Cần lắm sự yêu thương

16/10/2013 15:39

(Baonghean) - Một đứa trẻ ra đời mang theo niềm vui, niềm hy vọng cho cả gia đình, dòng họ. Vậy mà, cũng mang nặng, đẻ đau, cũng trải qua “9 tháng 10 ngày” thai nghén nhưng lại có những người mẹ nhẫn tâm bỏ con, để lại thiên chức làm mẹ thiêng liêng cho người xa lạ...

Chẳng khó khăn nhiều để hỏi thăm nhà của anh Vương Quốc Vị và chị Nguyễn Thị Nhu (xóm Xuân Yên, xã Hồng Thành, huyện Yên Thành), dù từ trung tâm xã vào nhà anh còn phải đi qua một cánh đồng. Biết chúng tôi là khách lạ, muốn đến thăm bé Nam, anh chị mừng lắm. Chị Nhu bế bé Nam từ trong buồng ra khoe: “Cô thấy thế nào, ngày mới sinh bé chỉ nặng 1,2 kg. Rứa mà về đây đã tăng lên 5kg rồi đấy. Hôm đón Nam về, mặc dù bé đã tăng lên được 2,2kg, nhưng vẫn còn yếu lắm. Bác sỹ chẩn đoán bé bị bệnh tim bẩm sinh. Tôi nhìn con da nhăn nheo, đầu thì méo hẳn một bên vì suốt ngày nằm, mặt hốc hác mà không cầm được nước mắt”.

Chị Nhu cho biết, tháng 6/2013, nhờ tình cờ được một người bạn ở xã Mã Thành “mách” ở Bệnh viện Sản - Nhi có một đứa bé bị bỏ rơi, anh chị đã tức tốc vào xin nhận nuôi. Đến Khoa Sơ sinh, sau khi đề đạt nguyện vọng, chị được cho vào thăm bé, khi đó bé đang nằm điều trị trong lồng kính. Ngay lần đầu tiếp xúc chị đã linh cảm giữa mình và bé có một sợi dây gắn kết đặc biệt. Chị thấy thương bé vô cùng, trong lúc các cháu bên cạnh đều được người nhà chăm sóc chu đáo, riêng Nam nằm một mình, chỉ có nhân viên trong khoa cứ 10 - 15 phút lại đảo qua để theo dõi bệnh tình của bé. Nhìn xuống bỉm của bé, đã khô một vạt vàng, chị không kìm được tiếng khóc khi nghĩ: Sao lại có người mẹ nào tàn nhẫn bỏ rơi con thế này… Rồi chị xin cho chồng được vào thăm bé, chồng của chị cũng khóc.

Bé Nam (Gia Ân) trong vòng tay của mẹ.
Bé Nam (Gia Ân) trong vòng tay của mẹ.

Ngay hôm ấy, anh chị đã được Bệnh viện Sản - Nhi đồng ý cho đón bé về nuôi, nhưng các bác sĩ khuyên rằng: “Vợ chồng phải suy nghĩ kỹ vì sức khỏe của Nam hiện rất xấu, vừa bị tim bẩm sinh, vừa bị ngang dạ dày lại còn bị sa bộ phận sinh dục”. Nghe lời bác sỹ, anh chị về nhà rồi mở cuộc họp gia đình. Bị gia đình phản đối, đêm hôm ấy cả hai vợ chồng không thể nào ngủ được, sang đêm thứ hai, thứ ba cũng thế. Nhắm mắt là lại hình dung đến hình ảnh của Nam, chị Nhu lại khóc. Biết vợ rất khao khát đứa con này, anh Vị động viên chị: “Thôi mình quyết định nuôi nhé em. Con nó bệnh tật thì mình càng phải nâng niu, chăm sóc. Con nó mà đau, thì mình càng phải chịu thương, chịu khó”.

Mất một ngày để làm các thủ tục ở xã và mua sắm đồ cho trẻ sơ sinh, ngày 21/6 anh chị quyết định thuê một chiếc xe vào bệnh viện Sản - Nhi đón cháu bé về. Vào đến nơi, anh được biết chỉ cần chậm một tiếng nữa thôi bé Nam sẽ được chuyển về Trung tâm Bảo trợ xã hội. Khi đó, anh chị cũng mới biết rằng, thông tin về một cháu bé sơ sinh bị tim bẩm sinh đã được các báo Nghệ An, Dân Trí, Công an Nghệ An và một số báo khác đăng tải. Độc giả xa gần gửi về gần 100 triệu đồng giúp đỡ bé.

Từ ngày có bé Nam, chưa một ngày nào cả nhà anh được an giấc bởi nuôi một đứa trẻ sơ sinh đã khó, nuôi một đứa bé bị bệnh tật còn khổ hơn trăm lần. Về nhà chưa đến hai tháng nhưng đã hai lần anh chị phải ôm con vào bệnh viện. Ngoài ra, do bé sinh non, dạ dày chưa hoàn thiện nên uống sữa xong là phải bồng đứng cháu gần 15 phút để không bị trớ, trở trời một tý là bé lại tím tái khó thở. Ông bà nội, ngày trước phản đối là thế, vậy mà bây giờ ngày nào cũng sang thăm cháu. Cái tên Vương Gia Ân thay cho tên Nam cũng là do ông nội đặt với ý nghĩa “ân huệ của gia đình”. Vui nhất là con gái chị Nhu, đêm nào cũng thức với mẹ để pha sữa, chăm em. Cô bé cũng là con nuôi được anh chị nhận nuôi 15 năm trước.

Anh Vị tâm sự: “Tôi chả mơ ước nhiều, chỉ xin Chúa, xin đức mẹ cất bớt gánh nặng, bệnh tật cho con… Số tiền được mọi người giúp đỡ, một phần tôi sẽ gửi tiết kiệm cho con, một phần tôi sẽ cất để vài ba tháng nữa, đợi cháu cứng cáp đưa cháu ra Hà Nội khám tổng thể và xin làm phẫu thuật tim cho cháu”.

Bác sỹ Trương Lệ Thi - Bệnh viện Sản - Nhi, cho biết: “Trường hợp may mắn như bé Nam rất hiếm, vì không gia đình nào muốn nhận nuôi một em bé bệnh tật. Bản thân chúng tôi cũng mong muốn các cháu có gia đình nhận nuôi hơn là gửi các cháu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Bởi vì các cháu lớn lên trong môi trường gia đình sẽ được trưởng thành như những đứa trẻ bình thường khác. Trước bé Nam, có cháu Nguyễn Thị Bé (đẻ non, 1,7 kg) bị để lại trước hành lang của bệnh viện, sau khi ổn định sức khỏe cho bé chúng tôi đã phải gửi về Trung tâm Bảo trợ xã hội ở Đô Lương. Hai bé sinh non Hoàng Thị Mai, Hoàng Thị Nga (1,4 kg) thì phải hai lần đổi gia đình mới có người nhận nuôi vì không ai muốn nuôi một lúc hai cháu”.

Thời gian qua, bên cạnh nhiều gia đình nhận nuôi các bé thì nhiều tổ chức xã hội khác cũng đã vào cuộc. Ví như tại Làng trẻ em SOS Vinh, 15 cậu bé, cô bé sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng làng cũng đã được đặt tên, tìm lại hạnh phúc từ những tấm lòng vô bờ bến như thế. Nói về các con, ông Lê Bá Lương – Phó Giám đốc Làng trẻ SOS nhớ lại: Ban đầu chẳng ai trong các cháu có tên cả, chúng tôi gọi chung là cháu số 1, số 2... theo thứ tự mà các mẹ đã bắt thăm từ trước. Nhận về nuôi, các mẹ đặt tên lại, rồi cho mang họ theo như tên của mẹ. Rứa mà trong số 15 cháu trên, đến nay đã có 3 cháu học đại học, 6 cháu học cao đẳng. Cháu ít tuổi nhất là Huỳnh Đức, con mẹ Đàn, năm nay cũng đã học lên cấp II, năm nào cũng giành được học bổng Odon Vallet…

Chị Xuân – người mẹ của những đứa con trong ngôi nhà Cây Tùng – Làng trẻ SOS nhớ lại: Trong những đứa con do chị nuôi dưỡng, Duyên là đứa bé khiến chị chịu nhiều vất vả nhất. Bị bỏ rơi trên chiếc xe ca cách đây 20 năm, một người khách đã đưa Duyên đến Làng trẻ SOS. Bản thân chị khi đó mới 33 tuổi và chưa một lần làm mẹ. Khi bồng đứa bé được quấn bằng tấm vải kate cắt vội, còn đỏ hỏn trên tay chị lo lắng và sợ hãi bởi “con người ta đứa nào cũng hồng hào mập mạp, sao con mình lại … thế này”. Mãi gần 1 tháng sau bé mới rụng rốn, khóc hết 3 tháng 10 ngày khiến chị Xuân vô cùng vất vả. Qua đốt đầu tiên khó khăn, may mắn sau đó ông trời thương mẹ con chị nên Duyên càng lớn càng ngoan, chăm chỉ, biết thương mẹ, thương em. Từ nhỏ đến lớn, Duyên chưa bao giờ làm mẹ phải phiền lòng. Hôm có kết quả thi đại học, biết con được 27,5 điểm, hai mẹ con ôm nhau cười mà nước mắt rưng rưng. Giờ con đi học xa nhà, mỗi năm mới về một vài lần, nhưng lần nào Duyên cùng đòi vào ngủ với mẹ, như ngày còn nhỏ. Thương con, có lần chị hỏi “Hay là để mẹ đi tìm lại bố mẹ đẻ cho con?” Duyên lắc đầu bảo: “Họ đẻ ra con là ngoài ý muốn, giờ chắc gì họ còn muốn gặp lại con?”.

Tuy nhiên, không phải trường hợp trẻ em bị bỏ rơi nào cũng có số phận may mắn, được cưu mang. Những năm qua, đã có rất nhiều cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi không ai chăm sóc, cuối cùng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã phải nhận nuôi dưỡng tập trung cho đến ngày trưởng thành, cho dù được xã hội quan tâm chăm sóc nhưng các em vẫn thiếu thốn tình cảm gia đình nên không thể có một cuộc sống hạnh phúc như những đứa trẻ bình thường khác. Cũng không phải tất cả những trẻ em lớn lên ở Làng trẻ SOS đều có nghị lực để trưởng thành như Duyên, ngược lại rất nhiều trẻ em bị bỏ rơi, sau khi lớn lên thường mang tâm lý mặc cảm với số phận và thiếu thốn tình cảm ruột thịt, từ đó dễ dẫn đến những hành động tiêu cực. Như trường hợp của em Nguyễn Thị Kiều Anh ở Làng trẻ SOS Vinh, mặc dù từ bé đến hết cấp 1 em luôn là một cô bé hiền lành, sôi nổi nhưng khi bắt đầu vào học cấp II, em bắt đầu có xu hướng nổi loạn, thách thức. Đến khi không đủ điểm để vào học cấp ba, mẹ và các anh chị trong nhà đã tạo điều kiện để em làm công nhân nhưng em thoái thác, sống buông thả rồi một ngày bỏ đi không trở về.

Ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng Phòng Bảo vệ trẻ em – Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Trẻ em bị mẹ bỏ rơi chủ yếu là trẻ sơ sinh do mẹ còn ít tuổi, lỡ mang thai, không đủ điều kiện chăm sóc hoặc trẻ bị nhiễm HIV – AIDS. Hiện toàn tỉnh có gần 2900 trường hợp trẻ là đối tượng bị bỏ rơi, tàn tật nặng hoặc nhiễm HIV – AIDS đang được nhận chăm sóc và nuôi dưỡng ở các gia đình hoặc các trung tâm bảo trợ xã hội. Khó khăn nhất là trẻ bị nhiễm HIV, bởi tỉnh ta chưa có trung tâm chăm sóc, phải gửi các em vào trung tâm ở TP Hồ Chí Minh để điều trị, nuôi dưỡng”.

Tình trạng trẻ bị bỏ rơi ngày một nhiều cũng là một lời cảnh báo cho lối sống thờ ơ, vô trách nhiệm, buông thả của một số bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên hiện nay. Qua đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, về chăm sóc SKSS vị thành niên, giáo dục cho các em trách nhiệm sống, ý thức với gia đình, với cộng đồng. Và để các em bị bỏ rơi có một môi trường sống hoàn thiện, đầy đủ thì vẫn cần hơn nữa sự quan tâm, chăm sóc của các tổ chức, cộng đồng và các cá nhân.

Bài, ảnh: Mỹ Hà – Hoàng Hảo