"Quà tặng" Nậm Nơn
(Baonghean) - Dịp này, lên xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), chúng ta sẽ được chứng kiến cảnh nhộn nhịp thuyền bè đánh bắt cá trên dòng Nậm Nơn. Từ khi ngăn đập Thủy điện Bản Vẽ, các loài cá tìm cách bơi ngược lên thượng nguồn. Từ đó đến nay, nghề đánh bắt cá ở Mỹ Lý phát triển nhanh, giúp nhiều hộ thoát nghèo, có của ăn, của để...
(Baonghean) - Dịp này, lên xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), chúng ta sẽ được chứng kiến cảnh nhộn nhịp thuyền bè đánh bắt cá trên dòng Nậm Nơn. Từ khi ngăn đập Thủy điện Bản Vẽ, các loài cá tìm cách bơi ngược lên thượng nguồn. Từ đó đến nay, nghề đánh bắt cá ở Mỹ Lý phát triển nhanh, giúp nhiều hộ thoát nghèo, có của ăn, của để...
Sáng sớm tinh mơ, bến cá bản Xốp Tụ đã đông đúc người qua lại. Không hẹn mà gặp, người dân Xốp Tụ, Xiềng Tắm (Mỹ Lý) và các xã lân cận như Mường Lống, Huồi Tụ, Bắc Lý đều tìm đến đây để kịp mua những con cá tươi ngon nhất. Bởi từ 3-4 giờ sáng, những người hành nghề đánh bắt cá đã thức dậy, lên thuyền ra sông thăm lưới. Hoàn thành công việc cũng là lúc trời vừa sáng. Họ đưa cá về bến Xốp Tụ, ở đó có hàng chục người đang chờ sẵn để mua. Ghé thuyền vào bến, anh Lương Văn Thắng cầm xâu cá hơn 4kg bước lên bờ. Lập tức có 4-5 người khách xúm lại hỏi mua. Anh chia số cá thành 3 phần bán cho 3 khách, thu về hơn 150 nghìn đồng sau 2 tiếng đồng hồ lao động trên sông...
Xốp Tụ không phải là trung tâm xã, nhưng đường giao thông khá thuận tiện. Độ dốc của bến sông không lớn nên mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt thuyền bè và khách hàng qua lại trao đổi, mua bán cá sông. Ở đây có 6 hộ gia đình ra bến sông kết bè, dựng lán để chuyên đánh bắt và thu mua cá. Bao nhiêu cá đánh bắt được trong ngày, họ đều thu mua, bảo quản và bán lại cho những ai có nhu cầu. Cuộc sống gia đình anh Lô Văn Long và chị Vi Thị Hường trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào nương rẫy, mỗi năm một thu hoạch. Năm nào mưa nắng thuận hòa thì may còn đủ ăn, năm nào gặp phải hạn hán, coi như thiếu đói. Vài năm nay, kể từ khi cá bơi ngược lòng hồ lên vùng thượng nguồn với số lượng lớn, vợ chồng anh bàn nhau mua sắm thuyền, lưới hành nghề đánh bắt cá.
Lúc đầu, anh Long chỉ nghĩ rằng đánh cá là để cải thiện bữa ăn hàng ngày và tranh thủ kiếm thêm tiền trong thời điểm rảnh rỗi. Nhưng rồi qua quá trình thả câu buông lưới, kinh nghiệm tích lũy ngày một nhiều, số lượng cá đánh bắt được ngày một tăng lên. Vậy là anh quyết định bỏ nương rẫy, chuyên hành nghề đánh cá. Ít lâu sau, anh bàn với vợ ra dựng lán, kết bè ở bến sông để kiêm luôn việc mua bán cá. Thấy khá hiệu quả, 5 hộ gia đình khác ở Xốp Tụ lần lượt học theo. Giờ đây, với 6 chiếc bè, bến Xốp Tụ thực sự đã trở thành một chợ cá trên miền sông nước. Hơn thế nữa, những chiếc bè này còn trở thành điểm ẩm thực lý tưởng cho những người dân hay du khách, có sở thích vừa nhâm nhi vừa ngắm nhìn trời nước, thuyền bè cùng cảm giác dập dềnh trên mặt sông. Mỗi khi khách có nhu cầu, các chủ bè sẵn sàng chế biến các loại cá bằng nhiều cách khác nhau (kho, luộc, nướng, rán, làm lẩu) phục vụ khách ngay tại chỗ. Việc đánh bắt, thu mua và chế biến cá đã giúp vợ chồng anh Lô Văn Long có nguồn thu trên dưới 10 triệu đồng/tháng, gấp nhiều lần phát nương làm rẫy.
Bến cá Xốp Tụ. |
Không riêng gì vợ chồng anh Lô Văn Long hiện nay, ở bản Xốp Tụ đã có trên 50% hộ gia đình thường xuyên theo nghề đánh cá trên sông. Nghề cá đã giúp nhiều hộ gia đình có cuộc sống ổn định, sắm sửa tiện nghi. Gia đình anh Kha Văn Thành trước đây thuộc diện hộ nghèo, mỗi năm 3-4 tháng lâm vào cảnh thiếu đói. Đầu năm 2012, anh mạnh dạn vay 15 triệu đồng để mua thuyền, lưới đánh bắt cá. Từ đó đến nay, gần như ngày nào anh cũng có thu nhập, bình thường khoảng 100-150 nghìn đồng, nhiều thì 400-500 nghìn đồng, ngày nào ít anh cũng có 50 nghìn đồng khi đã trừ chi phí. Có thu nhập, anh Thành đã trả hết số nợ và còn sắm thêm được chiếc xe máy, đầu tư mua thêm lưới để hành nghề. Anh Kha Văn Thành cho biết: “Nghề đánh cá vất vả, ngày nào cũng phải dậy sớm ra sông thăm lưới. Có hôm mưa rét cầm cập, tưởng như không thể đứng vững. Bù lại, mình có nguồn thu đều đặn, hơn nhiều lần so với làm rẫy”.
Xốp Tụ vẫn chưa phải là bản đứng đầu về tỷ lệ số hộ hành nghề đánh bắt cá trên sông Nậm Nơn. Phải kể đến bản Hòa Lý với con số khoảng 70%. Hòa Lý cách Xốp Tụ khoảng hơn 1km về phía hạ nguồn, được xem là “rốn cá”, thời gian đầu, khi còn ít người đánh bắt, cá ở đây nhiều vô kể. Có người kể rằng đứng trên bờ, nếu nhanh tay có thể vợt được một vài con cá đang nhởn nhơ cạnh mép nước. Và cũng tại đây, người ta đã đánh bắt được những con cá lệch trọng lượng trên 10kg, cá biệt có những con nặng trên 30kg. Từ bản Hòa Lý, qua Xốp Tụ, ngược lên các bản Xiềng Tắm, Xằng Dưới, Xằng Trên, dọc trên mặt sông đều giăng trắng phao và lưới. Ba bản vùng trên này không nằm trong vùng “rốn cá”, nhiều người dân vẫn có thu nhập từ cá. Họ không đánh bắt một cách “chuyên nghiệp” như ở Xốp Tụ và Hòa Lý, mà mỗi khi rảnh rỗi họ giong thuyền ra sông kéo lưới, giăng câu. Cá thu được trước tiên là để phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày của gia đình. Nếu gặp “hên” trúng được vài ba cân cá trở lên, xem như có thêm khoản tiền trang trải cuộc sống gia đình. Có lẽ vì thế, với nhiều người dân xã biên giới Mỹ Lý, chiếc thuyền, chài lưới và mặt sông Nậm Nơn đã thực sự gắn bó như máu thịt!
Đêm ấy, chúng tôi ngủ lại trên bè cá của gia đình anh Lô Văn Long, sáng mai cùng anh dậy sớm đi thăm lưới. Đêm khuya tĩnh lặng, anh kể cho vị khách miền xuôi những câu chuyện khá lý thú về nghề đánh cá trên sông Nậm Nơn. Khi mực nước lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ dâng cao, các loài cá như cá rầm, cá bạc, cá ghé, cá lăng, cá ních, cá lệch... không quen sống ở môi trường nước lặng đã thi nhau bơi ngược nguồn để tìm nơi sinh sống. Vì ở thượng nguồn, dòng nước còn chảy mạnh, là môi trường trong lành để cá có điều kiện phát triển, sinh sôi. “Qùa tặng” của dòng Nậm Nơn đã giúp các bản làng ven sông có được nguồn lợi dồi dào để khai thác.
Nghề đánh bắt cá đã giúp không ít gia đình được “đổi đời”, từ chỗ cuộc sống khó khăn trở thành khá giả, có của ăn của để. Đặc biệt, thời gian đầu, nhiều người may mắn trúng được cá lớn như con lăng, con lệch trên 10 cân. Mỗi tháng trúng vài lần may mắn như thế, thu về trên 10 triệu đồng. Đúng 4 giờ sáng, chúng tôi thức dậy theo bố con anh Long lên thuyền thăm lưới. Chiếc thuyền máy kéo theo chiếc bè kết bằng tre chạy dọc sông. Khoảng 10 phút sau, bố con anh bước sang chiếc bè và rảo một vòng để gỡ từng mắt lưới. Gió lùa lạnh buốt, hai người vẫn cần mẫn với tấm lưới trên mặt sông. Chung quanh, nhiều chiếc thuyền khác cũng đang thăm lưới. Hơn 1 tiếng sau, bố con anh Long trở lại thuyền cùng với xâu cá gần 5kg. Vậy là sáng nay, anh đã có trong tay hơn 200 nghìn đồng. Ở bè, chị Vi Thị Hường đang thu mua cá từ các thuyền khác để bán lại cho những người ở xa đến muộn. Cá sông Nậm Nơn là loại thực phẩm cực “sạch”, không lo bị ế, có chừng nào bán hết chừng đó.
Cá lăng, đặc sản của sông Nậm Nơn. |
Hôm sau, chúng tôi có chuyến ngược sông Nậm Nơn lên tận địa bàn xã Keng Đu. Dọc đường, qua các bản Xốp Dương, Cha Nga thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc thuyền nhỏ đang giăng câu, buông lưới. Những người này nhà ở tận Xốp Tụ và Xiềng Tắm nhưng giong thuyền cả ngày trời lên tận đây đánh cá lăng, cá lệch. Chuyến đi của họ có khi kéo dài đến hàng tuần. Ngày đánh cá trên sông, đêm ghé lên bờ dựng lán, nhóm lửa nấu cơm, nướng cá để ăn và nghỉ ngơi. Khi nào thu được số cá kha khá, họ xuôi dòng về trung tâm xã để bán. Mỗi chuyến đi như thế kiếm được cả triệu đồng. Thuyền chúng tôi ghé vào một bãi sông, nơi có một chiếc lán nhỏ đang có người cư trú. Chủ nhân, ông Lô Văn Châu (bản Xiềng Tắm) và mấy người con cháu trong họ. Ông Châu cùng mọi người đang chuẩn bị lên thuyền thả lưới. Trong lán, một xâu cá còn tươi vừa mới được câu về. Trên bếp đang nướng mấy vỉ cá gáy, mỡ đang kêu xèo xèo với màu vàng rộm. Một người cháu ông Châu giải thích: “Cá nướng này đã có người dưới xuôi đặt mua để ăn tết. Mỗi khi bắt được cá gáy, anh em đem về lán làm thịt, ướp tẩm gia vị và nướng lên gác bếp. Như thế giữ được cá lâu mà vẫn thơm ngon, người dưới xuôi rất ưa thích...”.
Đi cùng thuyền với chúng tôi, ông Kha Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý chia sẻ: Nguồn cá từ lòng hồ Bản Vẽ bơi ngược lên thượng nguồn thực sự đã trở thành “quà tặng” đối với người dân Mỹ Lý, đem lại cho địa phương một nguồn thu nhập đáng kể. Vì thế, chính quyền xã quy định việc khai thác phải đi liền với bảo vệ. Không được dùng mìn và kích điện, để nguồn cá không bị hủy diệt, đảm bảo sự sinh sôi và giữ vững nguồn lợi lâu dài, bền vững!
Công Kiên