Làng "khát"...
(Baonghean) - Cách trung tâm Thành phố Vinh chỉ chừng trên 4 km, nhưng đến nay 398 hộ, 1.650 khẩu của 3 xóm Đức Vinh, Đức Thịnh, Đức Thọ (xã Hưng Lộc) chưa được sử dụng nước máy. Về đây trong những ngày đầu năm mới, người dân gửi gắm: Nhờ báo chí nói giúp với cấp trên, chúng tôi "khát" nước sạch đã lâu lắm rồi...
(Baonghean) - Cách trung tâm Thành phố Vinh chỉ chừng trên 4 km, nhưng đến nay 398 hộ, 1.650 khẩu của 3 xóm Đức Vinh, Đức Thịnh, Đức Thọ (xã Hưng Lộc) chưa được sử dụng nước máy. Về đây trong những ngày đầu năm mới, người dân gửi gắm: Nhờ báo chí nói giúp với cấp trên, chúng tôi "khát" nước sạch đã lâu lắm rồi...
Xóm Đức Vinh có 118 hộ, 487 khẩu. Trước đây, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Khi xã Hưng Lộc trở thành nơi đứng chân của nhiều trường dạy nghề, như Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Đại học Điện lực, Cao đẳng nghề Dầu khí thì các hộ dân ở xóm Đức Vinh đã nhanh chóng mở nhà trọ cho sinh viên thuê. Vậy nên, hiện nay dân số của xóm đã xấp xỉ 1.000 người. Tuy nhiên, do chưa có nước máy, nên đã bao năm nay người dân ở xóm Đức Vinh phải dùng nước ngầm, song xóm lại nằm gần 2 nghĩa trang nên nguồn nước ngầm ở khu vực này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nguồn nước ngầm không đảm bảo vệ sinh nhưng người dân xóm Đức Vinh vẫn phải sử dụng. |
Ông Dương Xuân Mão (xóm Đức Vinh) bức xúc: Lần họp nào cử tri xóm Đức Vinh cũng phản ánh về vấn đề nước sinh hoạt. Lần nào cũng thấy đại biểu hứa hẹn sẽ kiến nghị các cấp giải quyết, vậy mà mãi chẳng thấy Công ty cấp nước lắp đặt đường ống đưa nước về. Mà xóm Đức Vinh nào phải xa xôi gì, nằm ngay sát đường 535 (đường Lê Viết Thuật) chứ đâu...". Chị Trần Thị Hồng Ngọc - sinh viên năm cuối Khoa Giáo dục Mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cho biết, khi về trọ tại xóm Đức Vinh, em không dám dùng nước giếng khoan để nấu ăn vì thấy trong vùng có nhiều khu vực bị ô nhiễm, ao hồ tù đọng mà chỉ để giặt giũ. Thời gian gần đây, việc mua nước lọc nấu ăn quá tốn kém, nên em đành phải sử dụng, dù rất lo cho sức khỏe của mình...".
Xóm Đức Thọ cách xóm Đức Vinh một khoảng không mấy xa nhưng theo ông Nguyễn Văn Lai - Xóm trưởng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước nặng hơn nhiều vì phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ nguồn nước thải của Bệnh viện Quân y 4, các trường dạy nghề và nghĩa trang thành phố. Ông Lai nói: "Chúng tôi ở cuối nguồn nước, nước thải của các nơi theo hệ thống mương chung chảy dồn về tràn sang các đồng ruộng, thẩm thấu vào khu dân cư vừa gây mất vệ sinh vừa làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Trong khi đó 190 hộ, 728 khẩu của xóm Đức Thọ, chưa kể trên 300 học sinh đang tạm trú đều dùng nước giếng khoan để sinh hoạt nên ai cũng lo sức khỏe bị ảnh hưởng". Khẳng định thêm về việc nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, ông Lai nói thêm: "Ở xóm Mỹ Trung (Hưng Lộc) có bà Đinh Thị Hà - Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng có máy kiểm nghiệm nước. Một số người đã nhờ bà Hà kiểm tra chất lượng nước giếng khoan, tất cả đều cho kết quả nước bị nhiễm bẩn...". Bởi chất lượng nguồn nước ngầm có vấn đề nên ở xóm Đức Thọ có nhiều hộ dân mua bồn chứa nước đặt trên cao, bơm nước lên để lắng lọc.
Bà Nguyễn Thị Tiến ở xóm Đức Thọ sử dụng nước lọc qua máy lọc nước ion. |
Ở Hưng Lộc, cùng chung cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt như Đức Vinh, Đức Thọ còn có xóm Đức Thịnh. Xóm trưởng xóm Đức Thịnh, ông Uông Đình Chung bức xúc: "Người ta thường nói, dân làm nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa thì môi trường trong lành nhưng dân Đức Thịnh thì hết khổ, nhất là về nước sinh hoạt. Chúng tôi đã lấy mẫu nước giếng đào, giếng khoan đi kiểm tra, kết quả mẫu nước không đảm bảo. Nhiều gia đình mua bình lọc về dùng nhưng cũng chẳng mấy an tâm vì thấy được một thời gian ngắn là lõi lọc vàng khè, hoặc đen xỉn...".
Trước nhu cầu cấp bách của nhân dân trong vấn đề nước sạch trong sinh hoạt, từ năm 2010, HĐND xã Hưng Lộc đã có Nghị quyết số 04 về kế hoạch xây dựng cơ bản. Chính quyền xã đã đầu tư 5,6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của xã để lắp đặt đường ống cấp 3 tới tận nhà các hộ dân. Theo ông Nguyễn Xuân Đình - cán bộ đô thị xã Hưng Lộc thì đường ống cấp 3 do xã làm chủ đầu tư đã được lắp đặt xong gần 2 năm. Cũng từ đó đến nay, xã đã nhiều lần kiến nghị thành phố, có văn bản đề nghị Công ty Cấp nước lắp đặt hệ thống đường ống cấp 1, cấp 2 đưa nước máy về cho nhân dân đấu nối, sử dụng nhưng chưa được.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND xã, năm 2010, xã còn 5 xóm Mẫu Lâm, Hòa Tiến, Đức Vinh, Đức Thọ, Đức Thịnh chưa được sử dụng nước máy. Sau khi xã đầu tư hoàn chỉnh đường ống cấp 3 thì 2 xóm Mẫu Lâm, Hòa Tiến đã được sử dụng nước máy. 3 xóm còn lại vẫn chưa được sử dụng do Công ty Cấp nước chưa lắp đặt đường ống cấp 1, cấp 2. Ông Nguyễn Văn Hà nói: "Thời điểm lắp đặt đường ống cấp 3, chúng tôi đã nhiều lần có văn bản đề nghị Công ty Cấp nước cung ứng vật tư, nhân công lắp đặt, chính quyền xã và nhân dân sẽ tổ chức giải phóng mặt bằng và thi công đào đường ống. Năm 2013, Công ty Cấp nước đề nghị xã cấp cho 300 - 400m2 đất để đặt trạm tăng áp. Xã đã cùng với công ty đi khảo sát lựa chọn địa điểm để đặt trạm. Sau đó, chúng tôi đã tiếp tục đề nghị, trong thời gian làm thủ tục đất đai, xây dựng trạm thì cho tổ chức thi công đường ống để đưa nước máy về cho nhân dân được sử dụng trong thời gian sớm nhất, nhưng rồi trong năm 2013 chưa thực hiện được. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Công ty Cấp nước để cố gắng thực hiện trong 6 tháng đầu năm này...".
Tìm hiểu thêm thì ở các Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Đại học Điện Lực, Cao đẳng nghề Dầu khí, vấn đề nước máy sinh hoạt cũng cấp thiết không kém người dân 3 xóm Đức Vinh, Đức Thịnh, Đức Thọ. Vậy nên số người có nhu cầu dùng nước máy lên đến vài ngàn người. Thiết nghĩ, đòi hỏi được sử dụng nước máy của các hộ dân xã Hưng Lộc trong khi nguồn nước ngầm đang ngày một ô nhiễm là hết sức chính đáng. Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Nghệ An cần sớm phối hợp với chính quyền xã Hưng Lộc triển khai lắp đặt đường ống cấp 1, cấp 2 để đưa nước máy về khu vực này.
Nhật Lân