Đẩy nhanh sản xuất giống chanh leo

06/01/2014 17:44

(Baonghean) - Sau 4 năm có mặt trên địa bàn xã Tri Lễ, hiệu quả kinh tế cây chanh leo mang lại cho người dân đã được chứng minh một cách thuyết phục. Hiện nay, công tác ươm giống đang được doanh nghiệp thực hiện. Đây là cơ sở vững chắc để đến năm 2015, tổng diện tích chanh leo trên địa bàn huyện Quế Phong đạt 900 ha.

(Baonghean) - Sau 4 năm có mặt trên địa bàn xã Tri Lễ, hiệu quả kinh tế cây chanh leo mang lại cho người dân đã được chứng minh một cách thuyết phục. Hiện nay, công tác ươm giống đang được doanh nghiệp thực hiện. Đây là cơ sở vững chắc để đến năm 2015, tổng diện tích chanh leo trên địa bàn huyện Quế Phong đạt 900 ha.

Nhiều mô hình kinh tế đã được xây dựng nhưng hầu hết đều thất bại, chỉ riêng cây chanh leo không những đứng vững mà còn phát triển mạnh mẽ. Người dân xã Tri Lễ đã xác định, chanh leo là một đối tượng cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao và là cây làm giàu. Từ 3 ha mô hình ban đầu, đến nay, diện tích trồng chanh leo trên địa bàn xã Tri Lễ là 24 ha. Ông Đàm Thiên Thương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ cho biết: Sau hơn 4 năm cây chanh leo có mặt trên địa bàn xã cho thấy hiệu quả về kinh tế là rất lớn. Thu nhập bình quân 1 ha chanh leo khoảng 150 triệu đồng. Từ đó, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Với hiệu quả kinh tế mà cây chanh leo mang lại cho người dân, Nghị quyết của Đảng bộ xã quyết định sẽ nhân rộng diện tích lên 565 ha đến năm 2015. Riêng đến năm 2014, phấn đấu đạt diện tích hơn 100 ha. Tuy nhiên, hơn 24 ha chanh leo tại xã Tri Lễ đều phụ thuộc vào nguồn giống của Đài Loan, giá giống nhập về là 50 ngàn đồng/cây, kéo theo chi phí đầu tư ban đầu rất cao.

Để đáp ứng nguồn giống, Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp NAPAGA đã đầu tư hơn 25 tỷ đồng để xây dựng vườn ươm trên diện tích 1 ha. Ông Phạm Duy Thái, Giám đốc công ty cho biết: Hiện nay, trên cả nước chưa có công ty nào sản xuất được giống chanh leo mà phải nhập từ Đài Loan với giá rất cao. Để chủ động cây giống và nhân rộng diện tích cây chanh leo tại Quế Phong, công ty quyết định đầu tư để xây dựng vườn ươm này. Với công nghệ hiện đại và sự giúp đỡ của các giáo sư người Đài Loan thì hiện nay, cây giống bố mẹ đã được ươm xong. Khoảng đến tháng 2/2014, công ty sẽ tiến hành nối gốc ghép mắt của cây bố với mắt ghép của cây mẹ để cho ra cây giống, sau một tháng có thể bán cho người dân. Với phương pháp này, cây giống sẽ có chất lượng cao do đã được kháng bệnh bằng việc kiểm soát ngay từ đầu, rút ngắn thời gian ra giống khoảng 2 tháng.

Mô hình chanh leo của gia đình ông Vi Thanh Xuân  bản Yên Sơn, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.
Mô hình chanh leo của gia đình ông Vi Thanh Xuân - bản Yên Sơn, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.

Đến tháng 4, vườn ươm của công ty sẽ đi vào hoạt động ổn định, trung bình mỗi tháng cung cấp được 40.000-50.000 cây giống cho người dân trên địa bàn huyện Quế Phong. Sang giai đoạn 2, công ty sẽ mở rộng diện tích vườn ươm lên 2 ha và sẽ tiến tới cung cấp giống cây chanh leo cho cả nước. Để hỗ trợ người dân, công ty quyết định bán nợ giống và không tính lãi trong vòng 8 tháng cho người dân. Sau khi thu hoạch xong, người dân bán lại sản phẩm và công ty sẽ khấu trừ tiền cây giống ban đầu. Hiện nay, nguồn sản phẩm để công ty hoạt động chủ yếu là ở Đà Lạt. Sau khi dự án này đi vào hoạt động, về cơ bản sẽ đáp ứng được nhu cầu cho công ty. Ông Thái cho biết thêm: Khó khăn của công ty hiện nay là chưa có được quỹ đất sạch để thực hiện dự án và tiến độ thực hiện sẽ chậm. Hơn nữa, nhận thức của người dân còn hạn chế nên để thuyết phục thì cần có một quá trình. Công ty rất mong muốn được sớm giao đất để có thể xây dựng mô hình để người dân đến tham quan, học tập.

Để phát triển cây chanh leo, Huyện ủy Quế Phong đã ban hành Nghị quyết chuyên đề 04 xây dựng kế hoạch đến năm 2015 tổng diện tích cây chanh leo lên 900 ha tại 3 xã: Tri Lễ, Nậm Nhóng, Nậm Giải. Trong đó sẽ bố trí khoảng 300 ha cho công ty xây dựng mô hình và có thể chủ động được sản xuất. Riêng trong năm 2014, phấn đấu nâng diện tích lên 250 ha. Ông Lữ Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Chanh leo là cây trồng xóa đói, giảm nghèo bền vững nhất. Vì thế, huyện xác định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, thu hút doanh nghiệp vào địa bàn để xây dựng mối liên kết với người dân. Huyện sẽ tạo điều kiện để công ty hoạt động bằng việc hỗ trợ các cơ chế, chính sách và cố gắng sớm bàn giao quỹ đất để xây dựng mô hình cho người dân tham quan, học tập và làm theo. Một số diện tích đất nông nghiệp không trồng lúa nước sẽ được chuyển sang trồng cây chanh leo. Hiện nay, người dân mong muốn sớm được trồng chanh leo để phát triển kinh tế gia đình.

Riêng tại xã Tri Lễ, hiện nay xã đang xác định quỹ đất để bàn giao cho công ty để xây dựng mô hình. Đối với những diện tích trồng lúa nhưng thuộc vùng cao cưỡng, khó khăn về nguồn nước thì có thể chuyển sang trồng cây chanh leo. Tại 2 bản D1, D2 của Khu kinh tế mới Minh Châu, sẽ không mở rộng diện tích mía mà chuyển hướng nâng diện tích cây chanh leo. Tuy nhiên, nhận thức của người dân nơi đây vẫn còn hạn chế cho nên trong quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn. “Để đạt được kế hoạch đề ra, xã sẽ huy động tất cả hệ thống chính trị, các đoàn thể vào cuộc một cách mạnh mẽ. Xã đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển cây chanh leo và tăng cường tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân hiểu được giá trị kinh tế mà cây chanh leo mang lại”, ông Thương cho biết thêm.

Phạm Bằng