Làng bám biển Xuân Dương

24/05/2014 15:51

(Baonghean) - Với những ngư dân làng Xuân Dương, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc), biển đã thành máu thịt. Có gia đình đến ba bốn thế hệ đều bám biển...

Trời bắt đầu hừng đông, thuyền của anh Nguyễn Văn Dương chưa trở vào bờ như mỗi khi. Bà cụ Toán (80 tuổi, mẹ anh Dương) dừng tay quạt mo, miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu nhìn ra phía biển trước mắt, nói với cô con dâu đang ngồi vá lưới: "Giờ ni mà thuyền của cha mấy đứa trẻ chưa về thì có lẽ không trúng cá, chắc lại gắng ở lại đêm nay nữa ngày mai mới vào bờ mẹ Tùng ạ". Bà cụ Toán vừa nói xong, thoạt đứng dậy đi vào nhà thì từ phía xa xa mấy chiếc thuyền đang tiến gần vào bờ...

Chuẩn bị chuyến biển mới.
Chuẩn bị chuyến biển mới.

Làng Xuân Dương cách biển chỉ một con đường du lịch ven sông Lam. Hàng ngày, tầm 6 giờ sáng thuyền từ ngoài khơi trở về neo đậu san sát, đấy là lúc hối hả nhất của làng. Những chiếc thuyền dẫu đánh bắt gần bờ hay xa bờ đều treo những chiếc cờ Tổ quốc đỏ thắm trước mũi thuyền, tạo thêm một sức mạnh thôi thúc ngư dân bám biển yêu nghề. Bà cụ Toán say sưa: "Nhà tui chưa có thuyền vươn khơi vùng biển xa, chỉ đi gần bờ vài ba đêm là trở về. Nếu có thuyền lớn thì cũng sẽ như nhà anh Biên, anh Kình trong xóm, đi cả tuần, mươi ngày ấy chứ. Cách đây 2 hôm, thuyền nhà anh Kình thuê thêm đầu bếp nấu ăn, mang theo 3 bì gạo, rồi rau, nước mắm, lạc... Nghe đâu chuyến biển này thuyền anh Biên đi trên 10 ngày mới vào bờ. Ở Nghi Xuân, những thuyền lớn như anh Kình, anh Biên rất ít nên trong tình hình Trung Quốc đang ngang nhiên hạ đặt giàn khoan vùng biển Việt Nam, bà con ngư dân làng Xuân Dương đi ra đi vào gặp nhau đều thốt lên: "Giá mà làng mình có thuyền lớn, sẽ quyết tâm vươn khơi bám biển!".

Ngư dân kết lá cọ làm mồi nhử cá.
Ngư dân kết lá cọ làm mồi nhử cá.

Bao đời nay, làng biển Xuân Dương dẫu những ngày biển động hay biển lặng bà con vẫn một lòng với biển. Với những ngày biển động, bà con làng biển lại đem lưới ra kiểm tra, vá lại những phần lưới sưa, lưới rách, kiểm lại thuyền mủng, xem chỗ nào mỏng nhựa thì trét thêm... Chuyện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan vào vùng biển chủ quyền Việt Nam khiến bà Toán thêm yêu vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Bà bảo cháu trai của bà đang học đại học Hà Nội mua cho bà mấy cái đĩa hát về Trường Sa - Hoàng Sa để hàng ngày bà mở nghe. "Bà con làng biển tuy không trực tiếp đánh bắt ở ngoài đó, nhưng từ khi nghe tin Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan tại biển Việt Nam, ai ai cũng bức xúc lắm. Bà con càng hăng say lao động. Phụ nữ thì bám chợ, bám bến, đàn ông con trai thì bám biển, bám thuyền, học sinh đến lớp chăm ngoan.

Chưa hết, ngày nào họ cũng cầm điện thoại gọi thăm hỏi những ngư dân ở Sơn Hải, Quỳnh Tiến, Quỳnh Nghĩa... của huyện Quỳnh Lưu để để chúc chuyến biển dài ngày bội thu. Khi nghe các ngư dân đồng hương ngoài ấy trả lời vẫn kiên quyết bám biển, bám thuyền đến tận cùng, không vì tình hình biển Đông phức tạp mà bỏ thuyền bỏ biển mà ngược lại càng bám biển hơn nữa, tui cũng mừng lắm". Bà Toán sống ở Nghi Xuân (Nghi Lộc), nhưng gốc của bà ở làng Thơi, thuộc xã Quỳnh Hải, mẹ bà người Tiến Thủy, lấy chồng Quỳnh Hải (Quỳnh Lưu).

Còn bà, năm 21 tuổi theo ông Xuân về Nghi Xuân làm dâu trong một lần bà đem cá về Cửa Hội bán. Từ ngày bà về Xuân Dương, bà gắn với bến với thuyền. Đến đời chồng bà là đời thứ hai đi biển, bây giờ gia đình bà Toán có 4 thế hệ đi biển. Dẫu biển khi trầm khi bổng, bà con làng Xuân Dương vẫn kiên trì bám biển: "Cuộc sống của ngư dân cứ bấp bênh như sóng. Mùa biển động càng khó khăn nhiều hơn. Vùng biển nào cũng vậy cả thôi, mình sống ở biển, ăn cá từ biển, hạt cơm cũng từ con cá biển mà ra thì phải chung tình với biển. Sau ngày động, biển lại dịu êm, quan trọng là ngư dân đi biển chăm chỉ, chịu khó, yêu thuyền, yêu biển thì biển không phụ sức người...". Bà Toán và nhiều ngư dân làng Xuân Dương trải lòng!

Một ngày như bao ngày khác, khoảng 4, 5 giờ chiều, những con thuyền làng biển Xuân Dương lại rẽ sóng ra khơi. Trên bãi cát, dấu chân các mẹ, người vợ lại vận chuyển đá lạnh, thức ăn trong một hai ngày cho chồng, cho con. Rồi khoảng 5, 6 giờ sáng ngày hôm sau, các bà, các mẹ tranh thủ thuyền chưa cập bến ăn vội bữa sáng để còn bắt tay vào công việc thường nhật khi thuyền vào bờ là vận chuyển cá đến cảng cá Cửa Hội bán hoặc bán ngay tại cửa biển của làng. Mỗi gia đình có một chiếc thuyền thúng chèo ra mép thuyền để đưa cá vào. Không khí sôi động nhất là khoảng 6 giờ sáng, những thuyền mủng được tay bà, tay mẹ, tay lão ngư chèo qua nhau, trao nhau lời hỏi thăm, làm không khí sôi động một khúc biển. Rồi tầm sau 9 giờ sáng, biển còn lại thuyền và lác đác mấy bóng người qua lại vận chuyển lương thực sớm lên thuyền cho chuyến biển mới nhổ neo tầm 5, 6 giờ chiều.

Ở làng biển, mẹ gặp con, vợ gặp chồng... chỉ mấy tiếng đồng hồ buổi trưa, rôm rả chuyện biển chuyện làng một lúc, các lão ngư tranh thủ chợp mắt, còn các mẹ, các vợ lại tất tả chuẩn bị dầu, đèn... cho chuyến biển mới. Khi trời xế chiều, những con thuyền lại tiếp tục rẽ sóng mưu sinh. Mỗi lần nhổ neo, họ mang theo niềm tin, hy vọng sẽ được thuận buồm xuôi gió, gặp được luồng cá lớn. Ông Trần Văn Tùng (70 tuổi), ngày ngày vẫn cùng con trai đi lưới, trừ những ngày biển động ông mới ở nhà, còn giá rét, nắng mưa ông vẫn một lòng bám biển. Ông bảo: 'Mình sống trên biển thì phải yêu biển, con người ta ai cũng có một niềm yêu nghề của mình. Tui đi biển tui yêu biển có chi là lạ mô! Đến khi sức tui yếu, không thể lên thuyền được, tui mới nghỉ". Không riêng ông Tùng, anh Kình, anh Biên, các con, cháu của bà cụ Toán mà nhiều ngư dân ở làng Xuân Dương, ai ai cũng đều bảo rằng nghề đi biển tuy khó khăn vất vả, nhưng nó đã ngấm sâu trong máu thịt, trở thành cái “nghiệp" của mỗi ngư dân rồi. Từ những chuyến biển, làng xóm Xuân Dương mọc thêm nhiều ngôi nhà bằng, nhà ngói đỏ, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Theo chia sẻ của anh Dương, thì một chuyến biển sau một đêm mất ngủ, trừ chi phí thì mỗi người có thu nhập 600 ngàn đến 1 triệu đồng.

Địa bàn Nghi Xuân thuộc huyện Nghi Lộc nhưng làng Xuân Dương gần Cửa Hội hơn trung tâm huyện Nghi Lộc nhiều nên rất thuận lợi cho việc thu mua sản phẩm. Mỗi chuyến biển về, bà con lầng biển đem cá về kho đông lạnh Cửa Hội bán lẻ, bán sỉ nên mảnh đất Cửa Hội gắn với bà con Xuân Dương cũng không kém. Mấy tuần nay, mỗi lần đem cá đến cảng, bà con làng biển không quên hỏi thăm các ngư dân của nhiều tỉnh trong Nam ngoài Bắc neo đậu cảng cá Cửa Hội. Anh Dương cũng như nhiều ngư dân làng biển Xuân Dương không quên bớt thời gian hỏi han, động viên, chia sẻ những ngư dân khắp mọi miền đất nước cập bến cá Cửa Hội sau chuyến vươn khơi từ ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa trở về. Những câu đáp lại thật ấm nồng: "Anh em chúng tôi vẫn đều đều vươn khơi bám biển, bây giờ càng phải bám biển dài ngày hơn".

Khuôn mặt anh Dương dẫu chưa hết mệt, vất vả sau đêm thức trắng ngoài khơi, vẫn nhiệt tình kể chúng tôi nghe những phút vội vàng anh đã kịp hỏi han, trò chuyện với những ngư dân khắp mọi miền Tổ quốc đang đánh bắt hải sản ở các quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa. Anh bảo, tuy quê anh chưa có thuyền lớn vươn khơi, hơn bao giờ hết, những lúc này đây anh càng có ý thức bám biển, bám thuyền: "Giá mà có thuyền lớn vươn khơi, tui sẽ vươn ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa giữ vững biển trời Tổ quốc mình" - anh Kình đã nói như vậy khi bước lên con thuyền nhổ neo cho một chuyến ra khơi...

Bài, ảnh: Thu Hương