Hội nghị quốc tế Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck
Ngày 29/7, tại Bình Định, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của chương trình khoa học Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 đã diễn ra hội nghị quốc tế về hai chuyên đề về Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck cùng với Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã tập trung thảo luận về nhiều vấn đề trong lĩnh vực vũ trụ thiên văn kỷ nguyên Planck (thời sơ khai). Đáng chú ý, một vấn đề được đưa ra thảo luận là có sự tồn tại của hạt vật chất “âm” (bóng tối) hay không.
Giáo sư vật lý Trần Thanh Vân nói: Các nhà vật lý trên thế giới hiện nay muốn tìm hiểu rằng trong mỗi hạt vật chất đều có điện âm và điện dương. Vậy nên khi xem các hạt vật chất đang tồn tại đã tìm ra được là dương thì liệu có loại vật chất “âm” nào hay không. Đồng thời, nhiều nghiên cứu cũng muốn giúp con người giải mã các loại vật chất khác trong “bóng tối”, “sức nặng bóng tối” của các hành tinh trong vũ trụ; sự thay đổi của vật chất từ thời sơ khai cho đến nay…
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã trao đổi về luận thuyết vụ nổ lớn Big Bang xảy ra cách đây khoảng 15 tỉ năm tạo nên vũ trụ. Các nhà vật lý quốc tế đều đi theo luận thuyết này để lý giải cho sự hình thành của vũ trụ và trái đất. Bằng chứng là bức xạ nhiệt do vụ nổ lớn gây ra vẫn còn tồn tại đến ngày nay với khoảng 2,7 độ K, hoạt động đẳng hướng nhưng có sự dao động.
Các nhà khoa học trao đổi tại Hội nghị.
Ngoài ra, nhiều vấn đề về thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn của nhà bác học Albert Einstein cũng được trao đổi tại hội nghị. Các nhà khoa học đã chia nhóm hội thảo theo nhiều hướng nghiên cứu sâu về lý thuyết lượng tử, thuyết tương đối tổng quát, trường hấp dẫn…
Chương trình gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 này kéo dài từ 29/7 đến 14/8 với nhiều hoạt động khoa học, có sự tham gia của 5 nhà bác học đã đoạt giải Nobel.
Trong các hoạt động lần này, Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam sẽ khánh thành Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành tại thành phố Quy Nhơn. Đây là trung tâm hoạt động theo mô hình nghỉ dưỡng, nghiên cứu, hội thảo khoa học… mang tầm quốc tế đầu tiên tại Đông Nam Á. Hằng năm, các nhà khoa học trên thế giới sẽ về đây cùng nghiên cứu, trao đổi về các vấn đề khoa học; các nhà khoa học Việt Nam cũng có dịp gặp gỡ, học hỏi, trao đổi về nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực khoa học cơ bản còn yếu hiện nay.
Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam do Giáo sư vật lý Việt kiều tại Pháp Trần Thanh Vân thành lập năm 1993. Bên cạnh các hoạt động nhằm góp phần nâng cao trình độ khoa học cơ bản của Việt Nam, Giáo sư Trần Thanh Vân cũng đã giúp nền giáo dục Việt Nam áp dụng phương pháp ‘bàn tay nặn bột’ trong việc đào tạo, giáo dục trẻ em đã được áp dụng khá phổ biến./.
(Theo ĐCSVN) - LH