Nâng cao giá trị sản xuất
(Baonghean) - Ở các huyện đồng bằng như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc… ngoài số diện tích trồng lúa, trồng màu còn có hàng chục ngàn ha vùng bán sơn địa.Đây là vùng đất được cho là không thuận lợi đối với sản xuất nông nghiệp. Trong nhiều năm qua, với sự năng động, sáng tạo, tìm tòi cách làm mới của người dân và chính quyền địa phương, vùng bán sơn địa đang chuyển mình mạnh mẽ trong phong trào phát triển kinh tế vườn đồi.
Từ cây hồng Nam Xuân
Xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn được xem là chiếc nôi của cây hồng xứ Nghệ. Mùa này về Nam Xuân, đến bất cứ đâu trong các xóm nằm dưới chân dãy Đại Huệ cũng bắt gặp màu vàng của hồng chín. Hồng trong vườn nhà, hồng ven đường, hồng trên lưng núi. Theo hướng dẫn của ông Nguyễn Hữu Thuận, Trưởng Ban Khuyến nông xã Nam Xuân, “lượn” một vòng trong xóm xem hồng “gốc” được tôn là “cụ tổ” ở đây. Những cây hồng da mốc thếch, xù xì hằn dấu ấn của năm tháng vẫn đang oằn mình gánh hàng tạ quả. Có điều lạ, được chăm sóc chu đáo, hồng càng nhiều tuổi càng cho năng suất cao, có cây mỗi năm cho thu hoạch 2 -3 tạ quả.
Nam Xuân, Nam Anh trước đây là xứ trại hồng. Khoảng những năm 30- 40 của thế kỷ trước, một số người đã mạnh dạn vào đây khai hoang lập trang trại trồng hồng. Vì vậy vùng đất này mới có địa danh là trại hồng. Đến giai đoạn cải cách ruộng đất, lớp người tiên phong này bị quy là địa chủ, trang trại hồng chuyển giao cho hợp tác xã. Đến những năm 80, do không được chăm sóc, cây còi cọc, năng suất thấp, hợp tác xã khoán cho hộ dân để thu sản phẩm. Đến đầu năm 1991, bán cho hộ dân. Nhà anh Thuận cũng mua được 15 gốc. Những cây này được xem là những cây hồng gốc. Mắt ghép của nó được lấy để nhân ra cả vùng. Thấy hiệu quả của cây hồng, trong những năm qua, toàn xã đã có hơn 930 hộ trồng hồng. Hồng trong vườn nhà, hồng lên đồi…
Đã có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như ông Đậu Trung Điểm với 2 ha, trồng kết hợp với các loại cây khác, mỗi năm thu hoạch 50 - 60 triệu đồng từ hồng; hay ông Nguyễn Tất Hạ, xóm 4 với diện tích hơn 5 ha, là mô hình trồng vườn rừng hỗn hợp, trong đó có hơn 300 gốc hồng, mỗi năm thu về 60 triệu đồng. Ngoài ra dưới tán cây hồng, cây trồng khác như chè, rau gia vị, riềng, sả… hàng năm cho thu nhập không nhỏ. Bài toán lợi ích về cây hồng được tính toán cụ thể từ vườn. Nhà anh Thuận có gần 25 gốc hồng, năm ít nhất cũng thu về 1 tấn quả bán được 20 triệu đồng. Nam Xuân hiện có 60 ha hồng, mỗi ha trồng 300 gốc theo tiêu chuẩn. Theo cách tính khiêm tốn, bình quân mỗi gốc cho thu nhập 400.000 đồng/năm, chưa kể thu nhập từ các khoản khác như nhựa thông, keo, rau gia vị, chè… Nam Xuân đã có hơn 7 tỷ đồng.
Nhận thấy rõ hiệu quả kinh tế vườn đồi, trong những năm qua, huyện Nam Đàn đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực này. Huyện đã ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế vườn đồi. Thực hiện nghị quyết đó Nam Đàn đã hình thành 3 khu vực kinh tế vườn đồi. Cụ thể các xã như Nam Kim, Khánh Sơn, Nam Lộc … đặc điểm khí hậu, chất đất phù hợp với cây chanh, ở đây đã hình thành vùng chuyên canh cây chanh cung cấp cho thị trường rộng lớn. Cây chanh đã đem lại hàng chục tỷ đồng/năm cho bà con nơi đây. Vùng ven dãy Đại Huệ như Nam Anh, Nam Xuân, Nam Giang… phát triển vùng cây ăn quả mà hồng là cây chủ lực đã mang lại cuộc sống ấm no cho bà con nơi đây.
Vùng thứ ba mà Nam Đàn đang chú trọng phát triển là Nam Nghĩa, phát triển trồng rừng kết hợp chăn nuôi đại gia súc. Sản phẩm của khu vực này đã góp phần làm nên thương hiệu me Nam Nghĩa.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhuần, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, Nam Đàn có khoảng 1.500 ha đất có thể phát triển kinh tế vườn đồi. Ngoài xây dựng nghị quyết, huyện còn đưa ra những chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực này như: xây dựng quy hoạch vùng, lựa chọn giống cây, con phù hợp, có cơ chế, chính sách cụ thể cho từng loại mô hình, nhằm đưa kinh tế khu vực này trở thành một mũi nhọn trong phát triển kinh tế chung của huyện.
Đến cây chanh Hưng Nguyên, Nghi Lộc
Nghi Lộc là địa phương có 13/30 xã thuộc vùng đồi núi. Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, toàn huyện có khoảng 1.600 ha đất vùng đồi núi có thể phát triển kinh tế trang trại theo hướng vườn đồi. Mô hình mà bà con lựa chọn là cây lâm nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi. Toàn huyện có khoảng 4000 hộ tham gia phát triển kinh tế vườn đồi. Trong đó số trang trại được công nhận là 250 trang trại, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp kết hợp phát triển kinh tế vườn đồi mỗi năm đạt hơn 400 tỷ đồng, chiếm 25% trong sản xuất nội ngành. Theo đánh giá của huyện, kinh tế vườn đồi kết hợp với lâm nghiệp đã trở thành nguồn thu nhập chính ở vùng bán sơn địa.
Sản phẩm hồng của gia đình anh Nguyễn Hữu Thuận chuẩn bị đưa ra thị trường. |
Chúng tôi về thăm vườn đồi của gia đình ông Nguyễn Văn Thọ xóm 3, xã Nghi Công Nam. Gia đình ông nhận 7,6 ha đất của xã, 4 ha trên cao ông trồng keo, bạch đàn, 3 ha trồng cây ăn quả gồm chanh, vải, cam… dưới tán cây ăn quả chăn nuôi gà. Mỗi năm ông thu từ cây ăn quả khoảng 100 triệu đồng, nuôi 600 con gà được 100 triệu đồng. Ngoài ra ông còn nuôi 4 con trâu nái, mỗi năm cho thu nhập dăm chục triệu đồng.
Ông Phan Bùi Nhì là một hộ làm kinh tế vườn đồi giỏi ở xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên. Tổng diện tích vườn rừng của ông có 28,5 ha. Trong đó 26 ha trồng thông, keo, 2,5 ha trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Ông bắt tay xây dựng trang trại từ năm 2000. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, những ngày đầu gia đình ông cùng 18 lao động thuê về phát nương đào gốc trồng ngô, khoai, sắn kết hợp với chăn nuôi. 6 năm kiên trì nỗ lực, diện tích mới khép kín. Đến nay, trang trại của ông cho thu nhập mỗi năm xấp xỉ 250 triệu đồng (120 triệu đồng từ cây chanh). Đàn bò 10 con, lợn rừng 13 con, 300 con gà thả vườn, mỗi năm cho thu nhập hơn 130 triệu đồng… Đó là chưa kể đến 20 vạn cây thông khi đến kỳ khai thác nhựa, mỗi năm cũng cho thu hoạch khoảng 2 tỷ đồng.
Ở các địa phương mà chúng tôi khảo sát, kinh tế vườn đồi đang thực sự trở thành mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của các địa phương. Cho đến nay phong trào cũng đang phát triển dưới hình thức tự phát, các địa phương chưa có sự tổng kết, đánh giá để rút bài học nhân rộng phong trào. Mặt khác, do phong trào phát triển tự phát nên việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi đang hoàn toàn theo cảm tính. Để phong trào phát triển một cách bền vững cần có sự phối hợp của Nhà nước để tổng kết đánh giá phong trào, nhân rộng. Nhà khoa học lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp cho từng vùng; doanh nghiệp, nhà phân phối có kế hoạch với người nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Có như thế kinh tế vườn rừng mới phát triển bền vững, trở thành mũi nhọn thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển.
Bài, ảnh: Anh Tuấn