Đường Trường Thi và hồi ức cách mạng
(Baonghean) - Những ngày Thu đặc biệt này, người dân Thành phố Vinh khi đi trên con phố Trường Thi chợt chầm chậm lại, ngước ánh mắt kính vọng Tượng đài Bác Hồ trên Quảng trường mang tên Người để chiêm nghiệm về những thời khắc phố phường kỷ niệm tròn 50 năm thành lập với bao cảm xúc đan xen trước sự ra đi mãi mãi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
(Baonghean) - Những ngày Thu đặc biệt này, người dân Thành phố Vinh khi đi trên con phố Trường Thi chợt chầm chậm lại, ngước ánh mắt kính vọng Tượng đài Bác Hồ trên Quảng trường mang tên Người để chiêm nghiệm về những thời khắc phố phường kỷ niệm tròn 50 năm thành lập với bao cảm xúc đan xen trước sự ra đi mãi mãi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Rất nhiều người còn nhớ bước chân thoăn thoắt của vị Tướng già lên đỉnh núi Chung mô phỏng dịp về thăm công trình Quảng trường Hồ Chí Minh vào năm 2004. Đồ rằng bước chân của Đại tướng từng đi qua mấy cuộc trường chinh ấy đã được hối thúc không chỉ khi đang về với công trình tưởng niệm người thầy cách mạng, vị lãnh tụ vĩ đại của mình, mà hồi ức khi về lại một địa danh cách mạng nổi tiếng gắn tuổi trẻ hoạt động cách mạng sôi nổi và mối tình lớn lao của ông với liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái (đám cưới được tổ chức tại Vinh vào năm 1935). Trường Thi – địa danh cách mạng ấy đã được đặt tên cho con đường lớn chạy qua trước Quảng trường Hồ Chí Minh, nối Quốc lộ 1 đoạn qua Thành phố Vinh với Đại lộ Lê Nin bây giờ.
Đường Trường Thi - TP. Vinh. |
Con đường được mang tên đất hiếm hoi ở Vinh này đã và sẽ được nhớ đến nhiều hơn trong những xúc cảm của những ngày Thu này, khi tất cả lòng người hướng về vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Như mường tượng lại được một ngày Thu năm 1931, trên chuyến xe lửa từ Huế ra, có một người thanh niên trí thức với đôi mắt sáng chứa đầy hoài bão đã ghé lại Thị xã Vinh trước khi ra Hà Nội vào học Trường An-be Xa-rô. Rất có thể chàng thanh niên ấy đã hồi hộp đặt chân lên phố Vinh ngay khi xe lửa ghé ở Nhà máy xe lửa Trường Thi, vì đang nóng lòng chờ đợi anh là một người con gái cùng chung chí hướng cách mạng mà anh đã gặp, đem lòng yêu thương từ những ngày cùng bị giặc Pháp giam giữ ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) - chị là Nguyễn Thị Quang Thái, sau này trở thành người vợ yêu dấu của Đại tướng.
Và đến những ngày tháng sau đó, mỗi lần trở lại Vinh để gặp người yêu và làm đám cưới vào năm 1935, chắc hẳn người chiến sỹ cách mạng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần đến với đất Trường Thi – Bến Thủy, ít nhất cũng bởi để ông cảm ơn cuộc đấu tranh “đứng đầu dậy trước” của đội ngũ công nhân Trường Thi trong phong trào cách mạng 1930 -1931, ông và bà Quang Thái đều tham gia tích cực, rồi bị bắt và được gặp nhau, để tình yêu đôi lứa lớn dần theo tình yêu quê hương, lửa nhiệt huyết cách mạng...
Không biết rằng, qua phố này, có mấy người tự hỏi con đường này đã “lớn lên” tự bao giờ? Tự bao giờ nhỉ, mà thênh thang, với vỉa hè thoáng rộng? Từ bao giờ nhỉ, mà những cái cây bằng lăng còn đang sức trẻ, vươn vòm lá xanh rung rinh với nắng cháy Thành Vinh? Và thoáng giật mình: kìa một hàng cọ sum suê bóng mát, như đã ở đó từ lâu lắm rồi. Cái góc phố có hàng cọ ấy, như là một nét vẽ bình yên trên những ồn ã, tấp nập, vội vàng. Người ta bày bán nước mía, nước dừa, hay tối đến có thêm nhân trần, chè đá… Và dường như, những con người ấy, ai cũng mang dáng vẻ chậm rãi, thong thả. Cả người đến uống nước, cũng như muốn nhìn ra phố xá mà ngẫm ngợi, mà chờ đợi. Một con đường nhỏ, rất lạ, chạy vòng từ phố Trường Thi ra với hồ Goong. Chỉ một quãng ngắn, nhưng mọi lo toan như bỗng dưng được bỏ lại phía sau lưng khi bắt gặp mặt hồ mênh mang, thăm thẳm.
Cũng không xa đâu, mà như xa lắm rồi, cái ngày con phố này chỉ là một đoạn đường đất chạy giữa ruộng lúa. Còn xưa hơn nữa, thì tính đến cái thủơ sở học phong kiến dựng trường thi Nho học ở Nghệ An, thì nơi đường Trường Thi nay vẫn đang là ruộng lúa; khi người Pháp xây dựng Nhà máy xe lửa Trường Thi sau khi tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ 2 (năm 1914), để đắp nền nhà máy họ phải đào một lượng lớn đất tạo nên hồ Goong bây giờ, thì mới có những lối đi nhỏ từ Hưng Dũng lại, trong đó có một lối đi trùng với đường Trường Thi nay. Qua bao thăng trầm thời gian, tiêu thổ kháng chiến của Vinh, đất nước thống nhất sau Đại thắng Mùa Xuân 1975, trong nhịp tái thiết mạnh mẽ của thành phố trẻ, đường Trường Thi được cấp phối, rải nhựa cho đến năm 1997 được mở rộng và chính thức mang tên đường như hôm nay.
Và phố Trường Thi đã trở thành một con phố đặc biệt nhất của Thành phố Vinh bởi đây là con phố duy nhất hai bên mặt phố không có nhà dân hay văn phòng, cơ sở dịch vụ tư nhân. Khách sạn Phương Đông 4 sao được đánh số 1 ở điểm nút giao nhau với đường Lê Duẩn và Trần Phú từng được coi là “đầu tàu” cho những công trình công sở khang trang, hiện đại đã và đang mọc lên bên mặt Đông phố, qua Công viên Nguyễn Tất Thành, đến điểm cuối là cơ quan Tỉnh ủy và Hải quan Nghệ An. Mới thấy, có sức người, có niềm tin và tình yêu xứ sở, những “đàng hoàng, to đẹp” hôm nay đã kiêu hãnh mọc lên từ đổ nát, hoang tàn.
Có thể bạn sẽ cho rằng, tôi lại nói một điều cũ, sáo, khi nhắc về tên gọi Trường Thi đã sáng lên trong trang sử đấu tranh cách mạng của quê hương, nhưng đó là niềm tự hào có thực đã hiện hữu trong tôi, khi đi trên con phố của phường mình. Như lúc này đây, dù là một gương mặt quen thuộc, thì tôi cũng vẫn chầm chậm hòa vào dòng người lại qua, đến với Quảng trường Hồ Chí Minh, thành kính dưới Tượng đài Bác Hồ, để chung một chút trải nghiệm trong bao cảm xúc đan xen không khí kỷ niệm thành phố 50 năm thành lập, và rưng rưng niềm tiếc thương tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi chợt nhớ lại dòng hồi ức của ông Bùi Văn Chất (CLB Thơ Trường Thi – TP Vinh): “Nhân cửu tuần khánh thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đoàn đại biểu CLB Thơ Trường Thi mang tập thơ “Anh Cả” của chúng ta ra Hà Nội, tới 30 Hoàng Diệu chúc mừng. Nhắc tới Trường Thi, mắt ông ánh lên: “Chào các đồng chí Trường Thi - Bến Thủy!”, rồi nắm chặt tay từng người. Hình như ông hồi tưởng lại những ngày nghẹt thở nhưng vô cùng quyết liệt không thể nào quên của công nhân Trường Thi, áo xanh cũng như áo nâu: 15 ngày nhà máy đóng cửa, 15 ngày hàng ngàn thợ thuyền bị đẩy ra vỉa hè, 15 ngàn gia đình bị đói khổ, thế nhưng công nhân vẫn dũng cảm đấu tranh”.
Vậy, có thể ví thế này chăng: Đường Trường Thi với những công trình Quảng trường Hồ Chí Minh, Công viên Nguyễn Tất Thành và nơi đứng chân cơ quan Đảng, chính quyền cao nhất của tỉnh nối ra Đại lộ Lê Nin, là “tuyến phố cách mạng” thể hiện quyết tâm và khát vọng lớn lao đi lên trong sự nghiệp cách mạng mà các bậc tiền bối đã dày công mở lối?!
Đình Sâm