NATO ngừng mọi hợp tác với Nga
NATO cũng yêu cầu các quan chức quân sự soạn thảo các biện pháp tăng cường quốc phòng nhằm trấn an các nước Đông Âu.
Theo Reuters, ngoại trưởng 28 nước thành viên NATO ngày 1/4 đã nhóm họp lần đầu tiên kể từ khi Nga sáp nhập Crimea, một hành động được cho là gây ra căng thẳng lớn nhất giữa Đông và Tây kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Chờ đợi thiện chí của Nga
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết hành động của Nga đồng nghĩa với việc NATO sẽ không còn quan hệ bình thường với Nga “như trước đây”.
“Ngày hôm nay (1/4) chúng tôi sẽ dừng mọi quan hệ hợp tác với Nga cả trong lĩnh vực dân sự và quân sự”, ông Rasmussen tuyên bố tại một cuộc họp báo.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (trái) và Ngoại trưởng Romania Titus Corlatean (Ảnh Reuters) |
Việc ngừng hợp tác của NATO với Nga cũng đồng nghĩa với việc Nga sẽ không thể tham gia vào các cuộc tập trận chung, bao gồm một cuộc tập trận đã được hai bên lên kế hoạch vào tháng 5.
Tuy nhiên, ông Rasmussen cho biết ông hy vọng rằng Nga sẽ vẫn tiếp tục hợp tác với NATO trong việc đào tạo nhân lực để chống buôn lậu ma túy, bảo trì trực thăng của Không quân Afghanistan và xây dựng tuyến đường vận chuyển hàng hóa vốn bị phá hủy trong các cuộc chiến tranh tại đây.
Ngoài ra, việc liên lạc giữa NATO và Nga ở cấp Đại sứ và cấp cao hơn vẫn tiếp diễn để cả hai bên có thể thảo luận các biện pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết mối quan hệ tương lai của Nga và NATO sẽ phụ thuộc vào việc Nga có bắt đầu rút quân khỏi biên giới Ukraine hay không.
Tăng cường phòng vệ tại Đông Âu
Ngoài ra, các Ngoại trưởng NATO cũng yêu cầu các tư lệnh quân đội lên kế hoạch củng cố quốc phòng nhằm gây dựng niềm tin cho các thành viên NATO ở Đông Âu, bao gồm cả các quốc gia Baltic thuộc Liên bang Xôviết trước đây rằng NATO sẵn sàng bảo vệ các nước này.
Các biện pháp mà NATO dự định đưa ra bao gồm việc điều động binh sỹ và trang thiết bị đến các nước nói trên, tăng cường việc diễn tập quân sự thường xuyên, đảm bảo rằng các đội phản ứng nhanh của NATO luôn trong trạng thái sẵn sàng được điều động và xem xét lại các kế hoạch quân sự của NATO.
Các nhà hoạch định quân sự của NATO sẽ đệ trình chi tiết những đề xuất của mình trong vài tuần tới, một quan chức NATO cho biết.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, những động thái trên của NATO là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và mở ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh AP) |
“Tại thời điểm này, nhân dân trên toàn thế giới cần hiểu rằng NATO sẽ xem xét kỹ lưỡng việc Nga cố gắng thay đổi biên giới của mình thông qua việc sử dụng vũ lực”.
Việc Nga ngày 31/3 tuyên bố sẽ rút một phần số quân của nước này đóng gần biên giới Ukraine là một hành động dù nhỏ nhưng rất đáng hoan nghênh, ông Kerry nhấn mạnh.
“Câu hỏi hiện nay là: Liệu có cách nào để có thể Nga sẽ tiếp tục rút phần lớn số quân của mình và thực sự hạ nhiệt căng thẳng?”, ông Kerry nói.
Mỹ và các đồng minh NATO trước đó đã có những phản ứng trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine bằng cách điều thêm máy bay tham gia vào việc tuần tra thường xuyên của NATO trên vùng trời các quốc gia Baltic, vốn thuộc Liên bang Xôviết trước đây.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã tăng cường việc tập trận chung với Không quân Ba Lan.
Một quan chức Lầu Năm Góc ngày 31/3 cho biết các tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ tại châu Âu đang cân nhắc các lựa chọn, bao gồm điều động một tàu chiến tới biển Đen và tăng cường các cuộc tập trận của NATO.
Tướng Philip Breedlove, Tư lệnh liên quân NATO và Tư lệnh Quân đội Mỹ tại châu Âu, đang xem xét kế hoạch các cuộc tập trận tới đây của NATO để xem liệu có cách nào có thể cải thiện hiệu quả của những cuộc tập trận nói trên hay không, quan chức này cho biết.
Trong khi đó, Đức đã cung cấp 6 máy bay chiến đấu Eurofighter cho đội tuần tra trên không của Baltic và một tàu chỉ huy việc dò mìn cho một đơn vị Hải quân ở biển Baltic.
Ủng hộ Ukraine
Bên cạnh đó, NATO cũng đồng ý gặp gỡ Ngoại trưởng Ukraine nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực huấn luyện và đào tạo để hiện đại hóa quân đội Ukraine.
NATO cũng sẽ tạo điều kiện để Ukraine tham gia vào các cuộc tập trận của NATO, ông Rasmussen nói.
Ukriane đã đưa ra danh sách những trang thiết bị kỹ thuật mà Ukraine muốn NATO cung cấp cho quân đội nước này, trong đó không bao gồm vũ khí, đạn dược, Ngoại trưởng Ukraine Andrij Deshchitsya tuyên bố tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với các Ngoại trưởng NATO ngày 1/4.
Ông Deshchitsya cho biết các NATO sẽ đưa các chuyên gia tới Kiev vào tuần tới để xem Ukraine cần trang bị những gì./.
Theo VOV