Thực phẩm "bẩn" vẫn tìm đường lách

10/05/2014 22:21

(Baonghean) - Thịt, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã ôi thiu, bốc mùi hôi thối... bằng nhiều con đường, hình thức che đậy khác nhau đã và đang tuồn vào thị trường tỉnh Nghệ An. Chế tài chưa đủ mạnh là một trong những nguyên nhân khiến việc vi phạm, tái phạm tiếp tục diễn biến phức tạp.

Lực lượng QLTT Nghệ An bắt giữ lô hàng nội tạng bò không rõ nguồn gốc xuất xứ tại huyện Diễn Châu.
Lực lượng Quản lý thị trường Nghệ An bắt giữ lô hàng nội tạng bò không rõ nguồn gốc xuất xứ tại huyện Diễn Châu.

Không biết du nhập từ đâu và tự lúc nào, chỉ biết rằng thời gian gần đây, số lượng quán nhậu với các món ăn nướng, rán... tọa lạc trên các tuyến phố nội thành Vinh gia tăng một cách đáng kể. Vào các buổi tối, nhất là ngày cuối tuần, ngày lễ, lượng khách (đa phần là giới trẻ) lui tới những nơi này luôn đông nghịt. Các quán nướng thường bắt đầu kinh doanh từ 17 giờ cho đến 24 giờ. Tại đây, thực khách được phục vụ từ chân gà đến các loại nội tạng lợn, bò như lòng, tràng, dạ dày, nõn đuôi, cổ hũ...

Mùi vị thơm lừng của những đĩa nội tạng đã được các chủ quán "phù phép" bằng cách tẩm ướp gia vị và phẩm màu. Và món lẩu nướng khá đa dạng, thông dụng nhất là lẩu thịt bò, thịt lợn ba chỉ, mực, sò... giá từ 150.000 - 250.000 đồng/khay. Khi được hỏi về sự an toàn của những món ăn này, một nhân viên quán nhậu đồ nướng trên đường Lê Hồng Phong (TP. Vinh) trả lời hồn nhiên: "Nếu cứ băn khoăn xem chúng có nguồn gốc xuất xứ từ đâu thì chắc sẽ chẳng ai dám đi ăn ở các quán ăn vỉa hè nữa đâu...". Để chứng minh đó là hàng thực phẩm "sạch", chủ một quán đồ nướng trên đường Nguyễn Văn Cừ đưa sát lên mũi chúng tôi đĩa nầm nướng trắng bóc, thơm phức phân trần: "Đây, em nhìn xem, hàng mà để lưu cữu lâu ngày, không đảm bảo thì làm sao thơm ngon, trắng sạch được như thế này". Nhưng chị chủ quán cũng bật mí, để món nầm nướng này có được mầu sắc và mùi vị như vậy phải qua rất nhiều bước sơ chế, làm sạch. Đó là bí quyết, không thể tiết lộ. Tuy nhiên, khi soi kỹ vào từng miếng nầm chúng tôi phát hiện có nhiều chấm đỏ trên một số miếng nầm.

Khi tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến món nầm nướng, chúng tôi nhận thấy chủ các quán đều quảng cáo nầm của mình là nầm dê có xuất xứ từ Ninh Bình, nơi nổi tiếng về món ăn dê núi. Và sự đảm bảo chỉ là những lời nói bỏ ngỏ, không hề có bất cứ một thứ giấy tờ chứng minh nào đi kèm xác nhận có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng... Nhìn vào lượng khách cũng như lượng thực phẩm mà các quán nướng vỉa hè tiêu thụ, không ít người đặt câu hỏi các chủ hàng lấy đâu nguồn cung cấp nội tạng động vật dồi dào đến vậy, và nguồn gốc của những loại thực phẩm này có an toàn hay không. Có một thực tế thời gian gần đây, lực lượng chức năng Nghệ An đã bắt được rất nhiều vụ vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phần lớn các lái xe đều khai nhận chở hàng thuê từ các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Móng Cái… về Nghệ An, sau đó phân phối cho các cửa hàng kinh doanh ăn uống. Nhưng hàng năm lại có rất ít các quán, nhà hàng bị các cơ quan chức năng xử lý bởi các hành vi chế biến, sử dụng hàng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Theo số liệu của Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An, từ đầu năm đến nay Chi cục đã kiểm tra phát hiện hàng chục vụ chở thực phẩm "bẩn", không bảo đảm ATVSTP, xử lý lái xe vi phạm và truy xét nguồn gốc của những hàng hóa vi phạm này. Đơn cử, ngày 3/1/2014, tại ngã ba Săng Lẻ, xã Tam Hợp (Quỳ Hợp), Đội Quản lý thị trường số 9 - Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An đã kiểm tra xe tải mang biển kiểm soát 37C-01454 đang đổ hàng do tài xế Nguyễn Văn Long, trú tại xã Diễn Vạn (Diễn Châu) điều khiển. Qua kiểm tra đã phát hiện trên xe có vận chuyển gần 300 kg nội tạng, tim, gan bò chưa sơ chế, không có giấy Chứng nhận kiểm dịch đã bốc mùi hôi thối. Tài xế kiêm chủ hàng Nguyễn Văn Long khai nhận số hàng nói trên có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc vận chuyển lên các huyện miền núi phía Tây Nghệ An để tiêu thụ. Đội Quản lý thị trường số 9 đã lập biên bản, bàn giao tang vật cho Trạm Thú y Quỳ Hợp để xử lý theo quy định pháp luật.

Tại xã Hưng Lợi - huyện Hưng Nguyên, Đội Quản lý thị trường số 3 đã bắt giữ xe ô tô mang biển kiểm soát 37V- 0995 vận chuyển 3 thùng xốp đựng gần 2.000 con chim cút đã làm thịt và ướp đá đông lạnh. Số lượng hàng này đang trên đường đưa về Vinh để tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Quang, Đội phó Đội QLTT số 3 - Chi cục QLTT Nghệ An cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi bắt được khá nhiều vụ vận chuyển thực phẩm lậu số lượng lớn với đầy đủ chủng loại như thịt bò, chân trâu, chân gà, chim cút, nội tạng lợn, bò... Gần đây nhất là trường hợp vận chuyển lô hàng nầm dê không rõ nguồn gốc được chủ hàng bọc kín trong thùng xốp. Chúng được ngâm trong nước dung dịch sánh đỏ, nếu chạm tay trực tiếp vào thứ nước này thì có rửa bằng xà bông đến mấy cũng khó mà hết mùi. Ngoài ra, đội còn bắt được một lô hàng thịt bò bắp có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng bất ngờ khi rạch lớp bao bóng bên ngoài thì giống như chiếc gối hơi, số thịt bò gặp gió phút chốc đã phồng lên thành những bắp thịt tròn, tươi đẹp".

Qua thống kê của Trạm Thú y TP. Vinh, từ đầu năm đến nay đơn vị này cũng đã phát hiện và xử phạt 4 vụ vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không dấu kiểm soát giết mổ và không rõ nguồn gốc xuất xứ, có loại thực phẩm đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối. Các chủ lô hàng trên đã bị trạm xử phạt hành chính 3.000.000 đồng/vụ và tiến hành tiêu hủy. Ông Nguyễn Tiến Đức - Trạm trưởng Trạm Thú y TP. Vinh cho biết thêm: "Hiện nay, việc ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng vào địa bàn thành phố rất cam go vì các đối tượng kinh doanh mặt hàng này ngày càng tinh vi. Phần lớn các đối tượng này đều đi các đường tắt để tránh các chốt kiểm dịch. Thời gian vận chuyển, giao trả hàng chủ yếu vào đêm khuya, ngày nghỉ, ngày lễ để trốn tránh, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý...

Một vấn đề nữa khiến các loại thực phẩm ôi thiu tuồn vào thị trường, rồi lên các bàn ăn ở các quán ăn, đó là chúng ta đang buông lỏng quản lý đối với thị trường phụ gia thực phẩm. Theo thông báo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hiện Việt Nam cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm bao gồm 337 chất (cả hương liệu). Tuy nhiên, chưa đến 10% phụ gia thực phẩm được sản xuất trong nước, còn lại đều nhập khẩu, trong đó có hơn 30% phụ gia thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhiều chợ bán buôn, bán lẻ phụ gia thực phẩm vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, khiến người tiêu dùng rất lo lắng về nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Những vụ việc trên mới là "phần nổi" của "tảng băng chìm". Có thể thấy, thực phẩm "bẩn" đang diễn biến rất phức tạp; thủ đoạn ngày càng tinh vi, trá hình qua nhiều phương tiện, hình thức vận chuyển khác nhau nhằm qua mặt cơ quan điều tra. Trong khi chế tài xử lý các vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, thực phẩm lậu, không bảo đảm ATVSTP vẫn chưa đủ mạnh, chủ yếu là xử lý vi phạm hành chính nên nhiều đối tượng vẫn tiếp tục vi phạm...

Thiết nghĩ, để đảm bảo VSATTP, bên cạnh sự tích cực vào cuộc của các cơ quan chức năng, người sản xuất, kinh doanh cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần củng cố kiến thức VSATTP, biết lựa chọn thực phẩm an toàn, phối hợp với ngành chức năng phát hiện, tố giác kịp thời những cơ sở kinh doanh vi phạm VSATTP.

Ngọc Anh