Tìm kho báu của Gaddafi: Cuộc chiến mới
“Vua Ngô ba sáu tấn vàng/ Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì” (ca dao Việt Nam), đó cũng là tình cảnh của nhà lãnh đạo bị lật đổ Gaddafi. Đến nay, tài sản của vị lãnh đạo độc tài có thời gian 42 năm cầm quyền của Lybia vẫn đang là đề tài nóng, và việc khả nghi còn có một khó báu Gaddafi để lại trước khi chạy trốn lại tiếp tục lôi cuốn nhiều phía cùng vào cuộc.
(Baonghean) - “Vua Ngô ba sáu tấn vàng/ Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì” (ca dao Việt Nam), đó cũng là tình cảnh của nhà lãnh đạo bị lật đổ Gaddafi. Đến nay, tài sản của vị lãnh đạo độc tài có thời gian 42 năm cầm quyền của Lybia vẫn đang là đề tài nóng, và việc khả nghi còn có một khó báu Gaddafi để lại trước khi chạy trốn lại tiếp tục lôi cuốn nhiều phía cùng vào cuộc.
Mặc dù là con út trong một gia đình nông dân không có gia sản đáng kể, nhưng với 42 năm liên tục ở vị trí quyền lực cao nhất của đất nước 6 triệu dân, có nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào, tài sản của Đại tá Gaddafi khiến những tỷ phú hàng đầu của thế giới cũng phải ngã mũ: tổng tài sản của Gaddafi vào khoảng trên dưới 200 tỷ USD.
Trong khi đó, theo Tạp chí Forbes, trong số danh sách lần lượt 10 tỷ phú giàu nhất thế giới gần đây nhất (năm 2012), 3 người đứng đầu lần lượt là: Ông trùm truyền thông - tỷ phú người Mexico Carlos Slim Helu giữ vững danh hiệu người giàu nhất thế giới năm thứ 4 liên tiếp khi tài sản tăng 4 tỷ USD so với năm 2011 và đạt mức 73 tỷ USD; tiếp theo là Bill Gates, năm 2012 tài sản của Bill Gates tăng tới 6 tỷ USD, hiện ông sở hữu khối tài sản 67 tỷ USD, và là người giàu thứ hai thế giới; tài sản của tỷ phú người Tây Ban Nha Amancio Ortega - người giàu thứ 3 là 57 tỷ USD.
So sánh như thế, để thấy một số phát ngôn hết sức “ngông” của Gaddafi trước đây đều có cái lý của nó: “Tôi là một nhà lãnh đạo quốc tế, là lãnh đạo của các lãnh đạo Ảrập, vua của các vị vua châu Phi và là lãnh tụ của chủ nghĩa Hồi giáo. Vị thế quốc tế của tôi không cho phép tôi ở một vị trí thấp hơn”. (Nói sau cuộc họp thượng đỉnh của các nước Ảrập ở Qatar).
Gaddafi chính thức bị lật đổ vào cuối tháng 8 năm 2011 và bị lực lượng nổi dậy giết chết ngày 20/10/2011 tại Sirte (Libya). Hiện đang trôi nổi các nguồn tin cho rằng Gaddafi đã tẩu tán số lượng vàng, kim cương, tiền mặt giá trị cực lớn trước khi tháo chạy. Bởi vậy, nhiều năm qua không chỉ người dân mà các quan chức nước này cũng bị cuốn vào ảo vọng tìm kiếm kho báu mà Gaddafi cất giấu, với dự ước có thể có giá trị lên tới 10 tỷ USD. Theo một số nguồn tin thì Gaddafi đã giấu kho báu này trong lúc trốn chạy, và nơi cất giấu là một nước láng giềng, rất có thể đó là Nam Phi.
Nhà lãnh đạo bị lật đổ của Lybia – Gaddafi.
Chính vì vậy, mới đây, phát ngôn viên của Đảng liên minh dân chủ, Tim Harris, đã viết thư cho Bộ trưởng Tài chính Pravin Gordhan, yêu cầu ông mở cuộc điều tra đầy đủ về những tài sản của Libya (nếu có) đã được chuyển giao cho Nam Phi. Sau đó, Harris còn yêu cầu phía Nam Phi gửi cho LHQ những tài liệu liên quan tới tài sản của Lybia và kiên trì theo đuổi dấu vết của người đào vàng và những kẻ cơ hội săn tìm kho báu.
Đáp lại, ông Gordhan cho biết Chính phủ Libya chỉ thực hiện đầu tư thương mại thông thường tại Nam Phi. Ông Gordhan trong cuộc gặp Thủ tướng Libya, Usama al-Abid đã khẳng định nếu Nam Phi tìm thấy kho báu của Gaddafi, họ sẽ thông báo cho Liên Hợp quốc. Không chỉ người dân, hay các nhà cầm quyền thời hậu Gaddafi, mà ngay cả Liên Hợp quốc cũng không hề dửng dưng với món tài sản kếch xù này. Năm 2011, Liên Hợp quốc đã thiết lập một ủy ban tìm kiếm số tài sản khổng lồ mà người ta cho rằng Gaddafi đã có được.
Việc tìm kiếm đã diễn ra suốt hơn 2 năm qua, và bây giờ lại được tiếp tục được hâm nóng thành một cuộc chạy đua không kém phần khốc liệt. Dư luận vẫn chờ xem thử thực hư của vụ việc này ra sao. Còn bản chất của Gaddafi thì chắc hẳn mọi người đều đã hiểu, đến giờ thì không mấy ai còn tin vào câu nói nổi tiếng của ông này nữa “Không có nước nào có một nền dân chủ, ngoại trừ Libya trên khắp hành tinh này”.
Chí Linh Sơn