Bấp bênh đầu ra

19/12/2013 18:43

(Baonghean) - Trong khi sản lượng khai thác ngày càng tăng thì giá trị sản phẩm bị thương lái ép giá khiến cho ngư dân bị thua thiệt. Đầu ra cho sản phẩm khai thác thủy sản vẫn chưa có lời giải để ngư dân yên tâm bám biển.

Cảng cá Lạch Quèn những ngày cuối năm rộn rã hơn. Sau nhiều đợt mưa bão, hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân đã ổn định trở lại. Những chuyến tàu đầy ắp tôm, cá sau hải trình dài tấp nập vào cảng, mang theo kỳ vọng “đổi đời” của ngư dân trở về từ biển khơi. Nhưng kỳ vọng đó có đạt được hay không, lại gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, đầu nậu thu mua hải sản. Vừa bán xong số cá thu hoạch được cho thương lái, anh Nguyễn Văn Tăng, xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long chia sẻ: “Hầu hết chuyến đi nào tàu thuyền lúc cập bến cá cũng đầy khoang nhưng ngư dân chúng tôi vẫn chưa thực sự được thỏa mãn. Giá cá và các sản phẩm khác sụt giảm khiến lợi nhuận của ngư dân chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều”. Theo anh Tăng, cùng thời kỳ này năm 2012 thì giá cá đốm dao động từ 12-13 ngàn đồng/kg (loại lớn) và 7-8 ngàn đồng/kg (loại nhỏ) nhưng đến thời điểm này chỉ còn khoảng 10-11 ngàn đồng/kg (cá lớn) và 5-6 ngàn đồng/kg (loại nhỏ).

Thu mua cá ở cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu).
Thu mua cá ở cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu).

Anh Tăng chia sẻ thêm: Bên thu mua người ta ép giá, đáng lẽ bình thường giá từ 10 - 11 ngàn đồng/kg nhưng nhiều lúc ép xuống 8 - 9 ngàn đồng/kg mà vẫn phải bán. Nếu không bán cho thương lái thì không biết bán cho ai nên dù có bị ép giá thì mình cũng phải chịu. Không chỉ thế, tỷ lệ cá nhỏ chiếm số lượng lớn nên lợi nhuận của ngư dân không cao. Hầu hết giá cả các loại thủy sản cũng giảm đáng kể, khoảng từ 30-40% so với năm trước. Nguyên nhân chính khiến giá cả các mặt hàng thủy sản giảm mạnh trong thời gian gần đây là do thị trường Trung Quốc mới mở cửa trở lại nên hàng xuất khẩu chậm.

Mỗi năm, lượng thủy sản khai thác trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu khoảng 45.000 tấn. Trong đó, có nhiều sản phẩm có giá trị cao như mực, cá cơm, cá ngừ... Tuy nhiên, trên địa bàn huyện mới chỉ có 5 cơ sở chế biến tiêu thụ cá cho người dân, trung bình từ 400 - 500 tấn/năm. Nhu cầu tiêu thụ ít nên hầu như toàn bộ sản phẩm được bán cho các thương lái. Ông Vũ Ngọc Chất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Long cho biết: “Cái hay khi bán cho thương lái để xuất đi Trung Quốc là giá cao hơn so với bán trong nội địa. Hơn nữa, thị trường này “ăn hàng” rất lớn, không kén chọn, và tiền bạc sòng phẳng. Vì thế, người dân ở đây rất thích bán sang thị trường này vì đối với họ, không gì bằng chuyện cá trao đi và tiền cầm tay”.

Bên cạnh những cái lợi thì làm ăn với các bạn hàng Trung Quốc cũng lắm rủi ro. Anh Hoàng Viết Minh - Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy hải sản Hoàng An tại xã Quỳnh Long, cho biết: “Không chỉ ngư dân bị thiệt hại bởi bạn hàng Trung Quốc mà đến cả những cơ sở như chúng tôi cũng có lúc sống dở, chết dở với họ. Họ thích thì mua, đến lúc không thích nữa thì dừng lại chứ cũng không có một cam kết nào cả”. Anh Minh còn cho biết thêm, giá cả là do thương lái Trung Quốc quy định chứ không có chuyện thỏa thuận. Vì thế, khi hàng có nhiều thì thường bị các thương lái này ép giá nhưng không bán cho họ thì không biết bán cho ai. Trước đây, mỗi ngày anh Minh xuất khoảng 10 - 15 tấn, một năm xuất được khoảng 1.000 tấn, trong đó 80% là xuất sang Trung Quốc, qua đường tiểu ngạch. Nhưng từ tháng 4 đến tháng 9, hầu hết các cửa này đều đóng nên anh Trung chỉ dám mua cầm chừng tháng vài tấn để duy trì hoạt động của công ty và có tiền trả lương cho công nhân.

Việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã đẩy cả ngư dân và các cơ sở chế biến thủy sản chịu thiệt lớn và rơi vào thế bị động. “Trước đây, tôi cũng đã sang Lào và Đài Loan để tìm các thị trường mới nhưng đều không thành công. Vì các thị trường này đòi hỏi rất khắt khe về mẫu mã, chất lượng, ATVSTP”, anh Minh chia sẻ. Trong khi đó, để đáp ứng được những đòi hỏi đó thì những cơ sở này phải đầu tư dây chuyền, thiết bị, nhà xưởng hiện đại hơn rất nhiều và cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt pháp lý vì phải xuất qua đường chính ngạch. Có như vậy, tình trạng được mùa – mất giá của ngư dân sẽ không còn tiếp diễn nữa.

Bên cạnh đó, do chưa được đầu tư thiết bị bảo quản, chế biến nên sản phẩm của ngư dân bị giảm chất lượng nghiêm trọng sau quá trình khai thác khiến cho giá trị bị giảm sút. Mỗi năm, sản lượng khai thác hải sản trung bình của toàn tỉnh là hơn 65.000 tấn các loại, trong đó, có những đối tượng có giá trị xuất khẩu lớn như mực, cá thu… Tuy nhiên, tỷ lệ tổn thất sau đánh bắt khoảng từ 10-15%, tức là thất thoát khoảng 5.000 - 7.000 tấn, tương ứng khoảng 80 tỷ đồng. Hầu hết các tàu đều áp dụng phương pháp bảo quản bằng nước đá xay, thậm chí có nhiều tàu hiện vẫn giữ phương pháp bảo quản truyền thống bằng cách ướp muối, chỉ những tàu có công suất lớn mới bố trí các hầm chứa cách nhiệt, thực hiện phân loại bảo quản với sản phẩm phục vụ ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Còn lại hầu hết các tàu nhỏ thường thiếu mặt bằng để phân loại sản phẩm, nhiều tàu không thiết kế hầm bảo quản.

Để tăng giá trị đánh bắt, giảm thiệt thòi cho ngư dân, trong thời gian tới cần tập trung phát triển các làng nghề chế biến thủy, hải sản trên địa bàn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc quy hoạch, xây dựng khu vực chế biến tập trung cho mũi nhọn xuất khẩu gắn với khu neo đậu ở cảng cá là hướng đi cần thiết. Để làm được điều này, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng. Chỉ như vậy, ngư dân mới yên tâm hăng hái bám biển mưu sinh, phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Phạm Bằng