Bịn rịn ngày trở lại
(Baonghean) - Sau những ngày trở về quê đón Tết, nay người lao động, công nhân, sinh viên, công chức… lại có cuộc hành trình quay trở lại các thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất làm việc, học tập. Mới mồng 5, mồng 6 Tết nhưng từng đoàn người đã tất tả xếp hàng, đứng ngồi đông nghịt nơi nhà ga, bến xe, quốc lộ 1A để mua cho mình tấm vé hay bắt các chuyến xe khách Bắc - Nam. hết Tết, họ lại lên đường bắt đầu những ngày tháng xa quê hương, gia đình..
(Baonghean) - Sau những ngày trở về quê đón Tết, nay người lao động, công nhân, sinh viên, công chức… lại có cuộc hành trình quay trở lại các thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất làm việc, học tập. Mới mồng 5, mồng 6 Tết nhưng từng đoàn người đã tất tả xếp hàng, đứng ngồi đông nghịt nơi nhà ga, bến xe, quốc lộ 1A để mua cho mình tấm vé hay bắt các chuyến xe khách Bắc - Nam. hết Tết, họ lại lên đường bắt đầu những ngày tháng xa quê hương, gia đình..
Những ngày đầu năm Giáp Ngọ, tiết trời khô ráo, nắng ấm, nhưng sáng sớm sương mù vẫn bao phủ, nhất là ở vùng cao. Mới 4 giờ sáng, tiếng còi xe khách đã tuýt vang nơi trung tâm xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu. Năm nào cũng vậy, sau Tết, rất nhiều con em trong xã lại lên đường vào Nam, ra Bắc làm ăn. Tay xách, nách mang, mẹ con bà Nguyễn Thị Út tiễn biệt nhau bịn rịn như không muốn chia tay. Chị Lê Thị Nga, con bà Út, làm công nhân may mặc ở khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) mới về quê ăn tết hôm 28 âm lịch nay đã phải lên đường vào Nam. Xa nhà cả năm trời, mấy ngày về lại đau ốm nên chị không đi thăm được họ hàng nhiều, mẹ con tâm sự chưa hết chuyện đã phải tạm biệt nhau. Nhìn đứa con gái bước lên xe, bà Út ứa nước mắt: “Muốn nó ở nhà lắm vì thân gái một mình nơi đất khách quê người. Nhưng nhà có vài ba sào ruộng khô cằn, cả năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng không đủ ăn nên đành cho nó đi thôi”.
Ra bến xe. |
Vừa ôm đứa con nhỏ, vừa cầm tay vợ đứng bắt xe bên Quốc lộ 1A, anh Nguyễn Văn Hùng ở phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai bùi ngùi như không muốn chia tay. Làm công nhân xây dựng tận mãi Tân Uyên, Bình Dương, đồng lương chẵng được là bao, mỗi năm anh chỉ tranh thủ vài ngày Tết về thăm vợ con. Đứa bé cứ ôm riết lấy cổ bố, chị Hoa (vợ anh Hùng) nựng mãi đứa trẻ cũng không chịu buông. Miệng lắp bắp không thành lời, chị Hoa dặn dò chồng trong nước mắt: “Anh vào đó lo làm ăn, đừng theo bạn bè xấu bài bạc, rượu chè mà làm mẹ con em buồn. Anh cứ yên tâm mà đi cho mạnh khỏe, ở nhà bố mẹ, các con đã có em lo”. Anh Hùng ôm lấy con hôn hít khắp mặt rồi lại nắm chặt lấy tay vợ. Những giọt nước mắt chực trào ra khiến buổi sáng chia tay càng thêm bịn rịn.
Các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành.. nhiều năm nay, phong trào đi miền Nam làm thuê trở nên rầm rộ, đặc biệt là ở các KCN, KCX ở Bình Dương, Đồng Nai. Vì vậy, cứ mỗi dịp Tết qua, hàng ngàn người lại xa gia đình, vợ con “Nam tiến” để mưu sinh, kiếm sống. Mới 17 tuổi nhưng em Phạm Minh Tài ở xã Diễn An, Diễn Châu đã có 2 năm lăn lộn nơi đất Sài Gòn. Gom góp, tằn tiện cả năm, Tết đến em lại về thăm cha mẹ, ông bà. Đứng trên Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Diễn Châu bắt xe với các bạn, Tài tâm sự: “Kiếm được đồng tiền nơi đất khách quê người cực lắm anh ạ. Nhưng em học thấp, không có cái chữ làm vốn thì ở nhà biết làm cái gì mà sống. Mỗi dịp Tết nhất được về thăm gia đình thế này là em vui lắm rồi”. Nói xong Tài lấy mấy chiếc bánh chưng, kẹo mứt mẹ cho nhét vào ba lô. Chiếc xe khách biển kiểm soát Sài Gòn trờ tới rồi lăn bánh, mang theo bao người con của mảnh đất nghèo vào Nam làm ăn. Những người cha, người mẹ vội vàng cầm tay con rưng rưng xúc động, tiếng dặn dò đứt quãng. Tiết trời đầu năm nắng ấm nhưng sao nghe se sắt trong lòng kẻ ở, người đi.
Trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Thị xã Hoàng Mai… hàng ngàn người đứng ngồi lố nhố bên vệ đường để bắt xe. Do năm nay nhiều nhà xe chọn xuất bến đầu năm vào những ngày chẵn nên số lượng khách bị dồn đọng vào các ngày lẻ tăng đột biến. Anh Phan Văn Lệ, một người dân ở xã Diễn An, Diễn Châu sốt ruột cho hay: “Tui ra đây chờ xe từ ngày mồng 4 Tết mà đến giờ vẫn chưa bắt được. Giá cả thì khỏi phải nói, gần gấp đôi giá vé năm ngoái. Được về quê ăn Tết 1 tuần nhưng mất 3 -4 ngày vừa về, vừa đi mất rồi”. Trong khi chờ xe đến, chị Nguyễn Thị Như ở xã Diễn Bích, Diễn Châu tranh thủ tâm sự, dặn dò các em. Do điều kiện kinh tế còn vất vả, nên năm nào trở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc chị cũng phải bắt xe khách đường dài. “Tiền đâu mà đi tàu hỏa hay máy bay hả chú? Đi ra, đi vào cũng ngót nghét vài ba triệu bạc rồi” - chị Như phân trần.
Những chuyến xe khách Bắc - Nam chất đầy khách, người ngồi tràn ra cả lối đi. Ngày thường cho dù lơ xe mời khản cả cổ cũng không có người đi, nhưng giờ lượng khách đã “no” nên nhà xe rất “kiêu” sức ra giá. Anh Nguyễn Đức Nam ở xã quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu cho hay: “Do người lao động chủ yếu làm việc ở miền Nam, Tây Nguyên nên xe chạy vào những ngày này đông nghẹt khách”. Các loại xe khách giường nằm, mặc dù giá vé cao ngất ngưởng nhưng đều được mua hết trước đó, còn các loại xe ghế ngồi giá có mềm hơn nhưng đều bị nhồi nhét bằng các “ghế phụ”, lối đi nên chật như nêm.
Tại nhà ga, khách đi tàu cũng rất đông, các hàng ghế ngồi chờ không còn chỗ trống. Anh Hoàng Anh Tuấn, một hành khách đứng chờ ở Ga Vinh để mua vé cho hay: “Đứng từ sáng tới giờ mà vợ chồng tôi vẫn chưa mua được vé. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này là “cháy” vé”. Cũng như những năm trước, các chuyến tàu ra Bắc thì rất vắng khách, nhưng vào Nam lúc nào cũng chật kín.
Vào các ngày sau Tết Giáp Ngọ, không chỉ các tuyến xe khách đường dài, tàu hỏa mà ngay cả các hãng hàng không cũng “cháy” vé. Là một doanh nhân nhưng do không đặt vé trước nên chị Nguyễn Thị Ngọc Hà ở huyện Nam Đàn cũng rất vất vả mới mua được tấm vé của hãng hàng không Jetstar Pacific vào TP. Hồ Chí Minh với giá 2,9 triệu đồng. Tại Cảng Hàng không Vinh, hành khách nườm nượp đứng xếp hàng làm thủ tục chờ bay. Anh Nguyễn Văn Dũng, một công chức làm việc tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Do thời gian làm việc thất thường nên hôm về tôi không đặt vé khứ hồi. Vậy nên mấy ngày hôm nay phải gọi điện nhờ cậy bạn bè mới mua được tấm vé đi sớm”.
Năm nào cũng vậy, sau những ngày sum vầy ăn Tết bên gia đình, làng xóm, những người con xứ Nghệ lại rời quê hương đi làm ăn xa nơi đất khách quê người. Con đường về quê ăn Tết vất vả bao nhiêu thì con đường trở vào làm việc càng gian nan, khó khăn bấy nhiêu. Nhưng trong không khí, niềm vui năm mới, ai cũng tay bắt, mặt mừng, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Và trong hành lý của những người con xa quê, cặp bánh chưng, quà Tết mang theo biếu bạn bè, đồng nghiệp là điều không thể thiếu.
Triều Dương