn nhớ về quê cha đất tổ, giữ vững gia phong, thực hiện đúng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có sự đóng góp xứng đáng cho địa phương, dân tộc. Con cháu dòng họ Nguyễn Đình chi 5 đã có mặt khắp nơi trong cả nước. Hiện nay đã có tới 174 nhà thờ trung, tiểu chi. Với một dòng họ lớn như vậy, việc tạo nên mối đoàn kết để giáo dục con cháu quả không dễ.

Thực hiện ý nguyện của ông cha, tiên tổ, Hội đồng gia tộc cũng đã được thành lập với 47 thành viên. Đây chính là những người đức độ, đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm kết nối, đại diện cho 174 trung, tiểu chi. Thời gian qua, Hội đồng gia tộc đã tiến hành dịch thuật, bổ sung gia phả gửi về cho các chi, để cháu con biết được lịch sử hào hùng của dòng tộc. Năm 2010, chúng tôi xây dựng tộc ước, thành lập các tiểu ban giúp việc trước hội đồng đại tộc như tiểu ban xây dựng, tiểu ban văn hóa, tiểu ban tài chính, tiểu ban nội tự, tiểu ban xây dựng khu di tích, tiểu ban khuyến học khuyến tài, tiểu ban kiểm tra. Tộc ước có hiệu lực từ năm 2012 và đã được các thành viên Hội đồng đưa về phổ biến để các chi xây dựng chương trình hành động cho cháu con thực hiện”.

Ông Nguyễn Đình Tư khẩn khoản mới phóng viên về cùng tham dự lễ giỗ tổ vào ngày 24/7 âm lịch này. Bởi ngày giỗ tổ của dòng họ Nguyễn Đình chi 5 từ lâu đã trở thành ngày hội lớn. Ngoài lễ cúng tiên tổ, dịp này, dòng tộc sẽ tiến hành hoạt động khuyến học, khuyến tài biểu dương khen thưởng con cháu học tập tốt, mỗi phần thưởng trị giá từ 500 nghìn đồng - 2 triệu đồng, đồng thời cũng sẽ góp ý những việc làm chưa tốt, với mục đích động viên nhau để cùng tiến bộ.

Tìm về xóm 6, xã Nghi Trường (Kỳ Trần ngày xưa) – mảnh đất gốc tích của dòng họ Nguyễn Năng danh tiếng. Thủy tổ dòng họ là Hiệu sinh Nguyễn Đăng Triều từ Bắc vào đây lập nghiệp ở đầu thế kỷ XVIII. Nhân vật “xuất chúng” của dòng họ là cụ Nguyễn Năng Tĩnh, đậu cử nhân và làm tới quan Ngự Sử dưới thời Vua Minh Mạng. Ông là vị quan nhân đức, luôn suy nghĩ, chăm lo cho đời sống nhân dân. Là người có công trong việc tổng hợp, biên tập lại toàn bộ hệ thống thơ văn của Ức Trai Nguyễn Trãi.

Sau khi cáo quan về quê, ông là một thầy thuốc, thầy giáo giỏi. Hiện nhà thờ và mộ cụ Nguyễn Năng Tĩnh đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Dưới thời Nguyễn và Pháp thuộc, nhiều người trong dòng họ Nguyễn Năng nổi tiếng với nghề dạy học và bốc thuốc, đó là các cụ Nguyễn Năng Tuấn, Nguyễn Hữu Tạo, Nguyễn Năng Chúc... Học trò các cụ có rất nhiều người làm to. Nhiều người dân đã được các cụ cứu sống. Tuy mới định cư tại Kỳ Trần hơn hai thế kỷ, với số hộ không đông nhưng các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Năng đã xây dựng một truyền thống văn hóa tốt đẹp, đóng góp cho văn hóa vùng và văn hóa dân tộc.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, tộc trưởng dòng họ Nguyễn Năng dẫn chúng tôi đi thăm một di sản đồ sộ của dòng họ. Đó là hàng ngàn sáng tác thơ văn, hàng trăm bài thuốc lưu truyền phát triển qua các thế hệ. Ông Xuân tâm tình: Văn hóa truyền thống dòng tộc là nghề dạy học, nghề bốc thuốc. Hai nghề này đều vì sự nghiệp phát triển con người… Đất nước lầm than, đã có 2 cụ theo tiếng gọi của cụ Phan xuất dương Đông Du. 6 người được công nhận là lão thành cách mạng trong phong trào Xô Viết, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nối tiếp truyền thống của ông cha, sau khi cách mạng thành công đã có trên dưới 40 người trong dòng họ là giáo viên cấp 1,2,3 và giảng viên các trường dạy nghề, đại học. Về nghề thuốc có các lương y như Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Xuân Lưu, Nguyễn Năng Viên, Nguyễn Xuân Công… nhiều nơi, nhiều người biết tiếng. Đến tận ngày nay, những bài thuốc gia truyền của họ Nguyễn Năng như chữa bệnh khớp, khối u vẫn có hiệu nghiệm và được tin dùng. Nhưng còn buồn là sau khi các cụ đời trước (cha, chú của ông Sơn) mất thì nghề thuốc tạm thời bị mai một. Lớp con cháu hiện tại không ai theo, giữ được nghề. Thời gian tới, họ Nguyễn Năng tiếp tục động viên, định hướng, khuyến khích cháu con theo nghề y, tiếp nối di nguyện hành y cứu người của các cụ, không để thất truyền những bài thuốc quý báu này.

Chuyện con cháu dòng họ Nguyễn Đình chi 5 và Nguyễn Năng ở huyện Nghi Lộc chỉ là hai trong vô số câu chuyện về con cháu các dòng họ đang ra sức phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha ở tỉnh ta. Các họ, dòng họ xưa có sự phát triển khác nhau: Có họ phát triển về văn chương khoa bảng, có họ phát triển về võ nghiệp, có họ phát triển sản xuất nông nghiệp hoặc nghề tiểu thủ công. Song tất cả đều có sự đóng góp xứng đáng cho quê hương đất nước.

Xin mượn lời Phó Giáo sư Ninh Viết Giao để kết thúc bài viết: “Dù dòng họ ấy ở đâu, vốn ở Nghệ An hay chuyển cư đến Nghệ An vào thời gian nào. Nhưng trong quá trình phát triển, các dòng họ ấy đã yêu mến mảnh đất này, góp phần làm nên những xóm làng trù mật với một truyền thống văn hóa lành mạnh, tốt đẹp… Chính các dòng họ đã làm sống dậy những giá trị văn hóa từ ngàn đời, góp phần trong tiến trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.


Thành Chung