Mưa lớn gây lũ cục bộ ở nhiều nơi

16/10/2013 17:32

(Baonghean.vn) - Lượng mưa lớn liên tục đổ về trong ngày 16/10 đã khiến mực nước lũ trên các sông, suối lên cao. Một trận lũ quét đã xuất hiện ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, gây ngập 15 nhà dân, 1 hồ đập nhỏ bị vỡ. Các hồ đập xung yếu trên địa bàn huyện Thanh Chương mực nước đều đã vượt tràn chống lũ, một số đang trong tình trạng căng thẳng.

Hồ Vực Mấu đã chủ động xả lũ được 14 triệu khối nước
Hồ Vực Mấu đã chủ động xả lũ được 14 triệu khối nước

Theo bản tin của Đài khí tượng khu vực Bắc Trung Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh, kết hợp với hoạt động của đới gió đông, nên khu vực Nghệ An từ ngày 15 đến ngày 16/10 đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 70 đến 200 mm, riêng tại huyện Đô Lương, lượng mưa lên đến 130mm, Nam Đàn 100mm. Mưa lớn trong thời gian dài đã khiến mực nước trên các khe suối lên cao. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Thanh Chương, lượng mưa lớn đổ về đã khiến 6 hồ đập lớn trên địa bàn đều đã bị tràn bờ, gây ngập lụt cục bộ. Tại xã Thanh Thủy, mưa lớn khiến đập nước Lại Lò chảy qua tràn 1,8 mét khiến một số khu dân cư xung quanh bị ngập cục bộ. Đến chiều 16/10, lượng mưa giảm, mực nước chảy qua tràn cũng bắt đầu hạ xuống. Ông Nguyễn Khánh Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương cho biết, trên địa bàn xả đã xảy ra trận lũ quét sau trận mưa lớn vào tối 15 và ngày 16/10 khiến 15 hộ dân xóm Xuân Trung và Xuân Ngọc bị ngập sâu, hàng chục con gia súc, gia cầm cùng nhiều tài sản của dân bị trôi. “Nước lũ đổ về quá nhanh khiến người dân trở tay không kịp. Toàn bộ chợ Đàng bị ngập, tài sản của tiểu thương bị nước lũ cuốn, hư hỏng hoàn toàn”, ông Thành cho biết.

Xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương đang bị cô lập vì lũ
Xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương đang bị cô lập vì lũ

Hiện nay, đập nước Cơn Đẻn trên địa bàn xã Thanh Xuân đã bị vỡ. Mặc dù vậy, trữ lượng nước của đập không quá lớn (khoảng 7 ngàn khối) nên không gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Chỉ có một số hoa màu ở dưới chân đập bị nước cuốn trôi. Vấn đề lo ngại nhất của xã Thanh Xuân hiện nay là hai đập nước Mũ Sỹ và Trảng Không, lũ đã chảy qua tràn, trên báo động 2, có nguy cơ khẩn cấp. Hiện nay, xã Thanh Xuân đang huy động lực lượng quân sự, công an và dân quân tự vệ tiến hành di dời khoảng 50 hộ dân quanh các vùng đập xung yếu để đảm bảo an toàn, tránh những trường hợp xấu xảy ra. Tại đập nước Cửa Ông thuộc địa phận xã Thanh Mai, nước cũng đã chảy qua tràn, gây nên tình trạng ngập cục bộ ở nhiều nơi. Chiều 16/10, lượng mưa đã bắt đầu giảm dần, tuy nhiên, nước lũ lại đang dâng lên. Tại xã Thanh Hà, ông Hoàng Văn Nam, xóm trưởng xóm 13 cho biết, mưa lớn cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã khiến một số nhà dân và một số tài sản bị ngập, nhiều diện tích ao nuôi cá của dân bị tràn. Cuối buổi chiều, nước lũ vẫn đang dâng lên rất nhanh, cô lập nhiều tuyến đường của các xã như Thanh Hà, Thanh Tùng.

Hình ảnh ngư dân Cửa Lò neo đậu tàu thuyền trong mưa bão:

.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp ở huyện Thanh Chương, chiều 16/10, ông Phạm Hữu Văn, Phó chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Nghệ An đã có mặt tại địa bàn huyện để kiểm tra tình hình các hồ đập. Ông Văn cho biết, hiện nay cả 6 hồ đập có dung tích lớn cùng nhiều hồ đập nhỏ của huyện Thanh Chương nước đều đã vượt qua tràn xả lũ. Một số hồ nước vượt tràn từ 1,5 đến 1,8 mét nhưng chưa vượt qua cao trình nguy hiểm và chưa cần phải hạ tràn. Hiện nay, Chi cục thủy lợi đang chỉ đạo các đơn vị quản lí hồ tích cực theo dõi, kiểm tra lượng mưa và mực nước để sẵn sàng hạ tràn, xả lũ, đảm bảo an toàn cho công trình, tránh tình trạng vỡ đập.

Tại vùng đồng bằng ven biển, mưa lớn kèm theo gió to, biển động mạnh dữ dội đã khiến một số tàu cá bị hư hỏng vì va đập vào nhau. Chiều 16/10, anh Nguyễn Văn Điệp, trú tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò vùng vợ con và anh em đội mưa chạy ra cảng cá Cửa Hội, nơi con tàu cá 48 CV của mình đang neo đậu để tách tàu cá của mình ra khỏi tàu bạn. Mặc dù vậy, sóng quá to, gió lớn đã khiến tàu cá anh Điệp bị hỏng nặng, ước tính thiệt hại hàng chục triệu đồng. Nhiều ngư dân khác cũng đã đội mưa, chèo thuyền thúng ra khu vực tàu cá của mình đang neo đậu để tát nước ra ngoài rồi dùng dây cáp néo lại cho chắc chắn, một số phải nổ máy để chống lại sóng lớn.

Lượng mưa lớn, kéo dài cộng với việc hồ thủy điện Bản Vẽ xả lũ với tổng lưu lượng từ 300 m3/s đến 1000 m3/s đã khiến nước sông Lam lên rất nhanh, gây ngập úng ở nhiều vùng thấp, trũng của các huyện Thanh Chương (vùng Bích Hào gồm các xã Thanh Hà, Thanh Tùng, Thanh Giang, Thanh Mai, Thanh Xuân), Nam Đàn (vùng 9 Nam gồm một số xã như Nam Phúc, Nam Cường, Nam Kim,…) và các xã ngoài đê của huyện Hưng Nguyên như Hưng Lợi, Hưng Long, Hưng Lĩnh,… Hiện nay, nước lũ trên các sông vẫn đang tiếp tục dâng cao. Văn phòng Ban phòng chống lụt bão Nghệ An cho biết, hiện diện tích lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đã cơ bản gặt xong, đang còn khoảng 7.500ha lúa mùa đến thời kỳ thu hoạch cùng 12.000ha ngô vụ Đông mới gieo và 7.000ha rau màu các loại. Nếu mưa lớn liên tục sẽ bị hư hại, nhiều diện tích hoa màu sẽ bị mất trắng.

Gió lớn gây đổ nhiều biển quảng cáo ở khu du lịch Cửa Hội

Ngư dân phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò chèo thuyền thúng ra gia cố lại tàu thuyền.

Toàn bộ 625 hồ đập có dung tích lớn của tỉnh đều đã chứa đầy nước từ các đợt mưa lũ trước. Nếu trong những ngày tới, tiếp tục xảy ra mưa lớn thì các hồ đập này sẽ phải chủ động xả lũ. Hồ Vực Mấu đã xả được 14 triệu khối nước, hồ Sông Sào cũng đang sẵn sàng phương án xả lũ để đảm bảo an toàn. Các công ty xí nghiệp và các địa phương đang tổ chức tuần tra canh gác đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các hồ đập.

Chiều 16/10, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh có công điện khẩn gửi Chủ tịch, Trưởng Ban chỉ huy PCLB&TKCN các huyện, thành, thị; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; các Sở, Ban, ngành, đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung như không cho tàu thuyền và phương tiện vận tải biển ra khơi, kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét, đặc biệt các khu vực đang có diễn biến sạt lở; tổ chức sơ tán dân để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, các bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; tổ chức kiểm tra hồ, đập trên địa bàn, bố trí lực lượng thường trực tại các công trình xung yếu, phát hiện và xử lý ngay những sự cố; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du trong mọi tình huống; chủ động tiêu úng ở các vùng trũng, thấp và có biện pháp chống ngập để đảm bảo sản xuất; chỉ đạo thu hoạch lúa mùa, hoa màu, sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản hoặc có biện pháp bảo vệ để hạn chế thiệt hại; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu,…

Nguyên Khoa