Điều hành giá sẽ quyết định mức CPI năm 2013

30/08/2013 21:09

Để đạt mục tiêu CPI cả năm không vượt quá mức 7%, công tác điều hành giá cả trong những tháng cuối năm sẽ có tính quyết định.



(ảnh minh họa)

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa có báo cáo nhận định tình hình kinh tế 2013 và dự báo năm 2014-2015.

Theo đó, Ủy ban này nhận định: Môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định tạo tiền đề cho phát triển ổn định cho những năm tiếp tục. Trong đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp so với những năm trước đó. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 là một thách thức lớn và nhiều khả năng tăng trưởng chỉ đạt ở mức 5,3%.

Điều hành giá sẽ quyết định mức CPI

Phân tích chi tiết của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy: CPI 8 tháng tăng 3,53% so với đầu năm. Tính toán bóc tách thành phần mùa vụ cho thấy việc điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ, tỷ giá và dịch vụ công (y tế, giáo dục) là nhân tố chính chi phối lạm phát của năm nay. Cụ thể, trong tháng 8, lạm phát so với cùng kỳ ở mức khá cao so với các tháng trước (7.5%) nhưng lạm phát loại trừ yếu tố mùa vụ (xăng dầu, điện, dịch vụ công) chỉ ở mức 3,43%.

Như vậy, vẫn trên quan điểm nhận định trong báo cáo tháng 6/2013, UBGSTCQG

cho rằng nếu không có những thay đổi về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả

năng lạm phát cả năm 2013 sẽ vào khoảng 5% (cao hơn so với mức tương ứng 4.3% của năm 2012). Do đó, để đạt mục tiêu CPI cả năm không vượt quá mức 7%, công tác điều hành giá cả trong những tháng cuối năm sẽ có tính quyết định.

Việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự điều phối thống nhất, có bước đi và lộ trình thích hợp.

Năm 2013 thặng dư 1,5-2 tỷ USD

Về cán cân thanh toán tổng thể, UBGSTCQG cho biết vẫn tiếp tục thặng dư và dự báo trong năm 2013 thặng dư 1,5-2 tỷ USD. Tuy nhiên, mức thặng dư cán cân thanh toán giảm nhiều so với 2012 khi mức thặng dư 5 tháng đầu năm là 1,5 tỷ USD, giảm 79% so với cùng kỳ; cán cân vốn thặng dư 2,56 tỷ USD, giảm 37% so cùng kỳ năm 2012. Xuất khẩu tăng khá nhưng chủ yếu do đóng góp của khu vực FDI.

Xuất khẩu 8 tháng tăng 14,7% nhưng khu vực trong nước chỉ tăng 3,1%. Tương tự, nhập khẩu tăng 14,9%, khu vực trong nước chỉ tăng 4%. Cùng với đó, thị trường tài chính tiền tệ được cải thiện, góp phần ổn định hơn kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế.

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013

UBGSTCQG còn nhận định, những tháng qua, tăng trưởng kinh tế và sản xuất được cải thiện nhưng còn nhiều thách thức. Biểu hiện là sản xuất công nghiệp tăng dần qua các tháng (mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3, 4, 5, 6, 7 và 8 tháng đầu năm 2013 lần lượt là 4,9%, 5%, 5,2% và 5,3%) và số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng dần, mặc dù vốn thành lập giảm (số doanh nghiệp đăng kí mới 5 tháng tăng 4,8%, 6 tháng tăng 7,6% và 7 tháng tăng 8,4% so cũng kì. Số vốn đăng kí mới 4 tháng giảm 14,1%, 5 tháng giảm 16,3%, 6 tháng giảm 19,9% và 7 tháng giảm 17,5%).

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái trong khi sản xuất nông lâm thủy sản đạt thấp nhất trong vòng 10 năm (6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 2,4%). Trong đó, chỉ số IIP 8 tháng đầu năm đạt 5,3% tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (6,5%) và chỉ số PMI liên tiếp 3 tháng gần đây dưới ngưỡng 50 (ngưỡng mở rộng sản xuất). Còn ngành nông nghiệp cũng có mức độ sụt giảm đáng kể từ mức từ 3,9% năm 2011 xuống 2,28% năm 2012 và 1,89% trong 6 tháng đầu năm 2013; ngành thủy sản sụt giảm liên tiếp từ 4,33% trong năm 2011 xuống 2,34% trong quý II/2013.

Đồng thời, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp FDI. Trong 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu chỉ tăng 3,1% trong khi các doanh nghiệp FDI tăng 26%; nhập khẩu tăng 4% so với 24,1% của doanh nghiệp FDI.

Với tình hình trên, UBGSTCQG nhận định việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 là một thách thức lớn và nhiều khả năng tăng trưởng GDP cả năm 2013 chỉ ở mức 5,3%./.


Theo VOV - HV