Ông Sam Rainsy lại xuyên tạc lịch sử

21/08/2013 10:45

(Baonghean) - 1. Campuchia thực hiện đa nguyên chính trị. Theo Bộ Nội vụ Campuchia, đến tháng 4/2013, ở Campuchia có 42 đảng chính trị có đăng ký hoạt động, trong đó có 8 đảng tham gia tranh cử đại biểu Quốc hội tại cuộc bầu cử ngày 28/7/2013.

Ngày 9/10/2012, Quốc hội Campuchia đã bầu ra Ủy ban Bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ V (2013 - 2018) gồm 9 thành viên, trong đó 5 thành viên thuộc Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), 2 thành viên thuộc Đảng Funcinpec và 2 thành viên thuộc Đảng Sam Rainsy. Ngày 1/10/2012, Bộ Nội vụ Campuchia đã ra quyết định công nhận Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) trên cơ sở hợp nhất Đảng Nhân quyền và Đảng Sam Rainsy do ông Sam Rainsy làm Chủ tịch. Như vậy, trong 9 thành viên của Ủy ban Bầu cử Quốc hội Campuchia có 5 thành viên thuộc CPP, 2 thuộc CNRP và 2 thuộc Funcinpec. Đảng Cứu quốc Campuchia (do ông Sam Rainsy làm Chủ tịch) là đảng đối lập lớn ở Campuchia và ảnh hưởng lớn nhất trong tầng lớp trí thức, thanh niên, sinh viên tại các thành phố, đô thị, khu kinh tế lớn.

Vừa qua, Ủy ban Bầu cử Quốc hội Campuchia (NEC) đã công bố kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội 28/7/2013, theo đó Đảng CPP được 68 ghế, Đảng CNRP được 55 ghế (Quốc hội Campuchia có 123 ghế), 6 đảng còn lại không giành được ghế nào.

Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) của ông Sam Rainsy cho rằng có gian lận trong cuộc bầu cử nên không chấp nhận kết quả do Ủy ban Bầu cử Quốc hội đưa ra. Ông Sam Rainsy yêu cầu thành lập một Ủy ban Điều tra hỗn hợp bao gồm đại diện của Đảng CPP, Đảng CNRP, đại diện của các tổ chức phi chính phủ và do đại diện của Liên Hợp Quốc chủ trì hoạt động để làm rõ những nghi vấn liên quan đến kết quả bầu cử 28/7/2013. Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) tuyên bố họ không có thẩm quyền thành lập một Ủy ban Hỗn hợp như yêu cầu của ông Sam Rainsy. Theo chức năng, nhiệm vụ được Quốc hội giao, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia đã thành lập một Tiểu ban thuộc NEC để thẩm tra, xác minh làm rõ những nghi vấn trong bầu cử.

Dư luận Campuchia và quốc tế cho rằng: việc Đảng CPP giành được 68 ghế và Đảng CNRP được 55 ghế trong Quốc hội 123 ghế là phản ánh đúng tương quan lực lượng chính trị giữa các đảng phái ở Campuchia. Đồng thời, kết quả trên cũng thể hiện ý chí và nguyện vọng của đa số cử tri nói riêng, đa số nhân dân Campuchia nói chung. Do đó, việc Ủy ban Bầu cử Quốc gia tiến hành thẩm tra, xác minh, làm rõ các nghi vấn liên quan đến bầu cử là cần thiết và đúng đắn, nhưng khó có thể thay đổi được kết quả đã sơ bộ thông báo.

2. Trong thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập, trước và sau cuộc bầu cử Quốc hội, bầu cử Tổng thống, bầu cử Thủ tướng, các đảng chính trị, nhất là các đảng lớn, phê phán, công kích nhau là điều bình thường. Điều này vẫn thường thấy ở Mỹ, các nước EU và tại hầu hết các quốc gia theo thể chế chính trị đa nguyên. Thông thường, các đảng đối lập phê phán những sai lầm trong chính sách đối nội, chính sách đối ngoại của chính quyền đương nhiệm. Ngược lại, những người đang chi phối chính trường (cầm quyền) lại công kích về tính mị dân, phi thực tế trong cương lĩnh tranh cử của các đảng đối lập.

Nhìn chung, ở Mỹ, ở Nhật Bản và các nước thuộc EU, các cuộc tranh luận, phê phán công kích nhau của các ứng cử viên thuộc đảng đối lập và đảng cầm quyền đều diễn ra một cách công khai, thẳng thắn và có văn hóa trước, sau các cuộc bầu cử lớn (quốc hội, tổng thống, thủ tướng… ). Các cuộc tranh luận như vậy là hết sức cần thiết, vừa phản ánh mức độ dân chủ của thể chế chính trị quốc gia, vừa thể hiện sự trưởng thành về chính trị, tính trung thực và phẩm chất đạo đức của các ứng cử viên.

Tại Campuchia, trước và sau các kỳ bầu cử Quốc hội thường có nhiều hiện tượng, sự kiện hoàn toàn không bình thường (như ở Mỹ, Nhật, EU). Còn nhớ, trước kỳ bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ IV vào 27/7/2008, ông Sam Rainsy, lúc đó là Chủ tịch Đảng Sam Rainsy, đã đưa ra cương lĩnh tranh cử nếu Đảng Sam Rainsy thắng cử và lập chính phủ, thì ông và chính quyền Campuchia do ông cầm đầu sẽ thực hiện 3 việc lớn: 1. Sửa Hiến pháp Campuchia và xác định Việt Nam là kẻ thù số 1 của Campuchia; 2. Đuổi hết người Việt Nam ra khỏi Campuchia; 3. Đòi lại Nam bộ của Việt Nam (ông cho rằng, Nam bộ vốn là của Campuchia và đã bị Pháp cắt chuyển cho Việt Nam).

Cương lĩnh tranh cử trên, chứng tỏ 3 điều: 1. Ông Sam Rainsy là một người mù về lịch sử; 2. Ông Sam Rainsy là một người không trung thực và 3. Ông Sam Rainsy là một kẻ có nhân cách thấp hèn vì ông đã lấy oán trả ân.
Vì thế, nhân dân Campuchia đã không thừa nhận ông Sam Rainsy là một chính khách có đủ phẩm chất để nắm quyền lực và Đảng Sam Rainsy đã thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội 27/7/2008 (chỉ giành được 26 ghế, CPP được 90 ghế).

Trước bầu cử Quốc hội Campuchia 28/7/2013, ông Sam Rainsy có điều chỉnh chiến lược tranh cử theo hướng giảm bớt những lời hô hào, hứa hẹn một cách lố bịch và vô liêm sỉ như 2008, nhưng vẫn hướng mũi nhọn chống Việt Nam của một kẻ chuyên nghề lấy oán trả ân.

Đặc biệt, sau bầu cử 28/7/2013, ông Sam Rainsy lại có một số lời nói xuyên tạc lịch sử như đảo Phú Quốc (đã thuộc chủ quyền của Việt Nam trước đây hơn hai trăm năm) là của Campuchia. Để lấy lòng ai đó và tìm chỗ dựa ở bên ngoài, ông Sam Rainsy lại liều lĩnh nói xằng bậy như một kẻ “điếc không sợ súng” rằng: “tất cả mọi hòn đảo do Trung Quốc bảo vệ là lãnh thổ của Trung Quốc. Những hòn đảo ấy là của Trung Quốc và chỉ thuộc về Trung Quốc mà thôi”.

Nói ra những điều sai trái trên chứng tỏ: hoặc là ông Sam Rainsy hoàn toàn mù lịch sử, hoặc ông ta biết nhưng vì động cơ thấp hèn nên ông ta cố xuyên tạc lịch sử. Ông Sam Rainsy xuất thân từ một gia đình dòng dõi, có bề dày hoạt động chính trị, lại được học hành tử tế, đã có nhiều năm sống ở Pháp, đã tiếp xúc, giao lưu với nhiều chính khách, học giả nhiều nước. Như vậy, không thể nói ông Sam Rainesy là một người mù lịch sử.

Nhưng dù sao cũng xin nhắc lại vài điều sơ đẳng nhất: 1. Năm 1862 triều đình nhà Nguyễn Việt Nam đã cắt nhượng ba tỉnh Đông Nam bộ cho Pháp, và năm 1874 lại cắt nhượng ba tỉnh miền Tây Nam bộ cho Pháp. Từ 1874, Pháp đã biến Nam bộ của Việt Nam thành lãnh thổ hải ngoại của Pháp. 2. Ngày 4/6/1949, Tổng thống Pháp Vincent Aurilô đã ký Sắc luật số 49733 trao trả lại vùng đất Nam bộ cho Việt Nam.

Như vậy, việc Việt Nam nhượng Nam bộ cho Pháp và việc Pháp trả lại Nam bộ cho Việt Nam chỉ thực hiện trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Pháp, mà hoàn toàn không liên quan đến Campuchia. Đó là sự thật lịch sử và những sự kiện quan trọng nói trên còn được thể hiện rõ ràng trong các văn bản, tài liệu chính thống của nước Cộng hòa Pháp và Việt Nam.

Trong bức thư Chính phủ Cộng hòa Pháp gửi Quốc vương Norodom Xi - Ha - Nuc ngày 8/6/1949 có đoạn: “Ngoài những lý do thực tiễn, những lý do về pháp lý và lịch sử không cho phép Chính phủ Pháp trù tính các cuộc đàm phán song phương với Campuchia để sửa lại các đường biên giới của Nam Kỳ. Quốc vương hẳn biết rằng Nam Kỳ đã được An Nam nhượng cho Pháp theo các Hiệp ước 1862 và 1874…Về Pháp lý, Pháp có đủ cơ sở để thỏa thuận với Hoàng đế Bảo Đại việc sửa đổi quy chế chính trị của Nam Kỳ… Lịch sử ngược lại (phản bác - LVC) với luận thuyết cho rằng miền Tây Nam Kỳ vẫn còn phụ thuộc vào Triều đình Campuchia lúc Pháp tới. Giữa những ví dụ khác, xin phép nhắc lại rằng Hà Tiên (và Phú Quốc - LVC) đã được đặt dưới quyền tôn chủ của Hoàng đế An Nam từ năm 1715 và kênh nối Hà Tiên với Châu Đốc được đào theo lệnh của các quan An Nam từ nửa thế kỷ trước khi chúng tôi đến” (Từ 1819 đến 1824 Nhà Nguyễn - vua Minh Mệnh - đào kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc với Hà Tiên).

Đã có hàng chục ngàn tư liệu, tài liệu, bài viết, các công trình chuyên khảo, sách các loại đã công bố trong vài ba thế kỷ gần đây đều gián tiếp, trực tiếp xác nhận chủ quyền của Việt - Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Chắc chắn ông Sam Rainsy không có điều kiện tiếp cận được nhiều tài liệu nói trên.

Để khỏi mang tiếng là người mù lịch sử, tôi khuyên ông Sam Rainsy nên đọc cuốn sách “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của Giáo sư Monique Chemillier Gendreau, Giáo sư Công Pháp và khoa học chính trị ở Đại học Paris VII, nguyên là Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia châu Âu, xuất bản ở Paris năm 1996. Trong cuốn sách này, Giáo sư Monique Chemillier Gendreau đã dẫn ra bằng chứng thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

3. Có ba điều tôi lưu ý ông Sam Rainsy: 1. Trong quá trình hy sinh xương máu để cứu nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng 1979 và những năm sau đó, nhân dân Việt Nam và lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không hề có việc gì làm tổn hại đến thể chất, tinh thần, lợi ích của bản thân ông và gia đình ông, dù là nhỏ nhất; 2. Ông xuất thân trong một gia đình thuộc loại “danh gia vọng tộc”; 3. Ông cũng có học, có bằng cử nhân, lại đang học tập làm một chính khách và có tham vọng cháy bỏng sớm trở thành người nắm quyền lực ở Campuchia.

Do đó, ông Sam Rainsy phải cẩn thận giữ mồm giữ miệng trong ăn nói, phát ngôn. Muốn trở thành chính khách, trước hết ông phải thể hiện rõ mình là một người tử tế, trung thực và có văn hóa. Xâu chuỗi những hành động của ông trong hơn chục năm qua buộc người ta phải coi ông là người không trung thực, thiếu hiểu biết, văn hóa giao tiếp thấp kém, chuyên xuyên tạc lịch sử và lấy oán trả ân, ngậm máu phun người. Nếu tiếp tục con đường đó, thì ngay đến sinh linh của hơn hai triệu người Khmer đã chết do diệt chủng Pon pốt - Yeng Xari cũng không để ông yên!

Trong lịch sử chính trị thế giới cổ, kim, vẫn có những kẻ cầm quyền theo kiểu “hôn quân bạo chúa”. Đó là con đường tà đạo để leo lên quyền lực. Nhưng sớm muộn, những kẻ đó sẽ bị nhân dân họ ném vào hố rác của lịch sử. Vẫn còn đủ thời gian cho ông Sam Rainsy quay lại con đường chính đạo.
Hối hận và sửa sai là tối cần thiết và rất có ích đối với mọi người.
Muộn còn hơn không.

Nếu từ nay về sau ông Sam Rainsy sống tử tế và trung thực thì vẫn còn cơ hội để ông có thể trở thành chính khách. Tục ngữ có câu: “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người quay lại”. Nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam luôn rộng lòng và sẵn lòng đón ông trên con đường chính đạo. Quay lại con đường chính đạo là phù hợp với lợi ích của nhân dân Campuchia, phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực ASEAN nói riêng, của thế giới nói chung.


Lê Văn Cương (Thiếu tướng - Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an)