Tập trung giám sát hồ đập, chủ động xả lũ hợp lý

16/10/2013 23:55

(Baonghean) - Căn cứ dự báo thời tiết trong những ngày qua, từ chiều 14/10, hồ Sông Sào (hệ thống đầu mối trên địa bàn xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn) đã chủ động xả lũ 1 cửa, với lưu lượng 120m3/s. Việc xả lũ hồ Sông Sào được thực hiện đúng quy trình đã được UBND tỉnh quy định.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 11 nên trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn và các huyện Qùy Hợp, Qùy Châu có lượng mưa trên 100 mm. Tuy mực nước tại hồ Sông Sào trong những ngày qua luôn nằm dưới mực nước dâng bình thường, nhưng công ty TNHH MTV Phủ Qùy vẫn quyết định xả một cửa tràn, với lưu lượng 120m3/s. Cụ thể, từ 16 giờ ngày 14/10, cao trình mực nước trong hồ là 74,80m, hồ Sông Sào đã mở 1 cửa và xả 1m. Đến chiều ngày 16/10, cao trình nước trong hồ đạt 75,45m nên công ty quyết định xả thông 1 cửa với lưu lượng 120m3/s. Ông Nguyễn Ngọc Giáp, Phó giám đốc công ty cho biết: Căn cứ vào diễn biến tình hình khí tượng thuỷ văn, hiện trạng các công trình đầu mối, vùng hạ du hồ chứa và Quy trình để quyết định việc xả lũ, công ty quyết định xả lũ 1 cửa để chủ động ứng phó với hoàn lưu của cơn bão số 11.

Hồ Sông Sào tiến hành xả lũ 1 cửa cống. Ảnh: Phạm Bằng
Hồ Sông Sào tiến hành xả lũ 1 cửa cống.

Quy trình vận hành xả lũ hồ Sông Sào được thực hiện theo Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 11/01/2008 của UBND tỉnh. Theo đó, tùy theo mực nước trong hồ để công ty quyết định tiến hành xả lũ. Khi mực nước hồ cao hơn 72,49m nhưng chưa vượt quá 75,70m, Công ty có thể không vận hành tràn có cửa để xả lũ. Khi mực nước hồ đạt +75,70m và đang lên, đồng thời dự báo ở thượng nguồn có mưa to hoặc rất to, công ty có thể vận hành tràn có cửa để xả lũ, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An, giữ mực nước hồ không vượt quá +76,77m. Khi mực nước hồ đạt +76,77m và đang lên, Công ty phải vận hành tối đa tràn xả lũ giữ mực nước hồ không vượt quá +77,02m, triển khai phương án bảo vệ vùng hạ du hồ chứa, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An. Khi mực nước hồ vượt quá +77,02m, công ty báo cáo Sở Nông Nghiệp & PTNT, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An, trình UBND tỉnh Nghệ An quyết định phương án xả lũ khẩn cấp, đảm bảo an toàn hồ chứa.

Cũng theo ông Giáp, lượng nước đổ về hồ trong những ngày qua không đáng kể, xấp xỉ với lượng nước mà hồ xả ra. Tuy nhiên, do thời tiết có mưa nên công ty vẫn quyết định xả lũ 1 cửa. Trước khi tiến hành xả lũ, công ty đã báo cáo và được sự cho phép của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Nghệ An, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An về việc xả lũ. Sau đó, công ty đã có thông báo bằng văn bản trước 12 tiếng cho UBND huyện Nghĩa Đàn, UBND Thị xã Thái Hòa, BQL đường bộ huyện Nghĩa Đàn và các xã: Nghĩa Bình, Nghĩa Trung, Thị trấn Nghĩa Đàn... và thực hiện xả lũ đúng quy trình theo phương án PCLB đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là quy trình bắt buộc trước khi tiến hành xả lũ để Ban chỉ huy PCLB các huyện, xã và người dân ở dưới vùng hạ du chủ động triển khai các phương án di dời tài sản, sơ tán và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống với lũ có thể bất ngờ xảy ra. Công ty tiến hành túc trực 24/24 giờ tại hồ và thường xuyên theo dõi mực nước để có sự điều chỉnh kịp thời. Sau thời điểm 30/10, nếu thời tiết không có mưa, lượng nước trên thượng nguồn đổ về bình thường thì công ty sẽ quyết định đóng cống để giữ nước ổn định trong hồ.

Trong cơn bão số 10 vừa qua, do lượng mưa trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn là 400mm, cộng với nước trên thượng nguồn đổ về nên mực nước tại hồ Sông Sào có thời điểm dâng cao. Theo quy trình vận hành hồ Sông Sào đã được UBND tỉnh quy định, công ty quyết định xả thông 2 cửa tràn với lưu lượng 430m3/s. Do hồ Sông Sào xả lũ nên hàng trăm hộ dân và hàng ngàn ha lúa, rau màu của các địa phương như Nghĩa Bình, Nghĩa Trung, Nghĩa Mỹ (Nghĩa Đàn) và Nghĩa Thuận (Thị xã Thái Hòa) bị ngập sâu. Đánh giá về việc xả lũ của hồ Sông Sào trong cơn bão số 10, ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: Việc xả lũ hồ Sông Sào đã được Công ty TNHH MTV Phủ Qùy thực hiện đúng quy trình. Trước khi tiến hành xả lũ, công ty đã có thông báo bằng văn bản cho Ban chỉ huy PCLB huyện và các xã nằm dưới vùng hạ du.

Cũng theo ông Sơn, việc hàng trăm hộ dân và diện tích hoa màu bị ngập trong đợt vừa qua do mưa lũ sau cơn bão số 10 là do lượng mưa quá lớn cộng với mực nước đầu nguồn đổ ra nên xảy ra tình trạng ngập úng. Rút kinh nghiệm từ sự việc đáng tiếc vừa qua tại hồ Vực Mấu (Thị xã Hoàng Mai), trước khi cơn bão số 11 tiến vào đất liền, Ban chỉ huy PCLB huyện đã yêu cầu các địa phương tiến hành xả tràn các hồ đập và sử lý sự cố như sạt mái, rò rỉ, tràn bị hư hỏng trong đợt lũ do cơn bão số 10 gây ra. Đồng thời, Ban chỉ huy PCLB của huyện triển khai thực hiện các biện pháp 4 tại chỗ với phương châm chủ động để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, nhất là về người. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiến hành xử lý cương quyết đối với những người dân không chấp hành sự điều tiết của các lực lượng công an, quân đội tại các đập tràn, cống tràn, điểm xung yếu khi có người trực gác.

Dưới đây là một số hình ảnh mà PV Báo Nghệ An ghi lại tại tràn xả lũ hồ Sông Sào vào chiều ngày 16/10:

DSC_0112.JPG

Phạm Bằng

Công trình thuỷ lợi hồ Sông Sào có hệ thống đầu mối nằm ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, được khởi công xây dựng từ tháng 5/1996. Đến nay các hạng mục công trình đã cơ bản hoàn thành theo thiết kế phê duyệt. Với dung tích là 51 triệu m3, hồ Sông Sào là hồ chứa nước lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh ta, sau hồ Vực Mấu. Năm 2008, công trình đã được giao cho Cty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ quản lý khai thác, phục vụ tưới tiêu cho hơn 5.000 ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp thuộc huyện Nghĩa Đàn và TX Thái Hoà. Hồ còn có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho đân cư trong vùng hưởng lợi, nuôi thả cá vùng hạ du. Công trình gồm các hạng mục chính như đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, tràn sự cố và cống lấy nước và đến nay đang hoạt động có hiệu quả.

Rút kinh nghiệm đợt xả lũ bão số 10, để ứng phó với hoàn lưu bão số 11, Công ty TNHH-MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An chỉ đạo Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu đã chủ động xả lũ an toàn 2 ngày vừa qua.

4 giờ chiều ngày 16/10 chúng tôi có mặt tại hồ chứa nước Vực Mấu, mưa khá to. Ông Võ Sĩ Thắng-Phó giám đốc Công ty TNHH-MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, để giảm thiểu hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du, Công ty đã chỉ đạo xả nước 2 cửa từ 9 giờ sáng ngày 14/10 đến 4 giờ sáng ngày 15/10 mức nước xuống cao trình 20,50 m cho đóng cửa tràn. Trước khi xả tràn, Công ty đã có thông báo cho các địa phương vùng hạ du vào 7 giờ ngày 13/10 và các địa phương thông báo với nhân dân, cơ bản việc xả tràn an toàn. Ông Nguyễn Cảnh Hy -Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu cho hay: 7 cán bộ CNV hồ chứa Vực Mấu đều tăng cường công tác giám sát. Cụ thể là theo dõi bảng điện tử để xem lượng mưa ở 4 khu vực của vùng hồ, mực nước. Tính đến 6 giờ ngày 16/10 lượng mưa đo được ở hồ là hơn 68 mm, lượng mưa chưa lớn lắm. Công nhân được cắt cử kiểm tra mái đập thượng lưu thường xuyên xem có hiện tượng rò rỉ, kiểm tra thiết bị điện, cánh cửa xả …

Theo dõi lượng mưa, mực nước qua bảng điện tử ở hồ chứa Vực Mấu
Theo dõi lượng mưa, mực nước qua bảng điện tử ở hồ chứa Vực Mấu

Anh Nguyễn Trọng Hưng ở xóm 3 xã Quỳnh Trang cho biết: Đợt xả lũ này chúng tôi đã nghe được loa phóng thanh của xã kêu gọi ngày giờ xả lũ của hồ Vực Mấu. Tuy nhiên tại khu vực này cần tăng cường thêm loa phóng thanh, tại đây nhiều hộ dân cư ở cuối làng, trời mưa nên nghe không rõ. Bà con chúng tôi cần thêm cả còi tầm để khi xảy ra sự cố còi hú vang để tránh lũ chứ đánh kẻng cũng rất khó nghe. Ông Đậu Minh Công chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang nói thêm: 15 giờ ngày 13/10 chúng tôi nhận được thông báo xả lũ, 17 giờ chiều cùng ngày chúng tôi đã kêu gọi trên loa phóng thanh và 7 giờ sáng ngày 14/10 chúng tôi gửi giấy pô tô thông báo cho 8 xóm hay bị ngập úng. Vấn đề xả lũ chúng tôi có đề xuất là: Thông báo xả lũ cần sớm hơn 2 ngày, trong thông báo cần nói rõ mở bao nhiêu cửa và bao nhiêu lượng nước.

Ông Võ Sĩ Thắng-Phó giám đốc Công ty TNHH-MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An lý giải: Công ty chỉ thông báo xả lũ theo quy trình chứ không thể thông báo mở bao nhiêu cửa và bao nhiêu lượng nước. Bởi khi xả phải tùy theo mức độ, có khi lượng mưa quá lớn thì phải xả phù hợp nếu không sẽ vỡ hồ chứa. Để an toàn trong vấn đề xả lũ, Công ty yêu cầu cần được Nhà nước đầu tư “kịch bản xả lũ” cho vùng hạ du. Qua “kịch bản” có thể khoanh vùng ngập úng, thông báo chính xác mức nước ngập để người dân chủ động tránh lũ. Hiện nay đường xả lũ ra sông Hoàng Mai bị bồi lắng nghiêm trọng, chưa được cải tạo nạo vét nên khi xả lũ bị ách tắc.

Dung tích của hồ chứa Vực Mấu là 75 triệu m3 nước, đến thời điểm này chỉ còn trên 68 triệu m3 nước. Công ty tăng cường giám sát chặt chẽ để xả lũ hợp lý, đảm bảo lượng nước tưới cho 3.400 ha lúa, cấp nước công nghiệp cho Thị xã Hoàng Mai là 19.000 m3/ngày/đêm, nuôi trồng thủy sản 400 ha, cấp nước sinh hoạt cho 104.000 người.

Để đảm bảo cho hồ chứa Vực Mấu, cần tăng cường tính chủ động của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và người dân bởi giải pháp công trình cũng không thể lường hết được những tiềm ẩn trong mùa mưa bão.

Phạm Bằng - Văn Trường