Mong mỏi ngày về…

11/12/2013 09:43

(Baonghean) - Cách đây gần 30 năm, đoàn văn công về diễn ở thôn T.Đ, một xóm nhỏ ở tả ngạn sông Lam. Trong đám văn công ấy, có một nữ diễn viên trẻ đẹp, nổi danh. Dù cái bụng có nịt chặt lại, người ta vẫn biết cô đang mang thai, nghe đâu cái thai ấy là “tác phẩm” của ông Trưởng đoàn. Cuộc tình cuồng si đã đẩy cô gái đến chỗ không chồng mà chửa…

Đêm diễn tàn, cũng là lúc cô ấy trở dạ, và một đứa bé trai kháu khỉnh ra đời, cùng tiếng khóc oa oa báo hiệu tiền kiếp định mệnh, một cuộc đời sóng gió… Lãnh đạo đoàn văn công họp bàn ráo riết và giải pháp cuối cùng là người mẹ trẻ phải gạt nước mắt, đem cho đi núm ruột của mình. Phút chia tay, người thiếu phụ ấy khóc mòn con mắt… Sau khi đoàn văn công cùng người mẹ trẻ ra đi, đứa bé gào lên thê thảm...

Minh họa: Hồng Toại
Minh họa: Hồng Toại

Đứa trẻ được người đàn bà tên Sung đón về chăm bẵm. Những người già ở làng kể lại, thuở ấy, ông bà Sung mở quán thịt dê: dê tái, dê xào, tiết canh dê… Cái món thịt dê có tác dụng bồi bổ sinh lực, giúp khách hàng con đàn cháu đống, nhưng khốn thay, trời làm tội ông bà, họ chẳng có con, héo hon tuyệt vọng. Khi nghe cô văn công đem cho đứa trẻ, ông bà Sung cảm động đón nó vào lòng, vậy là trời đất thương ông bà, cho họ chút niềm vui, để mai sau cậy nhờ khi tuổi già sức yếu.

Sống trong một gia đình sung túc, lại được chăm bẵm chu đáo, đứa bé ấy lớn nhanh như thổi, ông bà Sung nhìn đứa con đẹp như tranh vẽ, nở từng khúc ruột. Ông Sung chọn mãi và cuối cùng đặt cho nó cái tên rất vừa lòng: Nguyễn Văn Vinh, nó là của quý của dòng tộc nhà ông bà và cũng là của quý của đôi vợ chồng già khi chiều tà bóng xế.

Đứa trẻ tên Vinh ấy, chính là tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tôi lớn lên và mang trong mình nỗi mặc cảm lớn là đứa con hoang. Người ta vẫn hay nói bóng gió sau lưng tôi, có người còn nói thẳng vào mặt tôi. Người ta hỏi: Mẹ đẻ có bao giờ về thăm cháu không?

Có lẽ, thừa hưởng gen nghệ sỹ của cha mẹ đẻ, khi trưởng thành, ngoài vẻ cao lớn, đẹp trai, tôi rất giỏi đàn và hát. Trong những đêm văn nghệ xã, trong các đám cưới tôi luôn là “ngôi sao”, rồi khi tỉnh mở cuộc thi “Tiếng hát hay”… tôi dự thi và đoạt giải Nhì. Với “tiếng vang” đó, sau này tôi được phòng văn hoá huyện mời về công tác, nhưng vì mặc cảm nên tôi đã chối từ.

Khốn khổ trong tôi là cái nỗi mặc cảm trong trái tim vốn đã sẵn nhạy cảm. Dường như càng buồn, giọng hát tôi như càng hay hơn, nó não nề và khiến người ta rơi lệ. Chính nhờ cái mã ngoài và giọng hát mà biết bao cô gái mê mẩn, sẵn sàng theo tôi.

Trong số các thiếu nữ si mê tôi ngày ấy, có cô Lâm, con gái ông chủ tịch một xã bên cạnh. Ông Chủ tịch cũng lận đận về đường con cái, ông chỉ có duy nhất một mụn con gái là Lâm. Lâm đẹp, da trắng, môi đỏ, tóc dài… Bao nhiêu người ngỏ lời nhưng Lâm lại chọn tôi. Ông chủ tịch là người từng trải, ông hiểu được cái long đong của người nghệ sĩ trong tôi, cùng với cái lý lịch là con hoang, khiến ông không thể nào chấp nhận cho con gái mình theo tôi được. Ông cấm, ông doạ, ông răn đe, ông tìm đủ cách phá tan cuộc tình của chúng tôi. Nhưng trời ơi! Ông càng ngăn bao nhiêu, chúng tôi lại như càng có quyết tâm để đến cùng nhau. Cuối cùng, tôi đã nhìn thấy ông thua, ông thua trắng tay, phải phó thác đứa con gái duy nhất cho tôi - gã nghệ sĩ làng. Thế là tôi và Lâm cưới nhau. Gần một năm sau, con gái đầu lòng chào đời, căn nhà tràn ngập niềm vui. Bố mẹ nuôi tôi như trẻ lại khi có tiếng trẻ bi bô trong nhà.

Sau một quãng thời gian mặn nồng, tôi cảm thấy cuộc sống gia đình tù túng và chán nản. Tất cả những thực tế đã phơi bày khiến tôi hụt hẫng. Nào con khóc, con ốm, nào người vợ nhiều khi cáu bẳn… Cái máu lang thang lại nổi dậy trong tôi. Tôi lại đi hò hát, bất cứ đám đình ở đâu, văn nghệ thôn, xóm, xã…Cuộc vui nào, đám đông cũng mong có tôi. Quá kiêu hãnh với sự “nổi tiếng” của mình tôi sinh ra ngông nghênh, bất cần. Tôi tập uống rượu nhiều hơn, đã là nghệ sĩ thì phải say, say hát nó mới hay, mới mùi mẫn, cảm thương… Thế là từ đó, sau các cuộc vui, người ta thấy một gã lảo đảo, lừ đừ, chân thấp, chân cao trên đường làng…

Về nhà là ngã vật ra nôn thốc nôn tháo. Vợ tôi sợ hãi, khóc lóc, van xin nhưng tôi bỏ ngoài tai… Có lần say nặng, tôi còn lôi vợ ra nện một trận nhừ đòn. Không thể chịu đựng thêm được nữa, vợ tôi ôm con về bên ngoại. Đã vậy thì tôi chẳng cần, tôi cứ hát, cứ say và khốn nạn hơn là đã lao vào đánh bạc. Tôi chiều theo tất cả những ham muốn của mình. Tôi thường trực ở sòng bạc đêm này qua đêm khác và luôn thua cháy túi… Tôi bán hết mọi thứ trong nhà, ti vi, tủ, xe đạp…lần lượt đội nón ra đi! Chính lúc khốn quẫn như vậy, tôi lại được ném xuống tận bùn bởi quyết định của vợ: Cô ấy từ mặt tôi, ném trả lại cho tôi đứa con gái một tuổi! Thằng Vinh bị vợ bỏ. Chao ôi, cái tin ấy là cái sự nhục nhã đối với kẻ đầy kiêu hãnh, tự ái như tôi. Nỗi nhục nhã ê chề đã khiến tôi điên cuồng. Tôi phá hết, bán sạch đồ đạc, của cải đem đi nướng vào các sòng bạc…

Cha mẹ tôi khóc hết nước mắt. U uất cùng cực, cha tôi lăn ra ốm. Phút lâm chung, ông nhờ người đi gọi tôi từ sòng bạc trở về, trăng trối: “Vinh ơi, gia sản cha mẹ tạo dựng mấy chục năm con đem đánh bạc hết rồi. Cha van con… sau khi cha chết… trong nhà chỉ còn cái hòm của mẹ con, con… đừng bán… Nếu bán… mẹ con chết phải chôn chiếu… con ơi!”. Cái phần “người” trong tôi lúc đó trỗi dậy, tôi khuỵu xuống, trong đám tang cha, tôi đã khóc thê thảm… Những ngày sau đó, tôi nghe tin vợ mình đi lấy chồng, người chồng mới này nghe đâu giàu có lắm. Hy vọng nối lại hôn nhân đã sụp đổ. Tôi đến trước bàn thờ cha thắp một nén nhang, đằng kia mẹ tôi nằm bẹp trên giường, đau ốm rên rỉ… Tôi uống cạn cả hai chai rượu mà không say, chỉ buồn, buồn cháy ruột.

Tôi ôm đứa con bé bỏng vào lòng mà than: “Con ơi… mẹ con lấy chồng rồi…”. Con gái tôi ngơ ngác: “Mẹ lấy chồng rồi thì bố cũng lấy chồng đi bố ạ!...”. Nghe con nói mà lòng tôi quặn thắt. Đêm hôm ấy, thấy nước mắt tôi rỉ ra nóng bỏng, con gái nhổm dậy hỏi: “Bố ơi! Răng bố khóc, đứa mô đập bố, để con đập lại cho…”. Tôi với tay lấy cây đàn, rồi không cầm nổi nữa, cây đàn rơi xuống đất. Tôi lại gục đầu vào lòng con gái, cả hai cha con khóc nức nở.

Sáng hôm sau, tôi đi ra sông với ý định tự tử, nhưng khi đứng trên bờ đê dốc đứng, nhìn dòng nước xoáy đỏ ngầu như máu thì tôi sợ… Và tôi tìm đến khói thuốc phiện giải sầu. Tôi say, lênh đênh mây gió mơ màng. Và dần dần, tôi nghiện. Tránh được nỗi buồn này lại gặp phải nỗi đau khác. Những lúc lên cơn, tôi thèm thuốc đứt ruột, vật vã. Nhưng trong nhà bán hết cả rồi, chỉ còn cái hòm của mẹ tôi nữa thôi… Nhưng cha tôi đã trăng trối, vả lại bán quan tài thì ai mua? Cơn nghiện giày vò, tôi không chịu được. Phút cùng cực, tôi nghĩ ra mẹo mà có lẽ loài thú cũng không nghĩ ra được, tôi lôi đứa con 4 tuổi lại chần cho một trận, rồi bắt con bé cầm cái rá đi xin.

Con bé sợ đòn, tay cầm cái rá thất thểu đầu làng cuối chợ, van xin: “Cháu xin các ông, các bà cho cha con cháu bát gạo, đồng tiền…”! Nhìn con bé như vậy, già trẻ lớn bé đều rơi nước mắt. Kẻ cho gạo, người cho tiền, thế là thằng bố khốn nạn là tôi lại có tiền để hút thuốc phiện. Cái cái cảnh ấy mãi rồi người ta cũng chán. Ai mà cho được mãi, chỉ khổ con bé, xin không ai cho, vác rá về là thằng bố gầm lên, đánh cho tơi tả. Khi đứa con rách tướp, chắp tay lạy, tôi quẳng roi khóc hu hu. Thế là tôi tha cho con mình, để đích thân “vào cuộc”. Đêm đến, tôi mò đi ăn trộm, trộm gà, trộm vịt, trộm bất cứ thứ gì bán ra tiền để hút thuốc phiện… Có lần, tôi chôm chỉa được cái ti vi nhưng chưa bán được, đem giấu vào chuồng ngan thì bị chủ phát hiện được.

May phúc cho tôi, ông hàng xóm không báo chính quyền, chỉ nói đúng một câu: “Anh là thằng mất hết tính người, trên đời này cha đi ăn mày để nuôi con, nhưng riêng anh lại bắt con đi ăn mày để nuôi anh hút hít, rồi giờ đây lại đi ăn trộm”. Nhục lắm, vậy mà chưa tỉnh người ra. Sau đó, tôi đã thực hiện một phi vụ trộm tiền lớn. Lần này thì tôi bị bắt, người ta trói tôi lại, giải lên công an xã. Nghệ sĩ làng trở thành đối tượng hình sự, phạm pháp, trộm cắp bị bắt quả tang. Hồ sơ được gửi lên công an huyện để hoàn tất. Còn tôi được tạm tha về.

Sau cái lần bị phơi mặt giữa đông đảo thiên hạ ấy, dường như lương tâm đã thức tỉnh. Tôi chắp tay lạy bạn bè, bà con làng xóm giúp tôi cai nghiện. Bí thư đoàn xã là chỗ bạn bè, liền triệu tập thanh niên và bà con trong làng bàn cách giúp tôi. Thấy tôi muốn lương thiện, mọi người ủng hộ ngay, họ cho tôi tiền, gạo, hoa quả, thực phẩm. Dịp ấy đang là những ngày hè, ban ngày tôi trổ hết tài năng văn nghệ, tập cho đội thiếu niên xóm, để chuẩn bị đi thi. Đêm đến, chi đoàn cử 3 - 4 người đến nhà. Họ đem quần áo tôi đốt sạch, bất cứ cái gì trong nhà dính dáng đến thuốc phiện là họ vứt hết. Mọi người chung tay mua sắm lại trong nhà cho cha con tôi. Khoảng 10 đến 12 giờ đêm là lúc tôi lên cơn nghiện. Nhóm thanh niên đè tôi xuống, trói nghiến lại, dùng dây xích treo ngược tôi lên xà nhà.

Hôm đầu tiên, tôi kêu van sùi cả bọt mép, gào thét như điên dại. Sau gần hai tiếng quằn quại người ta đỡ tôi xuống. Lúc đó, người tôi mềm oặt. Tôi lịm đi trong giấc ngủ, cho đến sáng. Hôm sau, hôm sau nữa… Cái việc treo người tôi lên ấy dài hai tháng trời. Và điều kỳ diệu xẩy ra, tôi đã hết cơn và hết thèm thuốc. Cả làng vỗ tay ăn mừng, hạnh phúc đã đến với tôi chăng? Chiều hôm ấy, trong một hội diễn văn nghệ xã, tiếng hát của tôi lại bay lên làm rung động lòng người. Cùng lúc ấy, một điều bất ngờ xẩy ra. Một chiếc xe ô tô chở mấy anh công an ập đến, lệnh bắt Nguyễn Văn Vinh tội trộm cắp tài sản nhân dân, nay đã hoàn tất hồ sơ. Tôi phải vào tù 2 năm. Điều ấy xẩy ra đúng vào 2 giờ chiều ngày 2/9. Tôi khóc, cả làng khóc, nhưng khi bước lên xe tôi đã chắp tay lại, cảm tạ bà con làng xóm đã cưu mang và giúp đỡ tôi, xin bà con nuôi nấng đùm bọc mẹ già và con dại, tôi sẽ về làm lại cuộc đời…

Tôi phải trả giá cho vết trượt và những sai lầm của đời mình, đó là điều tất nhiên. Thế nhưng, tôi mừng hơn là mình đã có những phút tỉnh ngộ khi bị giam trong trại. May mắn cho tôi, khi luôn nhận được sự động viên từ quê nhà, của chi đoàn thanh niên, bà con lối xóm, họ thay phiên vào thăm tôi. Điều ấy khiến cho tôi nhiều đêm rơi nước mắt. Tôi không còn ước ao thời gian quay trở lại, mà ước sao thời gian 2 năm này trôi nhanh, để tôi trở về tạ lỗi với cha mẹ, với con gái và trả nghĩa cuộc đời.

Lê Phương

(Yên Thành)