Ngành ô tô Việt Nam: Liệu chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ?

29/12/2013 14:49

Trong khi chúng ta đang loay hoay với giá thành sản xuất, vốn cao hơn khoảng 50% so với Thái Lan, thì nước bạn đã và đang sáng chế ra những sản phẩm xe mới, và không quên dự định xuất khẩu.

Từ 1/1/2014 thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ là 50%, mức thuế được quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN do Bộ tài chính ban hành kèm theo Thông tư 161/2011/TT-BTC. Hiện tại, mức thuế nhập khẩu đang là 60%, là nguyên nhân chính giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập về mặt giá cả.

Quyết định này không quá bất ngờ đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, vốn đã có gần 10 năm chuẩn bị trước khi hội nhập. Theo lộ trình, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ về 0% vào năm 2018.

Theo đánh giá được đưa ra trong một cuộc hội thảo về ngành công nghiệp ô tô, các chuyên gia cho rằng, hiện tại thị trường ô tô Việt Nam giống như Indonesia cách đây 10 năm hay Thái Lan cách đây 25 năm. Vậy mà, chỉ hơn 4 năm nữa thôi, thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia này sẽ về 0%. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu ngành công nghiệp ô tô đã chuẩn bị đầy đủ trước khi bước chân vào ngưỡng cửa hội nhập?

Sau gần 10 năm sau quyết định số 117/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng về quy hoạch và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020, ngành công nghiệp ô tô thậm chí chưa được hình thành đúng nghĩa ở nước ta. "Mới chỉ là công nghiệp lắp ráp" - nhiều chuyên gia nhận định.

Trong khi chúng ta đang loay hoay với giá thành sản xuất, vốn cao hơn khoảng 50% so với Thái Lan, thì nước bạn đã và đang sáng chế ra những sản phẩm xe mới, với các tiêu chí tiêu thụ ít nhiên liệu, giá rẻ, và không quên dự định xuất khẩu. Thái Lan hiện đang phấn đấu lọt top 10 quốc gia sản xuất ô tô lớn nhất thế giới với con số mục tiêu đạt 3 triệu xe vào năm 2015.

Thái Lan đã chuẩn bị như thế nào trước hội nhập vào năm 2005?

Họ đã chuẩn bị từ rất sớm. Từ những năm 70, quốc gia này đã có những chính sách như thúc đẩy phân khúc xe cụ thể (xe P/U) kèm theo đó là các chính sách ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa. Năm 1972, Thái Lan mở rộng chính sách kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Đến năm 1995 là chính sách thuế ưu đãi cho xuất khẩu.

Chuẩn bị chu đáo là vậy, phải đến 2005 Thái Lan mới bắt đầu mở cửa thị trường xe với thuế nhập khẩu từ 0 đến 5% và miễn hoàn toàn từ năm 2010. Một chặng đường không hề ngắn.

Cũng phải nhắc lại, thị trường ô tô Việt Nam hiện nay tương tự Thái Lan cách đây 25 năm!

Philippines và bài học...thất bại

Khác với bài học thành công từ Thái Lan là bài học thất bại từ Philippines, cũng là một nước láng giềng Việt Nam. Khác với Thái Lan, Philippines chưa đưa ra những biện pháp khuyến khích cụ thể giúp thị trường phát triển đủ dung lượng cần thiết. Chính vì vậy, sau khi mở cửa thị trường, sản lượng ô tô của Philippines cũng không tăng lên đáng kể. Hiện nay sản lượng ô tô của Philippines chỉ ở mức 55 nghìn xe, thấp hơn Việt Nam.

Hiện nay, Chính phủ Philippines cũng đang nghiêm túc xem xét các chính sách mới nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước.

...Và cơ hội nào cho Việt Nam?

Trước hết hãy nhìn thẳng vào các khó khăn mà ngành công nghiệp ô tô đang phải đối mặt. Sản lượng ô tô Việt Nam hiện nay còn tương đối khiêm tốn nên không thu hút được nhiều nhà cung ứng linh kiện đến Việt Nam. Theo thống kê, sản lượng ngành của Việt Nam chỉ ở vào khoảng 72 nghìn xe, trong khi đó ở Indonesia và Thái Lan lần lượt là 996 nghìn và 2,45 triệu xe.

Bên cạnh đó, sự thay đổi liên tục trong chính sách thuế/phí khiến các doanh nghiệp hết sức "khó xử". Năm 2007, mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 30 - 50%, trong khi VAT 10%. Đến năm 2009, thuế TTĐB nâng lên 45 - 60%, VAT giảm xuống còn 5%...

Sản lượng thấp dẫn đến tỷ lệ nội ddiaj hóa và giá thành sản xuất chưa được cải thiện đúng mực. Thuế nhập khẩu đến lúc này buộc phải phát huy chức năng bảo hộ sản phẩm trong nước!

Tất nhiên, tình hình không quá u ám như chúng ta vẫn hình dung. Ngành công nghiệp ô tô hiện đang đứng trước cơ hội khá lớn từ hội nhập. Muộn còn hơn không, Chính phủ và các bộ ban ngành đã có những động thái cụ thể hỗ trợ mạnh mẽ sự phát triển của ngành trong tương lai không xa.

Ngành ô tô và phụ tùng ô tô là 1 trong 6 ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Chiến lược phát triển ngành được sự hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản - một trong những quốc gia đứng đầu thế giới trong ngành công nghiệp giàu tiềm năng này.

Có lẽ không cần phải bàn nhiều về tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam khi thu nhập người dân ngày càng cao, dân số trẻ, là khách hàng tiềm năng nằm trong độ tuổi mua xe ngày càng tăng...

Noi theo con đường thành công của Thái Lan, Việt Nam hiện đã và đang áp dụng ưu đãi cho các mẫu xe sản xuất trong nước đáp ứng được các yêu cầu của "xe chiến lược", đồng thời giảm các loại thuế ô tô hiện hành cho một số phân khúc nhất định được dự đoán là có tiềm năng.

Hiện tại, các Bộ ban ngành đang thảo luận tiến trình giảm thuế nhập khẩu, trong đó đề nghị mức thuế trong 2 năm 2015 và 2016 giữ nguyên 50% như năm 2014, và giảm xuống 30% vào năm 2017. Dù sao đi nữa, đến năm 2018, mức thuế phải về 0%.

Với sự nỗ lực quyết liệt, chúng ta có quyền hi vọng sẽ không bị thua ngay trên sân nhà, vào một ngày không xa

Theo.trithuctre