Điểm tựa thoát nghèo của đồng bào Mông ở Huồi Tụ

25/12/2013 15:05

(Baonghean) - Những ngày này, cán bộ, đội viên Tổng đội TNXP 8 và bà con đồng bào Mông ở xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) đang sống trong niềm vui và không khí háo hức đón mừng kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Tổng đội TNXP 8 (2003 - 2013). Niềm vui đó như nhân lên khi dịp này, tổng đội vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ - phần thưởng xứng đáng cho thành quả 10 năm miệt mài khai hoang phục hóa, mở hướng thoát nghèo, đem lại no ấm cho đồng bào Mông nơi vùng cao biên giới.

(Baonghean) - Những ngày này, cán bộ, đội viên Tổng đội TNXP 8 và bà con đồng bào Mông ở xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) đang sống trong niềm vui và không khí háo hức đón mừng kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Tổng đội TNXP 8 (2003 - 2013). Niềm vui đó như nhân lên khi dịp này, tổng đội vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ - phần thưởng xứng đáng cho thành quả 10 năm miệt mài khai hoang phục hóa, mở hướng thoát nghèo, đem lại no ấm cho đồng bào Mông nơi vùng cao biên giới.

Cuối năm, ngược miền Tây xứ Nghệ lên với mảnh đất Huồi Tụ (Kỳ Sơn) - nơi có “đại bản doanh” của Tổng đội TNXP 8, dẫn chúng tôi đi thăm những triền chè uốn lượn, vườn cây ăn quả, vườn rau xanh tứ mùa, Tổng đội trưởng Nguyễn Hữu Trạch bồi hồi nhớ lại: Năm 2003, Tổng đội TNXP 8 được thành lập với nhiệm vụ khảo nghiệm một số giống cây trồng, vật nuôi tại “cổng trời” Huồi Tụ, chuyển giao quy trình kỹ thuật, tiến bộ khoa học công nghệ cho nhân dân trong vùng, góp phần phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh, giúp đồng bào Mông xóa bỏ vững chắc cây thuốc phiện trên địa bàn.

Ngày đầu mới lên nhận nhiệm vụ ở vùng đất “chơi vơi” trên độ cao 1.200m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ nhưng địa hình dốc, lại thiếu nước triền miên, tổng đội chỉ có 11 anh em ở xuôi lên tăng cường cùng với 9 thanh niên Mông ưu tú làm nòng cốt, cũng là cầu nối của tổng đội với đồng bào. Công cụ để chinh phục núi cao, vực sâu chỉ có mấy cái cuốc, con rựa... Đời sống sinh hoạt trong cảnh nhà lán tạm bợ, không điện, nước phải xách từng xô cách xa chỗ ở hàng cây số. Anh em vừa phải khai phá nương, rẫy, trồng rau, nuôi gà để đảm bảo cuộc sống vừa trăn trở với câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì ở vùng đất này để đồng bào Mông thoát nghèo, ổn định cuộc sống, xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, không di cư trái phép?

Nắm vững đặc tính của người Mông muốn làm gì cũng phải “no cái bụng” trước, anh em tổng đội ngày thì lao động sản xuất, thử nghiệm tìm tòi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, bắt đầu từ việc trồng lúa nước đến các loại rau như xu hào, cải bắp, bí xanh, trồng gừng, nuôi gà đen, lợn đen, trồng các loại cây ăn quả, tối đến tranh thủ học tiếng Mông để “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào. Nhờ sự tận tình của đội viên tổng đội, đồng bào Mông ở Huồi Tụ đã biết trồng lúa nước, phát triển chăn nuôi, tăng gia sản xuất, hầu như nhà nào cũng có một vườn rau xanh nho nhỏ để cải thiện cuộc sống hàng ngày. Hiện nay, ngoài diện tích 1 ha rau màu trái vụ trồng tập trung, tổng đội còn nhân rộng 5 ha tại các bản của đồng bào, không chỉ đảm bảo nguồn rau xanh tại chỗ mà còn cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau xanh trị giá đạt 1.200 triệu đồng/năm, diện tích cây ăn quả 3 ha các loại ước đạt 250 triệu đồng/năm. Từ năm 2007, đơn vị còn triển khai trồng thử nghiệm thành công 20.000 cây hoa ly, cho thu nhập 720 triệu đồng và xây dựng mô hình nuôi nhốt tập trung đàn bò lai sind, xóa bỏ tập tục nuôi thả rông của đồng bào.

Thành công lớn nhất của Tổng đội TNXP 8 là đã lặn lội lên tận cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang) tìm được loại cây có tiềm năng phát triển bền vững ở Huồi Tụ và gây dựng nên thương hiệu chè tuyết Shan nổi tiếng. Để có được kết quả này là một hành trình gian nan bởi tìm được loại cây phù hợp đã khó nhưng làm sao trồng thử nghiệm thành công từ đó vận động bà con người Mông tin và làm theo càng khó hơn. Thế nhưng, sự quyết tâm và nhiệt huyết của những người “đứng mũi chịu sào” như Tổng đội trưởng Nguyễn Hồ Lâm, tiếp đến là Nguyễn Trọng Cảnh, Nguyễn Hữu Trạch cộng với sự ủng hộ của tỉnh, của huyện Kỳ Sơn và cả những người con Huồi Tụ như ông Vừ Dua Tồng - Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ thời ấy và Vừ Chống Dìa - Chủ tịch bây giờ đã khiến anh em cán bộ vững tin hơn vào “sức sống” của chè tuyết Shan trên mảnh đất Huồi Tụ.

Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 8 Nguyễn Hữu Trạch giới thiệu về chè tuyết Shan.
Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 8 Nguyễn Hữu Trạch giới thiệu về chè tuyết Shan.

Với 25 ha đất vận động bà con người Mông nhường lại, cán bộ đội viên tổng đội bắt tay vào khai hoang, làm đất và trồng chè thử nghiệm. Sau đó ươm giống, chở vào tận nương rẫy, làm đất, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn đồng bào trồng chè. Ban đầu vận động thì bà con chưa tin nhưng thấy cây chè phát triển tươi tốt, bà con rủ nhau trồng chè của tổng đội. Đến nay, tổng diện tích đã trồng chè tuyết Shan chất lượng cao 450 ha (trong đó đồng bào Mông trồng được 410 ha, số còn lại do tổng đội quản lý), chè kinh doanh là 250 ha, năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 375 tấn/năm, giá trị 2.250 triệu đồng/năm.

Đơn vị đã xây dựng hệ thống dây chuyền chế biến chè tuyết Shan chất lượng cao phục vụ bao tiêu sản phẩm cho đội viên và nhân dân.100% chè búp tươi của dân do tổng đội bao tiêu, chế biến tại chỗ. Giờ thì không chỉ đồng bào Mông ở Huồi Tụ mà cả Na Ngoi, Mường Lống cũng biết trồng chè, phát triển nhiều mô hình xoá đói giảm nghèo như trồng lúa nước, chăn nuôi bò lai sind, gà đen, lợn đen, trồng khoai sọ, bí xanh, gừng và các loại rau màu. Trước sự đổi thay của bản làng, ông Vừ Giống Dìa - Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ phấn khởi: “Nhờ biết cách chăn nuôi, trồng rau, trồng chè, đồng bào có cuộc sống ngày càng no đủ, không phải lo cái ăn, cái mặc, nhiều gia đình còn vươn lên làm giàu, thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Cảm ơn tổng đội đã làm thay đổi cách nghĩ, đem cách làm mới đến cho đồng bào Mông”.

Không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, Tổng đội 8 TNXP - XDKT còn góp phần xây dựng đời sống văn hoá mới, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; xoá bỏ nạn lâm tặc khu vực tổng đội trú đóng, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an ninh vùng biên giới. Đóng góp của tổng đội còn được ghi nhận khi đã gây dựng nên một làng thanh niên lập nghiệp trù phú với 25 hộ đội viên- điểm sáng trong bức tranh nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa của vùng Huồi Tụ. Tổng đội còn thực hiện các chương trình lồng ghép theo mô hình nông lâm kết hợp, tập trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân, không đốt phá rừng làm nương rẫy, tích cực trồng mới, bảo vệ và phát triển rừng, với diện tích khoanh nuôi bảo vệ rừng hàng năm là 3.000 ha, chăm sóc tốt rừng trồng 450 ha. Từ khi đơn vị đóng quân cho đến nay, diện tích rừng được khoanh nuôi và bảo vệ tăng năm sau cao hơn năm trước, nhận thức của nhân dân về giá trị của rừng được nâng lên rõ rệt.

Đội viên Tổng đội TNXP 8 thu hoạch chè.
Đội viên Tổng đội TNXP 8 thu hoạch chè.

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện Kỳ Sơn, BTV Tỉnh đoàn, Ban Chỉ huy lực lượng TNXP-XDKT, từ con số không, Tổng đội TNXP 8 đã phát huy nội lực để xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư cho hạ tầng, trong một thời gian ngắn, đơn vị đã làm được 5 km đường nội vùng, 3 km đường dây thủy điện vừa và nhỏ, 530 m2 nhà ở đội viên và nhà làm việc của đơn vị, 54 m2 trạm y tế, xây dựng 1 trạm bảo vệ rừng 54 m2, hệ thống nước sạch bể chứa 250 m3, 3 vườn ươm 1.500m2. Trong quá trình chinh phục đất đai, núi rừng Huồi Tụ, chi bộ đảng gồm 19 đảng viên đầu tàu gương mẫu của tổng đội thực sự là trung tâm đoàn kết, đẩy lùi tư tưởng bảo thủ, trì trệ trông chờ ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, liên tục 10 năm được đánh giá xếp loại trong sạch vững mạnh, vững mạnh toàn diện. Công tác phát triển Đảng, gây dựng hạt nhân, bổ sung nguồn cán bộ, được cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Từ năm 2003 đến nay, tổng đội đã kết nạp vào Đảng 12 đồng chí, trong đó có 3 đảng viên người Mông.

Trải qua chặng đường 10 năm phấn đấu, Tổng đội 8 TNXP-XDKT đạt nhiều thành tích, được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương ghi nhận và tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Thế nhưng, “quả ngọt” lớn nhất đối với cán bộ, đội viên tổng đội chính là niềm tin yêu của bà con người Mông ở Huồi Tụ, “Tổng đội không chỉ nhen niềm tin lập nghiệp cho thanh niên nơi vùng cao biên giới mà còn là điểm tựa giúp dân bản thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm”, anh Lỳ Tông Cu - một trong những hộ đi đầu trong phát triển kinh tế tại Làng thanh niên lập nghiệp Huồi Tụ chân thành bày tỏ.

Khánh Ly