Chắp cánh cho thần chết là…?

30/08/2013 21:10

Một trong những sự kiện nóng trong mấy ngày gần đây trên các mặt báo lại là câu chuyện liên quan đến vấn đề đạo đức làm báo của nhà báo trong một tác phẩm báo chí từng gây hiệu ứng dư luận mạnh. Thậm chí, tác phẩm đó còn được Liên hoan Truyền hình toàn quốc trao giải Khuyến khích và Giải B Giải báo chí chất lượng cao của tỉnh Bình Định, đó là phóng sự “Ai chắp cánh cho thần chết”.

(Baonghean) - Một trong những sự kiện nóng trong mấy ngày gần đây trên các mặt báo lại là câu chuyện liên quan đến vấn đề đạo đức làm báo của nhà báo trong một tác phẩm báo chí từng gây hiệu ứng dư luận mạnh. Thậm chí, tác phẩm đó còn được Liên hoan Truyền hình toàn quốc trao giải Khuyến khích và Giải B Giải báo chí chất lượng cao của tỉnh Bình Định, đó là phóng sự “Ai chắp cánh cho thần chết”.

Phóng sự cho rằng, nguyên nhân gây tai nạn giao thông với số lượng lớn, thương vong nhiều là do buông lỏng, tắc trách trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe, quản lý người điều khiển phương tiện giao thông không nghiêm. Các ví dụ cụ thể khiến ai xem phóng sự cũng thấy hãi hùng, kinh sợ: một người bị cụt một tay, một bị cụt hai chân, một người khác vừa mù một mắt vừa cụt một tay… nhưng tất cả họ đều điều khiển phương tiện, lưu hành xe chở hàng, chở khách vèo vèo hàng ngày một cách… hết sức bình thường! Từ các ví dụ đó, phóng sự chỉ ra các phương án trả lời cho câu hỏi “Ai chắp cánh cho thần chết?”.

Có thể nói, giữa lúc vấn nạn mất an toàn giao thông đang diễn ra ngày càng trầm trọng, việc chọn đề tài, nêu vấn đề, lấy dẫn chứng như nói trên là rất “đắt”, rất độc đáo, đã “bắt” đúng và trúng vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm. Vì thế, sau khi phát sóng ở đài Bình Định (ngày 29/1/2013), Đài Truyền hình Trung ương phát lại (chương trình thời sự buổi sáng VTV1, 26/6/2013) đã gây sự chú ý đặc biệt. Trước áp lực của công luận, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra để xử lý.

Đến đây thì mọi người có thể cho rằng vai trò của nhà báo, hiệu quả tuyên truyền của một tác phẩm báo chí như vậy là đã được khẳng định. Và trong cuộc đời làm báo của một phóng viên, nhất là trong thời buổi hiện nay, để có được một tác phẩm báo chí như vậy hẳn là quá vui vì đã góp phần làm cho cuộc sống này khả dĩ có thể tốt đẹp hơn, sáng sủa hơn, với thiên chức “nhân cái đẹp dẹp cái xấu”.

Tuy nhiên, mọi việc đã rẽ theo chiều hướng khác, khi một số nhân vật được phản ánh trong thiên phóng sự “Ai chắp cánh cho thần chết” cho biết họ đã bị phóng viên đưa vào “bẫy” để dàn dựng tình huống. Nội dung phản ánh trong phóng sự khi nói về họ là bịa đặt, dựng chuyện. Ngày 28/8, phóng viên Nguyễn Dũng Chinh (Đài PT-TH Bình Định) đối chất với một số đồng nghiệp, sau khi loanh quanh lấy mục đích biện hộ cho cách làm, tác giả của phóng sự để lộ ra sự thật là đã dàn dựng, “khịa” chuyện.

Cụ thể là, người làm phóng sự đã yêu cầu thương binh đặc biệt ¼ Đinh Dương Hải (cụt hai chân, trú tại Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn), thương binh Nguyễn Văn Nhung (cụt một tay, trú tại Thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn); ông Đinh Văn Tuấn (mù một mắt, cụt một tay, trú tại P. Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn… thực hiện các động tác, các cảnh điều khiển phương tiện theo sự hướng dẫn và hỗ trợ của phóng viên. Sự thật thì hiện tại họ không thể và càng không phải là người hành nghề điều khiển phương tiện xe máy để kiếm sống hàng ngày. Đặc biệt hơn, từ khi bị mang trên mình thương tật, khuyết tật, họ không tham gia bất cứ chương trình đào tạo lái xe và chưa được cấp giấy phép lái xe.

Ấy vậy nhưng, qua “bàn tay” của phóng viên Đài PT-TH Bình Định, khi lên sóng, những người thương tật, khuyết tật bỗng trở thành những người hành nghề lái xe hàng ngày. Và phóng viên đã lấy những thước hình này để quy kết, áp đặt, làm minh chứng để nhận định, đánh giá, phản ánh về thực trạng công tác đào tạo và cấp giấy phép lái xe, quản lý người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Thương binh Đinh Dương Hải khẳng định: “Ông Dũng Chinh đã đến nài nỉ tôi hai lần qua một lời giới thiệu từ người hàng xóm, nể ông hàng xóm nên tôi cũng đeo chân vào ngồi lên xe cho ông quay chứ sự thực tôi có ngồi lên tự lái xe bao giờ đâu mà nói vậy”. Ông Nguyễn Văn Nhung nói: “Ông (nhà báo) bảo tôi ngồi lên lái một đoạn để ông quay phim kêu gọi những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ những người tàn tật vượt khó tôi mới đồng ý”.

Có thể thấy rõ, việc nêu lên những thực trạng nhức nhối để ngăn chặn tình trạng mất an toàn giao thông, vi phạm an toàn giao thông dẫn đến gia tăng các vụ tai nạn giao thông là điều hết sức cần làm. Vạch ra những hạn chế, thiếu sót, bất cập, lỏng lẻo, tắc trách của các cơ sở đào tạo và cấp giấy phép lái xe và quản lý người điều khiển phương tiện là cần thiết, và thực tế cho thấy những hạn chế nói trên xảy ra ở nhiều nơi, rất cần chấn chỉnh.

Tuy nhiên, phóng viên Đài PT-TH Bình Định lại vạch trần sự thật bằng cách dàn dựng lên những câu chuyện, tình huống không có thật là điều không thể chấp nhận. Thứ nhất, phóng viên đã lừa dối những thương binh, người thương tật, khuyết tật, để họ tham gia xuất hiện trong phóng sự truyền hình hoàn toàn theo chỉ đạo, sắp đặt, dàn dựng một cách lệch lạc chứ không như sự thật vốn có. Thứ hai, là lừa dối Đài PT-TH Bình Định và Đài Truyền hình Việt Nam để đăng phát phóng sự nói trên - điều này cũng đồng nghĩa với lừa dối công chúng của Đài PT-TH Bình Định và Đài Truyền hình Việt Nam. Thứ ba, là lừa dối ban tổ chức, ban giám khảo Giải tác phẩm báo chí chất lượng cao Bình Định và Liên hoan Truyền hình toàn quốc khi gửi dự thi các tác phẩm này…

Sự thật được phơi bày, hệ lụy của nó không thể lường hết được. Việc làm của nhà báo Nguyễn Dũng Chinh đã gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đội ngũ những người làm báo đất võ và khắp cả nước. Làm giảm sút niềm tin đối với các cơ quan chức năng, tập thể và cá nhân đối với báo chí. Việc xử lý tác giả của lớp “kịch” nói trên đến mức độ nào còn phụ thuộc vào kết quả, cách làm của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nhưng công luận cần lên án, bài trừ những hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng đến uy tín của người làm báo như sự việc trên.

Một trong những phẩm chất đạo đức cơ bản, quan trọng của người làm báo là đức tính trung thực. Thiên chức của người làm báo cũng chính là bảo vệ sự thật và tôn trọng sự thật. Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành ngày 13/8/2005, tại Điều 3 nói rõ: “Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”. Tại điểm 4, Điều 10 - Những điều không được thông tin trên báo chí, Luật Báo chí quy định: “Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân”.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là vì nhiều mục đích khác nhau, không ít người làm báo đã và đang bước qua nguyên tắc hàng đầu về đạo đức của người làm báo... Nhà báo cũng như mọi công dân khác, sống, lao động, tác nghiệp theo hiến pháp và pháp luật, phải chịu các hình thức xử lý, kỷ luật bình đẳng trước pháp luật và công luận. Phóng sự “Ai đã chắp cánh cho thần chết?” đi tìm nguyên nhân gây ra nguy hiểm, chết chóc, nhưng bản thân nhà báo lại đạo diễn để dựng lên cảnh có thể đẩy người dân đến sự nguy hiểm, chết chóc… Cách làm báo đó chẳng hóa ra phóng viên mới chính là người “chắp cánh cho thần chết?”.


Ngô Kiên