Khai mạc Đại hội XI Công đoàn Việt Nam

28/07/2013 15:11

Sáng 28/7, Đại hội lần thứ XI Công đoàn Việt Nam đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội vinh dự đón: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự.

900 đại biểu đại diện cho gần 8 triệu đoàn viên công đoàn cả nước tham dự Đại hội.



Lễ khai mạc Đại hội XI Công đoàn Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

5 năm qua, trong bối cảnh đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, người lao động cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là về việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà ở, đời sống. Song, với tinh thần năng động, sáng tạo, đội ngũ đoàn viên công đoàn, người lao động vẫn tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng; tin tưởng, ủng hộ đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyết tâm vượt qua khó khăn trong lao động, sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội đất nước theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.

5 năm qua, tổ chức Công đoàn với vai trò, chức năng của mình đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả, thành tựu và hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X đề ra. Nổi bật nhất là việc các cấp công đoàn đã chủ động tập hợp ý kiến của đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia xây dựng, hoàn thiện hàng trăm văn bản pháp luật, chính sách, chế độ có liên quan trực tiếp đến NLĐ, đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng Luật Công đoàn năm 2012, tham gia xây dựng Bộ luật Lao động năm 2012 và nhiều chính sách, chế độ cụ thể về việc làm, tiền lương, nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Tổ chức CĐ còn thể hiện rõ vai trò đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Các phong trào thi đua yêu nước do Công đoàn tổ chức đã góp phần to lớn vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ sở, điển hình là phong trào thi đua liên kết trên các công trình xây dựng trọng điểm, như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, Lai Châu, Công trình Khí - Điện - Đạm Cà Mau... đã làm lợi cho đất nước hàng ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động xã hội, đền ơn, đáp nghĩa, giúp người lao động vượt qua khó khăn được triển khai thường xuyên, sâu rộng trong công đoàn các cấp và mọi đối tượng cán bộ, công nhân, viên chức, lao động với nhiều nội dung đa dạng, phong phú.

Tổ chức Công đoàn cũng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong các cuộc vận động xã hội, nhân đạo qua việc xây dựng các quĩ: “Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng”, “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xoá đói giảm nghèo”, “Mái ấm Công đoàn”..., góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI là đại hội thể hiện ý chí quyết tâm của toàn thể cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, lao động cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu đưa nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển, vươn lên thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Với tinh thần trách nhiệm trước giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, tại Đại hội lần này, các đại biểu sẽ tiếp tục đóng góp thêm nhiều ý kiến, làm sáng tỏ hơn nữa các vấn đề nhằm đạt được sự nhất trí cao về các nội dung chủ yếu trong các văn kiện Đại hội.


Theo Chinhphu.vn – L.T